Để có văn hóa pháp luật, chủ thể phải mất một quá trình trau dồi, tích lũy tự giác lâu dài. Sự ra đời của văn hóa pháp luật đã và đang góp phần tạo dựng môi trường xã hội - pháp lý lành mạnh, mang tính nhân văn sâu sắc để các thế hệ dựa trên công lý mà vươn tới hạnh phúc, tới một xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Văn hóa pháp luật xác lập một hệ thống các giá trị pháp luật cho xã hội nhằm tạo ra các khuôn mẫu ứng xử, chuẩn mực hành vi phù hợp với các nguyên tắc, quy định của pháp luật.
Văn hóa pháp luật bao gồm: ý thức pháp luật, hệ thống pháp luật và các thiết chế pháp luật, hành vi pháp luật và lối sống theo pháp luật. Trong hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp ở nước ta hiện nay, tuân thủ các giá trị pháp lý của xã hội, thực hiện cái chân, vươn tới cái thiện và mỹ bằng trách nhiệm xã hội, góp phần xây dựng xã hội công bằng, hạnh phúc; khẳng định các giá trị pháp luật là góp phần vào việc xây dựng văn hóa pháp luật.
Hoạt động kinh tế càng ở trình độ cao và phạm vi thị trường càng mở rộng hội nhập quốc tế thì đòi hỏi doanh nghiệp càng phải có văn hóa pháp luật. Tuy nhiên, do kinh tế thị trường ở nước ta mới hình thành và phát triển, thậm chí chưa được nhiều nước trên thế giới thừa nhận, đã bộc lộ nhiều hạn chế từ phía các doanh nghiệp. Do hệ quả của thói quen sản xuất nhỏ và cơ chế bao cấp, kinh tế thị trường mang tính chất “hoang dã”, chụp giật, “bóc ngắn cắn dài” cùng tâm lý trốn tránh pháp luật tạo nên hiện tượng “lách luật”, vị lợi trước mắt của các chủ doanh nghiệp đã cản trở mục tiêu và chiến lược kinh doanh… Vì vậy, hiện tượng vi phạm pháp luật, lách luật, trốn thuế, cạnh tranh không lành mạnh, thậm chí “vô thiên vô pháp”, kém hiểu biết về pháp luật trong quan hệ với nhà nước, người lao động, môi trường… trở nên phổ biến trong hoạt động kinh tế.
Bối cảnh khó khăn của nền kinh tế đã phát lộ hàng loạt những hành vi phạm các chuẩn mực, giá trị pháp luật, môi trường pháp lý và kinh doanh phi văn hóa, thể hiện tầm nhìn ngắn hạn của các doanh nghiệp như: quan hệ không lành mạnh về tín dụng giữa ngân hàng với bất động sản, trốn thuế, tham nhũng trong doanh nghiệp nhà nước, bán thông tin cá nhân của khách hàng, bán hàng đa cấp bất chính, sản xuất hàng hóa kém chất lượng, sự không lành mạnh của hoạt động thương mại điện tử… Do đó, vấn đề nâng cao văn hóa pháp luật cho chủ các doanh nghiệp trở nên bức thiết. Giải pháp nhằm nâng cao văn hóa pháp luật cho doanh nghiệp ở nước ta hiện nay là:
Thứ nhất, nâng cao ý thức pháp luật bằng việc trau dồi tri thức pháp luật cho doanh nhân và người lao động. Nâng cao ý thức pháp luật phải bắt đầu từ việc trau dồi tri thức pháp luật. Tri thức pháp luật giúp chủ thể doanh nghiệp phân tích, đánh giá đời sống kinh tế xã hội, từ đó vận dụng những hành vi pháp luật trong đời sống, góp phần xây dựng đời sống văn hóa pháp luật. Nâng cao tri thức pháp luật doanh nghiệp bằng việc nâng cao tri thức pháp luật cho doanh nhân và người lao động. Đối với doanh nhân, nhân cách và văn hóa doanh nhân được khẳng định bằng đạo đức và trí tuệ của họ. Yếu tố trí tuệ là đặc điểm riêng có của doanh nhân - hạt nhân trong nhân cách tạo nên sự khác biệt của doanh nhân với các giai cấp xã hội khác.
Tri thức pháp luật góp phần làm nên trí tuệ doanh nhân, hay nói cách khác đó chính là một phần hội tụ trong trí tuệ doanh nhân. Trong cái “Trí” - trình độ, sự hiểu biết, tri thức kinh doanh… của doanh nhân có tri thức pháp luật. Nó tạo nên sự vững chắc của trí tuệ trong kinh doanh cũng như khả năng nắm bắt và thực hiện hành động kinh doanh trên cơ sở chuẩn mực pháp luật của nhà nước, phù hợp với giá trị văn hóa xã hội. Nói cách khác, tri thức pháp luật gia tăng yếu tố trí tuệ và văn hóa pháp lý cho doanh nhân. Đồng thời, đạo đức doanh nhân - bộ phận của văn hóa doanh nhân, có mối quan hệ chặt chẽ với ý thức pháp luật.
Sự hiểu biết pháp luật, tư tưởng, tình cảm pháp luật đúng đắn là động cơ thôi thúc doanh nhân thực có những hành vi chuẩn mực phù hợp với những giá trị pháp lý, giá trị văn hóa đạo đức của xã hội. Trên nền tảng của ý thức pháp luật, tuân theo yêu cầu tối thiểu, trở thành yêu cầu tối đa của các chuẩn mực đạo đức văn hóa doanh nhân là quá trình đi từ cái phổ biến đến cái đặc thù trong nhân cách doanh nhân.
Đối với người lao động, tri thức pháp luật đưa lại cho họ hành vi pháp luật và lối sống theo pháp luật trong mối quan hệ lao động giữa người lao động và người quản lý, trong quy trình thực hiện sản xuất, hình thành hành vi ứng xử tự giác, văn hóa trong các mối quan hệ bên trong doanh nghiệp. Có tri thức pháp luật phong phú gắn với tư tưởng, tình cảm pháp luật tích cực sẽ giúp doanh nghiệp có bản lĩnh trong hoạch định và thực hiện sứ mạng, mục tiêu kinh doanh vì lợi ích quốc gia, dân tộc.
Thứ hai, yêu cầu các doanh nghiệp thực hiện hành vi pháp luật tích cực, tức là kinh doanh đúng pháp luật, hình thành thói quen kinh doanh theo pháp luật. Từ cách ứng xử trong nội bộ doanh nghiệp đến xây dựng và phát triển thương hiệu, trong các hoạt động marketing, hoạt động đàm phán và thương lượng, định hướng tới khách hàng, doanh nghiệp phải luôn hướng tới khách hàng, đối tác, coi khách hàng là trung tâm; người lao động là cội rễ để giải quyết các mối quan hệ trên nền tảng của các chuẩn mực pháp luật một cách tự giác. Đó chính là biểu hiện của văn hóa pháp lý doanh nghiệp.
Vì vậy, xây dựng nhân cách doanh nhân, phẩm giá và trình độ doanh nhân, hình thành trách nhiệm doanh nhân đối với gia đình và Tổ quốc cần phải gắn với việc xây dựng văn hóa pháp luật cho doanh nhân; coi văn hóa pháp luật doanh nhân là một bộ phận không thể thiếu trong cấu trúc văn hóa doanh nhân nói riêng và văn hóa kinh doanh nói chung. Hành vi pháp luật của doanh nhân thể hiện cách thức, khả năng và trình độ sử dụng các công cụ pháp luật của bản thân nhà lãnh đạo doanh nghiệp trong quá trình đấu tranh vì công lý, bình đẳng và tiến bộ xã hội theo định hướng chân - thiện - mỹ. Khi lãnh đạo doanh nghiệp biết sử dụng các công cụ pháp luật một cách tự giác vào hoạt động kinh doanh thì tạo ra sự tích cực trong việc thực hiện pháp luật, thể hiện sự thống nhất về lợi ích, hướng tới sự công bằng, “sống và làm việc theo pháp luật”, hành động kinh doanh không chỉ vì lợi nhuận mà còn hướng tới các giá trị nhân văn, vì sự phát triển con người - xã hội.
Thứ ba, hình thành lối sống theo pháp luật cho đội ngũ doanh nhân. Cộng đồng doanh nhân ở nước ta có số lượng hàng triệu người, với tính chất, phương thức kinh doanh khác nhau. Lối sống theo pháp luật của người lãnh đạo doanh nghiệp gắn với hành vi pháp luật, hình thành văn hóa pháp luật. Biểu hiện đặc trưng lối sống của doanh nhân là cách xử sự của họ trong những mối quan hệ kinh doanh. Vì vậy, lối sống theo pháp luật của doanh nghiệp phải luôn dựa trên nền tảng ý thức pháp luật cùng hệ thống pháp luật và các thiết chế pháp luật cảu nhà nước.
Trong các hoạt động sản xuất kinh doanh, quan hệ với đối tác, khách hàng, nhà nước… doanh nhân bộc lộ một cách tự giác thói quen “sống và làm việc theo pháp luật”. Lối sống theo pháp luật của doanh nhân thể hiện lối sống có văn hóa, có thể “lây lan”, phổ biến và tạo nên một môi trường cộng đồng doanh nghiệp lành mạnh, hướng tới xã hội hóa hành vi pháp luật trong doanh nghiệp. Thậm chí, khi cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp xây dựng lối sống theo pháp luật có nghĩa là tham gia vào quá trình xây dựng các chuẩn mực pháp luật cho nhà nước. Nếu dựa trên nền tảng tư tưởng pháp luật khoa học, tiên tiến thì lối sống theo pháp luật cũng dễ dàng hình thành.
Ngược lại, nếu có lối sống theo pháp luật thì chủ thể doanh nghiệp sẽ có ý thức bảo vệ, xây dựng, phát triển các giá trị pháp luật, văn hóa. Có thể thấy một cách rõ ràng, thông qua triết lý kinh doanh, mục tiêu kinh doanh, chiến lược, đạo đức kinh doanh, các công ty chứng minh tuyên ngôn về việc thực hiện lối sống theo pháp luật trong hoạt động kinh doanh. Tuy nhiên, tuyên ngôn này còn phải được kiểm nghiệm bằng thực tiễn kinh doanh của các công ty, đúng như câu nói của William S. Paley, nhà sáng lập Tập đoàn CBS: Phần lớn đức hạnh bắt nguồn từ những thói quen tốt./.