Theo Bộ trên, các văn phòng phúc lợi tại 900 địa phương trên toàn quốc đã nhận được tổng cộng 307.072 lượt yêu cầu tư vấn trong giai đoạn từ tháng 4-9/2021, tăng từ 124.439 lượt trong giai đoạn tương ứng vào năm 2019.
Trong làn sóng lây nhiễm COVID-19 thứ năm, Nhật Bản đã ghi nhận một số trường hợp mắc COVID-19 kỷ lục, khiến chính phủ phải ban hành tình trạng khẩn cấp mới ở một số tỉnh. Theo số liệu của Chính phủ Nhật Bản, khoảng 43.000 người đã bị sa thải hoặc bị chấm dứt việc làm trong năm nay do đại dịch.
Với số lượng ca nhiễm biến thể Omicron đang gia tăng, Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản đã kêu gọi chính quyền địa phương hỗ trợ những người có nhu cầu, chẳng hạn như giúp họ tìm chỗ ở, ngay cả trong kỳ nghỉ cuối năm và năm mới khi nhiều cơ sở công cộng đóng cửa.
Bên cạnh đó, dù tình hình thị trường việc làm có dấu hiệu cải thiện, các doanh nghiệp kinh doanh nơi cư trú và nhà hàng thuê nhiều lao động nữ cùng lao động thời vụ vẫn đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch. Ông Koichi Kurosawa, một quan chức cấp cao của Liên đoàn Công đoàn Quốc gia - đại diện cho khoảng 1,2 triệu công nhân ở Nhật Bản, cho biết có sự gia tăng rõ ràng về số lượng các cuộc tham vấn từ phụ nữ.
Theo tổ chức phi lợi nhuận NPO Moyai có trụ sở tại Tokyo, nhiều người tìm đến sự giúp đỡ hơn so với năm ngoái, vì đại dịch khiến những người này phải sử dụng hết tiền tiết kiệm. Ông Ren Onishi, người đứng đầu NPO Moyai, cho hay có những người không hiểu rằng họ có đủ điều kiện nhận hỗ trợ vì họ chưa bao giờ rơi vào cảnh nghèo đói trước đây./.