Nhấn nút “chia sẻ” - xin chớ vội vàng

“Chia sẻ thông tin ” – Một việc làm hết sức quen thuộc đối với những ai đã và đang sử dụng mạng xã hội. Người ta thường nhấn nút “chia sẻ” với bất cứ thông tin nào khiến họ quan tâm, đồng cảm, tâm đắc. Nhiều người mượn thông tin mình đang chia sẻ để dãi bày những tâm trạng không tiện nói. Cũng có những người chia sẻ chỉ nhằm mục đich câu like, câu view, đưa những vụ việc nóng bỏng đang được dư luận quan tâm chú ý nhằm thoả mãn tính tò mò. Qua thông tin mà một người chia sẻ, ta sẽ phần nào hiểu được nội tâm, ý nghĩ , cách cư xử và nét văn hoá ẩn sâu trong mỗi con người.

Chia sẻ - hiểu một cách đơn giản là cùng chia với nhau để cùng hưởng hoặc cùng chịu. Còn chia sẻ thông tin, hiểu nôm na là mang thông tin đó đến với mọi người. Không thể phủ nhận, mạng xã hội phát triển đã làm cho thông tin được bùng nổ một cách chóng mặt. Nó có sức mạnh ghê gớm kết nối cộng đồng, lan toả những giá trị tốt đẹp. Ngược lại, nó cũng là nhát dao chí mạng, là mầm bệnh lây lan nhanh nhất trong sự phát triển của cái cây xanh mang tên đạo đức xã hội.

Chưa đầy một tuần qua, kể từ khi chương trình “Cất cánh” của kênh truyền hình VTV1 phát sóng, cộng đồng mạng xã hội không khỏi ngỡ ngàng và xúc động trước câu chuyện của một người con tên là Đỗ Văn Hương (47 tuổi) ở phố Định Công Thượng (quận Hoàng Mai, Hà Nội) chăm sóc người mẹ ruột  của mình là cụ Ninh Thị Còi (95 tuổi, ở cùng địa chỉ). Những cử chỉ âu yếm, sự chăm sóc ân cần và thái độ kiên nhẫn của ông Hương với “Em bé U” (cách gọi dí dỏm, trìu mến ông dành cho mẹ) đã chạm đến trái tim nhiều người ở mọi lứa tuổi khác nhau.

capture-1669106648.PNG
Nút Share là con dao hai lưỡi.

Hành động đẹp của người con chí hiếu ấy đã tạo ra một làn sóng “chia sẻ” tích cực. Nhờ đó, hình ảnh của ông Hương nhanh chóng đến được với hàng triệu người. Nhìn vào đó, nhiều người con có dịp soi lại mình, nhiều bậc cha mẹ có dịp để so sánh, cảm nhận đạo hiếu của các con. Những câu chuyện đẹp của ông Hương như một mùi thơm dịu nhẹ bay trong gió, thoảng đến muôn nơi khiến mọi người thấy được chữ Hiếu đáng trân trọng và đáng quý biết bao. Tương tự như vậy, đã có biết bao câu chuyện cảm động, những việc làm ý nghĩa trong cuộc sống được nhân rộng nhờ có sự chia sẻ thông tin rộng rãi.

Nếu tình cờ lướt qua mạng xã hội, ta sẽ thấy hiện ra trước mắt là hàng loạt các hình ảnh bạo lực kinh hoàng về một vụ án chồng đuổi theo truy sát vợ đến cùng ở một tỉnh nọ khiến người xem không khỏi rùng rợn. Mặc dù những hình ảnh nhạy cảm nhất đã bị che kín, nhưng những từ ngữ, thông tin đăng tải như vẽ ra bức tranh trong tưởng tượng của mỗi người đọc, người xem. Đây không còn là một câu chuyện lạ. Nó xuất hiện ngày càng nhiều và lan truyền chóng mặt trên các trang mạng xã hội, các diễn đàn… thậm chí là trong các nhóm bạn bè, người thân gửi cho nhau như chỉ để cảnh báo hay thoả mãn sự hiếu kỳ trước các câu chuyện có mang tính thời sự, giật gân.

share-nghia-la-gi-1669106654.jpg
Hãy cân nhắc trước khi nhấn nút Share.

Nhiều khi, người viết bài tự hỏi: Người ta chia sẻ những hình ảnh đó nhằm mục đích gì? Thực tế cho thấy, những vụ án mang tính chất đặc biệt nghiêm trọng ngày càng gia tăng. Bất kể xuất phát từ nguyên nhân nào, tính mạng con người cũng trở nên mong manh và dễ dàng bị tước đoạt. Đáng nói, tính chất côn đồ, hung hãn trong các vụ án ngày càng tăng cấp độ, và dường như có xu hướng “bắt chước” lẫn nhau. Liệu có phải, vì thông tin về những mặt trái xã hội ngày càng nhiều mà người ta đã quen với nó? Thậm chí giới trẻ có xu hướng học theo và trở lên vô cảm, không còn biết lạnh gáy run sợ khi xuống tay tước đoạt mạng sống của người khác.

Còn nhớ cách đây không lâu, sau vụ sát hại bạn gái dã man ở một hiệu làm tóc tại Bắc Ninh, nam thanh niên khi được lấy lời khai đã tỏ ra rất bình thản, không mảy may có một chút ân hận cho những tội tày trời mình vừa gây ra. Trên nhiều trang MXH của các chủ top uy tín có hàng triệu lượt người theo dõi, các thông tin về bạo lực, giết người, các trò câu like nhảm nhí vẫn thản nhiên xuất hiện hàng ngày, hàng giờ. Họ cứ mặc nhiên “chia sẻ” để đảm bảo cho trang cá nhân của mình đảm bảo đủ các thông tin “hot” nhất mà không hề nghĩ đến những hậu quả xấu từ nội dung thông tin không có chọn lọc mình vừa đưa ra.

“Lấy cái đẹp để dẹp cái xấu”, đó là ước mong của rất nhiều người đang khát khao giữ gìn và phát huy những thuần phong mĩ tục của dân tộc ta. Đạo đức xã hội là gốc rễ của mọi sự phát biển bền vững. Chẳng ai mong mình phải sống trong xã hội có nhiều mặt trái, cũng chẳng ai mong phải đánh đổi sự bùng nổ công nghệ thông tin lấy những thứ văn hoá suy đồi. Trong nhiều yếu tố góp phần làm đẹp hay làm xấu cho xã hội, có sự đóng góp không nhỏ của việc “chia sẻ” lên mạng những thông tin. Hãy thật trận trọng khi nhấn nút “like” và cân nhắc lý do tại sao mình muốn thông tin đó đến được với nhiều người trước khi nhấn nút “chia sẻ”, bạn nhé!

Hải Vân