Nguyễn Anh Tuấn và sân chơi toàn cầu

Đã hẹn nhau từ trước Tết, nhưng vì nhiều lý do nên mãi ra giêng, mới có dịp gặp Tuấn Nguyễn. Đã hơn chục niên quen biết, rồi cùng cộng tác làm VietNamNet, chúng tôi có đầy ắp những kỷ niệm. Trong đó, không phải kỷ niệm nào cũng êm đềm mà có những thứ dữ dội như những trận cuồng phong.
289533826-1127655157783332-1492307855925080525-n-1656404707.jpg
Tác giả và Nguyễn Anh Tuấn

Cũng như những lần gặp trước, những câu chuyện cũ nay nói lại vẫn đầy cảm xúc. Ngoài cuộc mưu sinh, cả tôi và Tuấn Nguyễn đều đau đáu một điều: Làm được cái gì đó cho cộng đồng. Không hẳn là chuyện đồng tiền bát gạo, không cần phải màu mè khoe khoang, nhưng là những thứ có ý nghĩa lâu dài, sâu xa, xứng tầm với một kẻ sỹ. Tuấn Nguyễn cho rằng, cuộc cách mạng truyền thông là động lực quan trọng nhất làm cho Việt Nam thay đổi và quyết tâm dấn thân cho cuộc cách mạng đó.

Về mặt công nghệ, đã có những chuyên gia hàng đầu ở bên kia bán cầu lo. Những Michael Dell, Bill Gates, Larry Page, Sergey Brin, Elon Musk… đang làm thay đổi thế giới. Họ là những người xây nên những xa lộ thông tin, kết nối từ đông sang tây, từ thành thị đến nông thôn… Vấn đề còn lại là cái gì được chuyên chở trên những xa lộ ấy. Đó chính là công nghệ nội dung. Những điều này, Tuấn Nguyễn đã nói cách đây hơn chục năm.

Từ một cử nhân kinh tế, lạc bước vào làng báo, tôi không coi báo chí là một nghề, nhưng nghe Tuấn Nguyễn nói, tôi cũng thấy thêm yêu nghề này và cũng dấn thân vì những gì cao cả hơn là đời sống vật chất. Đó là lý do để tôi có 15 năm sống lăn lộn với nghề viết, bỏ qua những cám dỗ về vật chất. Người ta bảo, những tư tưởng lớn đều gặp nhau, không biết tư tưởng mình có lớn hay không nhưng việc mong muốn làm được cái gì đó ngoài những nỗi lo cơm áo là khát vọng có thực.

Về nước lần này, ngoài chuyện tết nhất, còn có chương trình gì khác? Tôi hỏi. Tuấn trả lời, đang thực hiện một project vinh danh Phật Hoàng Trần Nhân Tông. Theo đó, Đại học Havard sẽ có giải thưởng toàn cầu mang tên Trần Nhân Tông giành cho những cống hiến hoà giải và yêu thương. Để làm được việc này, Tuấn Nguyễn cũng mời bà Vaira Vike-Freiberga, cựu Tổng thống Latvia làm cố vấn cho chương trình.

Tuấn Nguyễn cũng đưa bà này cũng về Việt Nam, thăm danh thắng Yên Tử, nghiên cứu những tư tưởng của Trần Nhân Tông và tham gia gặp gỡ một số chức sắc xứ ta. Tuấn Nguyễn cũng tiết lộ, năm nay sẽ chính thức trở lại là Tổng Biên Tập của Open Minds Union. Đây là Diễn đàn cao cấp của các nhà lãnh đạo, các học giả lớn trên thế giới.

Open Minds Union do Thomas Patterson - giáo sư nổi tiếng về Khoa học Chính trị tại Đại học Harvard làm Chủ tịch. Hội đồng Biên tập gồm nhiều nhà lãnh đạo, nhân vật có uy tín trong truyền thông như Alex Jones, Giám đốc Trung tâm báo chí, chính trị và chính sách công của Đại học Harvard; Thomas Fiedler - cựu Tổng Biên tập Miami Herald…

Open Minds Union cũng quy tụ nhiều nhà Bình luận, các chuyên gia phân tích có uy tín trên thế giới... Theo Tuấn Nguyễn, Việt Nam cũng cần có tiếng nói trên đó, và ngỏ ý mời tôi tham gia viết bài. Bài viết sẽ được xuất bản bằng hai thứ tiếng: ngoài tiếng Anh, còn đăng nguyên văn tiếng bản xứ. Tuấn Nguyễn cho rằng, một số bài viết của tôi trước đây hoàn toàn xứng đáng được có mặt ở diễn đàn này.

Đã mấy năm sống ở nước ngoài, nhưng Tuấn Nguyễn vẫn luôn trăn trở việc quảng bá hình ảnh Việt Nam ra thế giới. Theo Tuấn Nguyễn, những gì mà cộng đồng người Việt đang làm để thế giới biết đến mình như hiện nay là chưa xứng tầm, cần phải được đẩy cao hơn, cả về ý tưởng lẫn cách thể hiện.

Tuấn Nguyễn bày tỏ khát vọng đưa những tinh hoa văn hóa của Việt Nam ra thế giới, đặc biệt là ở thành phố Boston, cái nôi của văn hóa, khoa học, lịch sử và chính trị Mỹ. Theo Tuấn Nguyễn, dân tộc ta có nhiều di sản quý giá mà chưa biết quảng bá ra thế giới. Lão nói nhiều về Trần Nhân Tông với những tư tưởng nhân văn của Ngài.

Trần Nhân Tông là một trong số ít các hoàng đế thời phong kiến, sau 14 nǎm làm vua, ở tuổi 35, Trần Nhân Tông nhường ngôi cho con là Anh Tông, về làm Thái thượng hoàng 5 năm. Rồi ông dành thời gian đi tu và trở thành thủy tổ phái thiền Trúc Lâm Yên Tử, một phái Thiền để lại dấu ấn đặc sắc trong lịch sử tư tưởng Việt Nam.

Trần Nhân Tông cũng chính là vị vua lãnh đạo dân chúng tiến hành hai cuộc kháng chiến chống sự xâm lược của quân Nguyên Mông. Ông cũng là người có công mở mang bờ cõi đất nước bằng cách mở rộng giao kết với Chiêm Thành. Về sự nghiệp tu hành, Nhân Tông là một triết gia lớn của Phật học giúp triết học Phật giáo Việt Nam phát triển rực rỡ thể hiện đầy đủ trí tuệ, bản lĩnh Việt Nam.

Sau khi nhường ngôi, ông để tâm vào Phật giáo nghiên cứu những lẽ huyền vi để hệ thống các quan điểm. Từ nǎm 1298, ông khoác áo nhà sư đi thuyết pháp các nơi. Lý thuyết của phái Trúc Lâm do ông khởi xướng không kêu gọi tín đồ lìa bỏ cuộc sống trần tục, không ép xác khổ hạnh, mà đề cao nhân nghĩa, giáo dục lòng nhân đạo, không phân biệt giàu sang, luôn luôn nhớ đến cội nguồn.

Tuấn Nguyễn cũng đặt vấn đề xây dựng chương trình những thương hiệu toàn cầu cho Việt Nam mang tên: Vietnam Report G21, tiếp tục hành trình đưa Doanh nghiệp Việt Nam tiến ra thế giới. Theo đó, giai đoạn đầu sẽ xây dựng những thương hiệu Việt Nam có uy tín trên toàn cầu: VietNam Report G21.

Để thực hiện ý tưởng này, Tuấn Nguyễn đã thuyết phục được và nhận được cam kết ủng hộ của Giáo sư Anita Elsberse, Khoa Marketing, Trường Kinh doanh Harvard, Giáo sư Thomas Fiedler Hiệu trưởng Trường truyền thông, Đại học Boston, ông Roland Schatz, Tổng Giám đốc Media Tenor, Thuỵ sỹ… phía Việt Nam, Tuấn Nguyễn đưa Cty xếp hạng doanh nghiệp VNR 500 vào cuộc.

Theo Tuấn Nguyễn, trong điều kiện lạm phát, đồng Việt Nam mất giá thì đẩy mạnh xuất khẩu, thu ngoại tệ là việc cần đẩy mạnh. Thương hiệu sản phẩm, dịch vụ Việt Nam chưa có chỗ đứng, chưa tỏa sáng trên thế giới. Để hội nhập với thế giới, không chỉ mở cửa cho hàng hoá nước ngoài vào Việt Nam mà điều quan trọng hơn, hàng hoá Việt Nam phải đi ra nước ngoài và có chỗ đứng vững chắc trong đời sống người tiêu dùng toàn cầu.

Để làm được điều đó, không có cách nào khác là phải nâng cao chất lượng theo chuẩn mực quốc tế, cùng với đó là xây dựng những tên tuổi, thương hiệu được đông đảo công chúng biết đến. Một số tên tuổi đã bắt đầu được cộng đồng quốc tế biết đến như: Cafe Trung Nguyên; phần mềm FPT; dịch vụ viễn thông của Vietel; Vietnam Airlines; Gốm sứ Bát Tràng, Minh Long... những thương hiệu này cần được trang bị thêm chiến lược đường dài để vươn ra thế giới. Sự vươn ra biển lớn của các doanh nghiệp tên tuổi, đồng nghĩa với việc tiếp cận các nền văn minh, các tinh hoa của các dân tộc trên toàn cầu.  

Trước khi ra về, Tuấn Nguyễn vẫn tâm đắc, hai yếu tố để Việt Nam hoá rồng, thứ nhất là cuộc cách mạng truyền thông, thứ hai là những chuẩn mực của quốc tế về những giá trị của con người, có như thế mới tạo đủ sức ép để phá vỡ những lề thói cũ đang ngự trị trong đời sống người Việt hôm nay. Đây cũng là điều kiện đủ để người Việt tự tin tham gia vào sân chơi toàn cầu./.

Phan Thế Hải