Khoảng vườn rộng 2000m2 của gia đình chị Nguyễn Thị Châu (57 tuổi, trú thôn 4, xã Quỳnh Sơn, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An) được che chắn cẩn thận bằng những lớp khung, lưới kiên cố, vững chắc. Bên trong là khoảng 3000 con chim trĩ với đủ các loại như con giống, thương phẩm, đẻ trứng được phân thành từng chuồng khác nhau. Đây là một thành quả đáng mong đợi của chị Châu sau 4 năm khởi nghiệp với mô hình nuôi chim trĩ.
Vợ chồng chị Châu là một trong những hộ gia đình điển hình về mô hình nuôi gia cầm với mô hình lớn hàng chục năm. Có sẵn kinh nghiệm chăn nuôi, những năm qua, chị gặt hái được nhiều thành công nhưng cũng không ít lần thất bại, trắng tay vì thiên tai, dịch bệnh. Với ý chí quyết tâm, ham học hỏi, chị Châu luôn trăn trở, muốn tìm một mô hình chăn nuôi phù hợp với khí hậu địa phương, tạo nguồn thu nhập ổn định cho gia đình.
“4 năm trước, thấy hàng xóm nuôi gần 10 con chim trĩ đẻ trứng và lấy thịt. Tôi lâm la tìm hiểu. Nhận thấy chim trĩ là loài vật hoang dã, có giá trị kinh tế cao gấp 2- 3 lần so với các loài gia cầm khác nên sinh ý định đầu tư.
Nghĩ là làm, tôi lên mạng xã hội tìm tòi, tham khảo quá trình sinh trưởng, phát triển và cách chăm sóc chim trĩ rồi mạnh dạn vay hơn 100 triệu đồng xây dựng chuồng trại, mua 600 con giống để khởi nghiệp. Đến nay tôi đã có 2000 chim trĩ thương phẩm. 1000 con giống và đẻ trứng, thu nhập ổn định”, chị Châu chia sẻ.
Chim trĩ là động vật nhát người, bay cao nên chuồng trại phải làm khung cao, thoáng, rào chắn kín xung quanh để tránh chim bay ra ngoài. Với số vốn ban đầu ít ỏi, vợ chồng chị Châu tự lên mạng xã hội học qua cách làm chuồng cho đỡ kinh phí.
Cũng theo chị Châu, chim trĩ khó chăm sóc hơn các loại gia cầm khác, lại ưa nóng nên vào mùa lạnh, chuồng trại phải che chắn kín. Dưới nền lót một lớp trấu dày để giữ ấm, trên đổ thêm lớp cát để chim ăn sỏi và tắm cát. Chuồng trại phải được vệ sinh thường xuyên và đảm bảo nước sạch. Khoảng 15 đến 20 ngày chị Châu lại cho uống thuốc phòng các loại bệnh như cảm cúm, phổi, đường ruột, tụ huyết trùng để tránh hao hụt con giống và đảm bảo sinh trưởng, phát triển tốt.
Thức ăn cho chim trĩ chủ yếu là bèo tây, rau muống, rau khoai lang, lúa, gạo, cám công nghiệp. Để tiết kiệm chi phí, hàng ngày, vợ chồng chị Châu ra sông, hồ vớt bèo tây, trồng thêm các loại rau trong vườn để thức ăn cho chim trĩ.
“Giai đoạn khó khăn nhất trong việc chăn nuôi chim trĩ là úm giống. Nếu không chăm sóc chu đáo con giống sẽ hao hụt cũng như ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng, phát triển. Nhiệt độ trong chuồng lúc nào cũng phải từ 37- 38 độ C. Những con bị ốm, bỏ ăn được chị tách đàn, điều trị, tránh lây lan đến những con giống khác”, chị Châu chia sẻ về kinh nghiệm nuôi chim trĩ.
Giá sỉ con giống ở thời điểm hiện tại là 16.000 đồng/ con. Bình quân cứ 15 ngày đến một tháng, chị Châu lại xuất từ 100 đến 150 con giống.
Chim trĩ lấy thịt được nuôi thả từ 5 đến 7 tháng, có trọng lượng từ 1.5- 2kg. Những con chim trĩ thương phẩm, đẻ trứng đều được chị Châu đeo kính để tránh cắn mổ nhau và mổ trứng. Giá chim trĩ thịt hiện tại là 170.000- 180.000 đồng/kg. Thịt chim trĩ rất ngọt, thơm, dai, đặc biệt có hàm lượng Protein cao, rất tốt cho sức khỏe nên được thực khách ưa chuộng.
Chim trĩ đẻ trứng quanh năm nhưng năng suất nhất là vào mùa hè. Hiện bình quân mỗi ngày chị Châu thu được từ 70-80 quả trứng, giá 7000 đồng/ quả.
Khách hàng chủ yếu là các nhà hàng, quán nhậu ở Hà Nội, Yên Bái, Quảng Bình, Huế, Quảng Ngãi... cùng người dân địa phương mua làm thức ăn trong bữa tiệc, làm quà biếu…Bình quân mỗi năm gia đình chị Châu thu nhập từ 150 đến 170 triệu từ nghề chăn nuôi chim trĩ, kinh tế gia đình từng bước phát triển ổn định.
Bà Hồ Thị Hiền – Phó Chủ tịch Hội LHPN xã Quỳnh Sơn chia sẻ, sau nhiều năm nỗ lực, chị Châu đã mạnh dạn đầu tư và phát triển mô hình nuôi chim trĩ từ 600 con lên đến 3000 con, cho thu nhập ổn định so với những mô hình chăm nuôi trước đây. Chị Châu là một trong những gương phụ nữ làm kinh tế giỏi ở địa phương./.