Người dân vùng cao làm nông nghiệp ứng phó với biến đổi khí hậu

Sau 3 năm triển khai, thực hiện, Dự án “Tăng cường tiếng nói và năng lực của nhóm nông dân người dân tộc dễ bị tổn thương đối với biến đổi khí hậu ở Tây Bắc Việt Nam - VOF” đã gặt hái được những kết quả đáng mừng.

Trọng tâm của Dự án là thử nghiệm xây dựng mô hình “Làng nông nghiệp ứng phó với biến đổi khí hậu” ở tại 6 thôn bản của 6 huyện thuộc 2 tỉnh Sơn La và Lai Châu.

Ông Nguyễn Đức Tố Lưu, Điều phối viên dự án - Trưởng Phòng Quản trị Tài nguyên, PanNature chia sẻ, làng nông nghiệp ứng phó là mô hình nhằm tập hợp và phát huy năng lực tập thể của cộng đồng người nông dân trước những thách thức của thời tiết khí hậu, của yêu cầu thị trường và của các chủ trương chính sách trong nông nghiệp và phát triển nông thôn.

“Sự hợp lực của người nông dân cùng với cách tiếp cận linh hoạt, tổng hợp làm nên sức mạnh của mô hình này. Mô hình làng nông nghiệp lấy người nông dân làm trung tâm đáng được nhân rộng, lan tỏa tới nhiều địa phương và nhiều lĩnh vực hơn nữa”, ông Lưu tâm sự.

nguoi-dan-vung-cao-lam-nong-nghiep1-1663995150.jpg
Các đại biểu tham dự Hội nghị tổng kết Dự án. Ảnh Bích Ngọc

Là 1 trong 2 địa phương tham gia dự án, ông Cầm Văn Minh - Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Sơn La cho hay, dự án đã từng bước tác động làm thay đổi nhận thức của người dân về ý thức bảo vệ môi trường trong sản xuất, chăn nuôi và nắm được các kiến thức về trồng cây ăn quả theo mô hình nông lâm kết hợp; nuôi bò thịt và bò đực giống; ủ thức ăn cho gia súc; ủ phân từ phân thải chăn nuôi và phế phẩm nông nghiệp. Phổ biến được kỹ thuật canh tác lúa cải tiến SRI, hỗ trợ người dân tiếp thị, đưa các sản phẩm nghiệp ra thị trường.

Ngoài ra, dự án từng bước giúp người dân hiểu được yêu cầu, sự cần thiết xây dựng làng nông nghiệp thông minh trong phát triển nông nghiệp, nông thôn theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.

Tại tỉnh Lai Châu, các hoạt động của Dự án VOF đã từng bước tác động làm thay đổi nhận thức của bà con, đặc biệt là các thành viên của nhóm nông dân thích ứng về ý thức bảo vệ môi trường, về thói quen lạm dụng thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật.

“Dự án cũng đã phổ biến được phương pháp ủ phân hữu cơ từ phụ phẩm nông nghiệp, tránh hiện tượng đốt rơm rạ tại đồng ruộng gây ô nhiễm môi trường.

mo-hinh-nong-nghiep-1663995164.jpg
Người dân vùng cao tích cực tham gia mô hình cấy lúa theo phương pháp SRI. Ảnh: PanNature

Phổ biến được kỹ thuật canh tác lúa cải tiến SRI tại xã Bản Lang từ 30ha lên 150ha đồng thời xây dựng thương hiệu OCCOP 3 sao; các tiêu chí sản xuất chè theo tiêu chuẩn châu Âu, hỗ trợ người dân thành thị, đưa các sản phẩm nông nghiệp ra thị trường”, ông Mùa A Trừ - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Lai Châu nói.

Trước đây, khi chưa áp dụng phương pháp SRI vào cấy lúa, trung bình mỗi sào ruộng (1.000 m2) của gia đình ông Vàng Văn Chẻo (bản Hợp 1, xã Bản Lang, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu) phải cần đến 5 kg thóc giống mới đủ, không những thế đến cuối vụ, thu hoạch năng suất không được cao.

Từ khi tham gia dự án, được cán bộ hướng dẫn gieo, cấy theo phương pháp mới (SRI) thì lượng thóc giống giảm xuống, chỉ còn 3 kg/sào; ngoài ra tiết kiệm được nhân công, chí phí khác…, đăc biệt là bảo vệ môi trường sinh thái.

“Với phương pháp này, hàng lúa cấy thưa hơn nhưng bù lại dễ làm cỏ, cây lúa sinh trưởng và phát triển tốt. Bông lúa to, hạt mẩy và năng suất cao hơn so với cấy theo phương pháp truyền thống”, ông Vàng Văn Chẻo bộc bạch.

luu-niem-1663995180.jpg
Ông Soren Thorndal Jogensen (ở giữa) – Chủ tịch Tổ chức Phát triển Nông nghiệp Đan Mạch Châu Á (ADDA) chụp ảnh kỉ niệm với cán bộ, người dân tham gia dự án. Ảnh: Bích Ngọc

Ông Soren Thorndal Jogensen – Chủ tịch Tổ chức Phát triển Nông nghiệp châu Á Đan Mạch (ADDA) nhận định: Dự án đã hoàn thành tốt các mục tiêu đặt ra. Dự án không chỉ giúp thay đổi nhận thức về môi trường mà còn góp phần gia tăng thu nhập cho người dân.

“Hy vọng các nhóm nông dân có thể duy trì những thành tích đã đạt được, các mô hình của dự án sẽ tiếp tục được triển khai, nhân rộng”, ông Soren Thorndal Jogensen mong muốn.

Dự án Tăng cường tiếng nói và năng lực của các nhóm nông dân người dân tộc dễ bị tổn thương đối với biến đổi khí hậu ở Tây Bắc Việt Nam (VOF) được thực hiện trong giai đoạn 2019 - 2022.

Dự án VOF hướng tới hỗ trợ đồng bào người dân tộc tăng cường khả năng phục hồi trước tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH) tại vùng Tây Bắc Việt Nam thông qua việc thúc đẩy nông nghiệp thông minh, ứng phó với BĐKH và sự tham gia của người dân vào quá trình ra quyết định ở địa phương.

Dự án do Hiệp hội Tổ chức Xã hội Dân sự Đan Mạch (CISU) tài trợ, thông qua Tổ chức Phát triển Nông nghiệp Châu Á Đan Mạch (ADDA) và do PanNature điều phối các hoạt động, phối hợp thực hiện cùng với Hội nông dân tỉnh Sơn La và Lai Châu.