Tháng mười một hằng năm khi trời bắt đầu trở lạnh, nắng đổ vàng hanh hao là lúc người làng tôi chuẩn bị vào mùa thu hoạch sắn. Cây sắn gắn liền với người làng tôi trong những năm tháng đói kém, khó khăn. Mùa sắn là kỷ niệm mà những đứa trẻ sinh ra và lớn lên ở làng như tôi chẳng thể nào quên.
Trên những quả đồi, những thửa đất khô cằn, nơi mà lúa, ngô gieo hạt chẳng thể bật mầm, đâm rễ để lớn lên thì có một loài cây vẫn sinh trưởng mạnh mẽ đó là sắn. Những cây sắn chịu thương, chịu khó như người làng tôi chẳng bao giờ chê đất quê nghèo. Họ quanh năm lam, làm trên cánh đồng quê, những mùa lúa, ngô, khoai, sắn cứ nối nhau chỉ mong cầu một cuộc sống đủ đầy, an yên hơn cho con cái. Cây sắn dưới bàn tay chăm sóc của những người nông dân cần mẫn ấy mà lớn lên khỏe mạnh từng ngày. Mùa thu hoạch sắn cả làng rộn rã như có hội. Từ tờ mờ sáng khi mặt trời còn đang ngủ vùi trong màn sương đêm, trên con đường làng đã nhộn nhịp tiếng bước chân người, chân trâu bò ra đồng thu hoạch sắn. Nhà tôi có bốn sào ba thước trồng sắn, ngày thu hoạch vì háo hức nên tôi chẳng cần mẹ gọi cũng tự động dậy sớm mặc sẵn một chiếc áo khoác cho đỡ lạnh để chờ cùng cả nhà ra đồng.
Những củ sắn ngủ vùi trong lòng đất khô cằn bị bật gốc nhô lên, củ nào củ nấy nần nẫn, mập mạp như bắp chân của trẻ con nhìn vô cùng thích mắt. Nhìn những củ sắn ai cũng hân hoan thu hoạch quên hết mọi mệt nhọc. Sắn sau khi được nhổ lên sẽ được chặt để tách riêng phần củ và thân. Thân cây sắn sau khi thu hoạch mẹ tôi sẽ chọn ra những cây nào to, mập, nhiều mắt mầm nhất để đến mùa sau làm giống gieo trồng. Những thân sắn còn lại sẽ phơi khô làm chất đốt, so với việc đốt rơm rạ tôi thích đốt củi sắn hơn nhiều. Củi sắn rất đượm và ít khói, khi bị cháy còn có tiếng lách tách nghe rất vui tai. Sau một ngày cả nhà tôi xuống đồng thì số sắn cũng thu hoạch xong, củ sắn được chấp đầy lên chiếc xe trâu để trở về nhà.
Sắn sau khi về tới sân ba mẹ con tôi lại chia nhau ra cạo lớp áo sắn để bố tôi thái. Việc thái sắn là công đoạn mất thời gian nhất, thái mỏng quá thì dễ bị nát còn thái dày quá thì lại lâu khô. Bố tôi miệt mài thái bên thớt gỗ từng tiếng xèn xẹt cắt xuống nghe ngọt lịm, vậy mà cũng phải hết ngày thứ hai thì số sắn thu hoạch mới được thái xong hết. Những lát sắn phơi trắng khắp trong sân ngoài ngõ, mùa này trên con đường làng tôi ngập trong sắc trắng của sắn. Màu trắng đến nhức mắt nhưng ai cũng vui vẻ bởi đó là màu của một mùa bội thu. Sắn càng phơi được nắng sẽ càng trắng, đẹp lúc bán cũng dễ và giá có nhỉnh hơn. Năm nào mùa sắn đúng đợt mưa những lát sắn dính nước chuyển màu thâm, mốc người làng tôi năm đó buồn đi hẳn bởi những thành quả lao động vất vả đến bước cuối cùng còn trôi tuột mất. Sắn mốc vẫn bán được nhưng giá rất thấp, thấp đến nỗi người ta thà để lại làm thức ăn chăn nuôi chứ không thèm bán.
Với người lớn sự quan tâm nằm hết ở những mẻ sắn phơi ngoài sân còn lũ trẻ con chúng tôi ngược lại chỉ quan tâm đến những củ sắn tươi. Từ những củ sắn tươi đó chế biến được bao nhiêu món ăn mà đứa nào cũng thòm thèm và phải chờ đến mùa thu hoạch sắn mới được ăn. Đầu tiên phải kể đến những củ sắn nướng những chiều đi chăn trâu. Trên những thửa ruộng đã thu hoạch sắn kiểu gì cũng còn sót lại vài củ sắn ngủ vùi trong đất, mấy đứa con nít bọn tôi cố tìm để mót cho bằng được. Niềm vui mót được củ sắn to có khi vui gấp mấy lần thu hoạch sắn. Sau khi mót sắn xong mấy đứa gom lại đốt rơm và nướng. Mùi khói đốt đồng, mùi sắn nướng thơm lừng khắp cả đồng chiều làm bụng đứa nào đứa nấy sôi òng ọc. Đến khi sắn chín dù còn nóng rẫy nhưng đứa nào đứa nấy tranh nhau, bẻ củ sắn nướng cho vào miệng cảm nhận vị ngọt bùi trong khoang miệng. Ăn xong mặt đứa nào cũng đen xì cả lũ lại nhìn nhau ôm bụng cười ngặt nghẽo.
Ngoài sắn nướng thì xôi sắn cũng là món ăn yêu thích của tôi. Mẹ tôi thường nấu xôi sắn cho hai anh em tôi mang đi học. Để làm xôi sắn từ tối hôm trước mẹ tôi đã ngâm gạo nếp trong nước để qua đêm. Sắn củ sau khi được bóc áo, tách lụa bỏ phần lõi xơ cứng thì được cắt thành từng khúc nhỏ ngâm và rửa qua với muối. Sau khi vớt gạo ra mẹ trộn sắn và gạo cho lên một chiếc nồi hông để đồ xôi. Chờ đến khi xôi gần chín mẹ tôi lấy từ gạc ba rê ra một cái hũ mỡ lợn và múc một liễn mỡ cho lên chảo để đun nóng. Khi mỡ trong chảo sôi lên mẹ cho vào đó hành lá thái nhỏ và một thìa nước mắm. Mùi hành thơm lừng đưa từ bếp lên trên nhà làm tôi đang trên giường cũng phải nhanh chóng bò dậy. Mỡ hành sẽ được dùng để dưới lên xôi khi ăn. Nhà nào có điều kiện hơn thì món xôi sắn còn có tóp mỡ thêm vào, còn với nhà tôi chỉ cần như vậy hương vị bùi của sắn, dẻo thơm của gạo và beo béo của mỡ lợn cũng đủ làm tôi quyến luyến cả một đời.
Mùa sắn quê vẫn còn đó, mẹ tôi bảo giờ xe nhà máy đến tận đồng để mua sắn tươi người làng chẳng phải khó nhọc phơi phóng. Ai muốn phơi thì cũng có máy ruôi sắn, ngày thái được cả mẫu vừa đều, vừa đẹp nên đỡ vất nhiều. Nghe mẹ nói bỗng thèm về quê để đi trên con đường làng ngập sắn, để được ăn những món ăn từ sắn ngọt bùi tình đất, tình quê./.