Không có hiếu không phải Phật tử
PV: Trong mùa lễ Vu Lan, người con của Phật nghĩ đến cha mẹ, ông bà tổ tiên mà sắm hương hoa, oản quả tỏ lòng thương nhớ, có người đến chùa tụng kinh, có người lễ tại gia, cầu cho các vị được siêu thoát, Ni Trưởng nhìn nhận việc này?
Sự tích Vu Lan báo hiếu khởi đầu bằng hình ảnh ngài Mục Kiền Liên cứu mẹ trở thành hình ảnh mang tính giáo dục nhân văn. Ngày Vu Lan là ngày của Phật tử đền ơn đáp nghĩa bằng cách đến chùa cầu thỉnh chư tăng, chú nguyện cho vong nhân của mình thoát khỏi cảnh đọa đày tăm tối của địa ngục, đồng thời cầu nguyện cho tất cả người khác cũng thoát khỏi tội khổ đau cùng cực do nghiệp của mình từ kiếp trước.
Việc nhớ ơn bố mẹ, ông bà, những người đã sinh ra mình, tiếp sức cho mình phải thể hiện cả cuộc đời và qua việc làm, chứ nếu chỉ ngày này mới nghĩ đến là giả dối. Không có tâm đến chùa Phật không chứng, có tâm không đến chùa Phật cũng độ cho.
PV: Hiếu lễ biểu hiện ở cái tâm mình, thưa Ni trưởng…?
Cá nhân tôi thấy thương cho những người đi nghe giảng pháp đua đòi, hay những kẻ chửi rủa, cầu điều ác cho người khác khi đến cửa chùa khấn bái. Điều đó vừa mất sức khỏe, mất thì giờ, mất tiền, lại không lợi lộc gì. Chỉ có con người phạt nhau, Phật không hại ai bao giờ. Ấy không phải là lễ...
Cũng không phải có nghĩa là cứ đốt thật nhiều vàng mã, khấn bái xì xụp là trọn. “Thiên kinh vạn quyển, hiếu nghĩa vi tiên” (Ngàn quyển kinh, vạn quyển sách đều lấy hiếu làm đầu), nếu như suốt ngày lễ Phật mà không có hiếu với cha mẹ cũng không phải đệ tử của Phật.
Mình thấy chúng sinh khổ mình khổ hơn chúng sinh, mình thấy chúng sinh đói mình đói hơn chúng sinh đó mới là báo ơn Phật. Tốn hàng triệu đồng tiền vàng mã, đi cúng bắc loa cho người đời nghe chẳng những người chết không được hưởng mà người sống cũng không có lộc. Mỗi nén hương thờ Phật, thờ Tổ, chỉ là một hình thức nhắc nhở do tâm của mình mà ra. Thành tâm phải ninh minh, phải hiểu biết, sáng suốt thì mọi điều mới tốt đẹp hơn.
"Lễ mà không lễ"...
PV: Thưa Ni Trưởng theo tinh thần của nhà Phật, việc báo ân, báo hiếu không chỉ thực hiện mỗi năm một lần vào lễ Vu Lan mà phải thực hiện trong suốt cuộc đời?
Khi chúng ta báo hiếu phải có quan niệm đúng đắn sáng suốt mới đủ. Làm việc thiện, làm phúc giúp người nghèo, người khó khăn cũng là một cách nhớ đến ông bà, tổ tiên.
Nhiều người mải mê với công việc, đến ngày này vội vã đến khấn lễ theo phong trào, đó là tín tâm nhưng chưa hiểu biết. Phật dạy phải biết “nhẫn”, Phật chỉ chứng cho những người có tâm thật sự, biểu hiện bằng những việc thiện hàng ngày. Chí tiết, chí thành theo lời Phật dạy không cần lễ lộc cũng có phúc. “Không lễ mà lễ, lễ mà không lễ”, “không làm mà làm, làm mà không làm” là vậy.
PV: Báo hiếu xuất phát từ tấm lòng chân thành, bằng những việc làm cụ thể hàng ngày với bậc sinh thành…, thưa Ni Trưởng?
Chúng ta đừng cứ đi lễ ào ào chưa chắc đã tưởng nhớ đến cha mẹ. Không phải khi cha mẹ ông bà mất rồi mới phô trương ma chay theo kiểu “sống thì chẳng cho ăn, chết mới làm ma tế ruồi” mà săn sóc quan tâm đến cha mẹ khi cần, vâng lời cha mẹ nhưng không chiều theo ý sai trái của cha mẹ.
Luôn luôn làm việc thiện, có ý nghĩa cho đời để tưởng nhớ đến người quá cố như lời Phật “phục vụ chúng sinh cúng dường chư Phật”, “Tùy thuận chúng sinh nhi vi lợi ích”.
Lễ Vu Lan báo hiếu nói lên lòng chí hiếu, chí thành của người con có sức mạnh cảm thông và kích thích đến tâm hồn người đau khổ làm họ thức tỉnh cơn mê, xoay chuyển tâm niệm ác, hướng về nẻo thiện. Nhờ sự chuyển hướng của cái tâm này, mà họ thoát khỏi hình phạt đau khổ mà trước kia chính cũng do cái tâm ấy tạo ra. Trong kinh có nói: "Tâm có thể tạo nghiệp, mà tâm cũng có thể chuyển nghiệp". Phật không chứng người hiềm khích.
Xin trân trọng cảm tạ Ni trưởng về cuộc mạn đàm này!