Lễ cúng hoa Ban, một nghi lễ nông nghiệp độc đáo của người Xinh Mun ở tỉnh Sơn La

Lễ cúng Sà Típ (Lễ cúng hoa Ban) nhằm tạo không khí phấn khởi cho người dân trước khi bước vào vụ gieo trồng mới. Đồng thời, tăng tình đoàn kết cộng đồng thể hiện nét độc đáo trong văn hóa tâm linh của đồng bào dân tộc Xinh Mun, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa các dân tộc ở Sơn La.
le-cung-hoa-ban-01-1710660207.jpg
Mùa Xuân về, đồng bào Xinh Mun ở Phiêng Pằn lại tưng bừng tổ chức Lễ Sà Típ (Lễ cúng hoa Ban). (Ảnh TTXVN)

Lễ cúng hoa Ban nghi lễ nông nghiệp độc đáo

Ở tỉnh Sơn La, đồng bào dân tộc Xinh Mun thường cư trú ở vùng núi, rẻo cao, kinh tế chủ yếu dựa vào việc canh tác nương rẫy, chăn nuôi gia súc, gia cầm. Cũng như nhiều dân tộc khác, đồng bào Xinh Mun quan niệm “vạn vật hữu linh,” họ tin rằng các cánh rừng, con suối, nương rẫy đều có thần linh cai quản. Do vậy, họ có nhiều nghi lễ nông nghiệp; trong đó, nổi bật là Lễ Sà Típ (Lễ cúng hoa Ban).

Xã biên giới Phiêng Pằn, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La, có 12/17 bản có người Xinh Mun sinh sống, chiếm 73,22% dân số địa phương (dân tộc Xinh Mun có 2 ngành là Xinh Mun dạ và Xinh Mun nghẹt). Nhiều phong tục, tập quán của người Xinh Mun nơi đây vẫn được gìn giữ, bảo tồn, phát huy giá trị.

Mỗi độ Xuân về, khi hoa Ban đua nở khắp các vạt rừng cũng là thời điểm người Xinh Mun chuẩn bị gieo trồng trên nương, đồi. Vì thế, thời điểm này, đồng bào Xinh Mun ở Phiêng Pằn lại tưng bừng tổ chức Lễ Sà Típ, cầu mong mọi người trong gia đình, dòng họ luôn mạnh khỏe, bình an; mùa màng bội thu, cây trái tốt tươi.

le-cung-hoa-ban-02-1710660239.jpg
Lễ Sà Típ được người dân tổ chức mỗi năm một lần vào thời điểm chuẩn bị gieo trồng trên nương.(Ảnh TTXVN)

Dịp này, bản Phiêng Khàng có 10 hộ lần lượt tổ chức Lễ Sà Típ từ cuối tháng Hai đến đầu tháng Tư (thời điểm hết mùa hoa Ban). Chọn ngày lành, tháng tốt, gia chủ sẽ mời những người họ hàng, thân quen đến giúp và cùng chung vui.

Để chuẩn bị lễ cúng chu đáo, tươm tất, người đàn ông trong gia đình sẽ chặt một cây tre dài khoảng 3-4m làm cây nêu đặt ở giữa nơi tổ chức nghi lễ (có thể là sân, trong nhà, hoặc gian bếp). Đàn ông sẽ trang trí cây mía, lá rừng, hoa Ban trắng và những bông lúa nếp vàng; xung quanh đặt một vò rượu cần và các nhạc cụ dân tộc như “Bàn sang” (nhạc cụ được chế tạo từ chum, vò nhỏ và chậu thau đồng), ống tre (để gõ, chọc xuống sàn nhà tạo điệu nhạc, âm thanh vui nhộn), trống, chiêng... Phụ nữ chuẩn bị mâm lễ vật để cúng.

Mâm lễ cúng gồm hai con gà luộc, hai “ếp” xôi gạo mới, bánh chưng, bí đỏ đã luộc chín, trầu cau, măng đắng, rượu trắng, vòng bạc, vải thổ cẩm, nến sáp ong. Trong khi cúng, thầy mo sẽ mời các vị thần linh, thổ địa, linh hồn tổ tiên về dự và nhận các lễ vật cúng của gia chủ. Sau đó, chủ lễ đến cạnh cây nêu, vít cần rượu mời tổ tiên uống trước bằng những lời mời trân trọng, trang nghiêm, tỏ lòng thành kính. Tiếp đến, thầy mo mời người có uy tín trong dòng họ, trong bản và khách mời cùng các con cháu trong gia đình tham gia các điệu nhảy, múa, vãi gạo lên cây nêu, bôi bí (làm phép cầu may) và uống rượu cần…

Lễ cúng hoa Ban góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc

Ông Vì Văn Lếch, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Phiêng Pằn cho biết, xã có đông người dân tộc Xinh Mun sinh sống. Nhiều phong tục, tập quán được bảo tồn, giữ gìn, phát huy; trong đó Lễ Sà Típ được người dân tổ chức mỗi năm một lần vào thời điểm chuẩn bị gieo trồng trên nương.

le-cung-hoa-ban-03-1710660194.jpg
Lễ cúng Sà Típ được tổ chức lần lượt tại các gia đình, với sự tham gia của thầy mo, thầy cúng.(Ảnh TTXVN)

Theo anh Vì Văn Hiên, Phó Trưởng bản Phiêng Khàng, Lễ cúng Sà Típ được tổ chức lần lượt tại các gia đình, với sự tham gia của thầy mo, thầy cúng. Trước đây, Lễ cúng kéo dài 5 ngày, với nhiều thủ tục, giết mổ nhiều gia súc, gia cầm. Sau nghi lễ, nhân dân trong bản được mời dự tập trung liên hoan trong 5 ngày 5 đêm. Hiện nay, tùy vào điều kiện kinh tế, thời gian của mỗi gia đình, Lễ cúng được tổ chức rút gọn trong 2 đến 3 ngày.

Phần hội bắt đầu khi người ngồi cạnh cây nêu dùng que tre gõ nhịp nhàng lên “Bàn sang,” tạo âm hưởng mang đậm bản sắc dân tộc, hòa vào tiếng trống, tiếng chiêng lúc bổng, lúc trầm, lúc nhẹ nhàng, khi sôi động, thúc giục mọi người vào vòng xòe quanh cây nêu. Mọi người cùng nắm tay nhảy điệu xòe, khi thì xòe khăn, khi dùng khăn nối vào nhau tạo thành điệu xòe kéo co. Sau khoảng 1 giờ, tiếng trống, tiếng nhạc trầm dần, mọi người lại mời nhau uống rượu cần, ăn các lễ vật, rồi lại đánh trống, chiêng, múa xòe. Cuộc vui thường kéo dài đến sáng hôm sau mới kết thúc, mọi người hoan hỉ ra về, rồi lại tiếp tục đến dự lễ hội được tổ chức ở nhà người khác trong dòng họ, trong bản.

le-cung-hoa-ban-04-1710660303.jpg
Lễ Sà Típ (Lễ cúng hoa Ban) làm tăng tình đoàn kết cộng đồng, khích lệ sản xuất và bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống. (Ảnh TTXVN)

Ông Vì Văn Liên, bản Phiêng Khàng, chia sẻ Lễ cúng Sà Típ nhằm tạo không khí phấn khởi cho người dân trước khi bước vào vụ gieo trồng mới. So với những năm trước, năm nay, gia đình ông tổ chức nghi lễ rút gọn còn trong 2 ngày, theo hướng văn minh, tiết kiệm, nhưng vẫn giữ được sự trang nghiêm và những nét đẹp của phong tục văn hóa truyền thống.

Lễ Sà Típ (Lễ cúng shoa Ban) làm tăng tình đoàn kết cộng đồng, khích lệ, động viên nhân dân tích cực lao động, sản xuất, xây dựng cuộc sống gia đình ấm no, hạnh phúc; đồng thời, thể hiện nét độc đáo trong văn hóa tâm linh của đồng bào dân tộc Xinh Mun, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa các dân tộc ở Sơn La./.

Bình Châu