Nghệ An: Triển khai nhiều giải pháp bảo vệ và phát triển rừng

Trồng rừng và bảo vệ rừng là một trong những việc làm hết sức thiết thực để phát triển bền vững. Thời gian tới, tỉnh Nghệ An sẽ triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm quản lý, bảo vệ phát triển và sử dụng bền vững rừng và diện tích đất được quy hoạch cho lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Theo ghi nhận, Nghệ An là tỉnh có diện tích đất rừng lớn nhất cả nước, có xu hướng ngày càng tăng diện tích. Hiện nay, diện tích đất có rừng của tỉnh là hơn 1 triệu ha; trong đó gần 174.000 ha rừng trồng đã thành rừng, gần 46.000 ha rừng trồng chưa thành rừng và gần 789.000 ha rừng tự nhiên. Theo đánh giá, chất lượng, sản lượng rừng trồng ở Nghệ An đang từng bước được nâng lên, độ che phủ rừng luôn nằm ở tốp đầu của cả nước, bước đầu hình thành nền lâm nghiệp phát triển theo hướng công nghệ cao gắn với bảo vệ môi trường và tăng trưởng xanh.

Hiện, toàn tỉnh Nghệ An đã có 10.289 ha rừng được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững (FSC), trong đó diện tích rừng trồng là 9.450 ha; có hơn 219.749 ha rừng trồng có tiềm năng để thực hiện cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững. Bên cạnh đó, dự kiến trong năm nay, sẽ có 13.000 ha rừng trồng được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững.

rung-1676794152.jpg
Tỉnh Nghệ An triển khai dự án quản lý rừng bền vững và đa dạng sinh học. Ảnh minh hoạ (Ảnh: Thiên Nhiên)

Để quản lý, khai thác rừng bền vững hướng tới mục tiêu bảo tồn đa dạng sinh học, tỉnh Nghệ An đặc biệt nhấn mạnh tới nhiệm vụ bảo vệ tốt diện tích rừng tự nhiên hiện có; bảo tồn tính đa dạng sinh học của rừng. Đảm bảo 100% diện tích rừng của các chủ rừng là tổ chức nhà nước được quản lý bền vững; nâng cao hiệu quả bảo tồn đa dạng sinh học và khả năng phòng hộ của rừng; giảm thiểu tối đa các vụ vi phạm pháp luật về lâm nghiệp, đảm bảo an ninh môi trường.

Diện tích rừng được cấp chứng chỉ rừng quản lý bền vững đến năm 2025 đạt khoảng 50.000 ha, đến năm 2030 đạt khoảng 80.000 ha. Diện tích rừng trồng gỗ lớn, rừng trồng thâm canh (trồng mới, trồng lại và chuyển hóa) chiếm khoảng 30% tổng diện tích rừng trồng. Phát triển lâm sản ngoài gỗ, cây dược liệu dưới tán rừng khoảng 800 ha; Duy trì độ che phủ rừng đạt từ 58%.

Được biết, bên cạnh việc triển khai đồng bộ các giải pháp như hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách lâm nghiệp; Xây dựng, triển khai hiệu quả, chất lượng Quy hoạch lâm nghiệp, chương trình, đề án, dự án, kế hoạch phát triển ngành lâm nghiệp của tỉnh; Bố trí, huy động các nguồn lực đầu tư phát triển ngành lâm nghiệp: Bảo tồn đa dạng sinh học tại Khu dự trữ sinh quyền, Vườn quốc gia, khu vực đặc trưng cho hệ sinh thái tiêu biểu trên địa bàn... tỉnh Nghệ An còn đẩy mạnh triển khai các dự án.

Trong năm nay, địa phương sẽ triển khai dự án hỗ trợ kỹ thuật “Quản lý rừng bền vững và bảo tồn đa dạng sinh học (VFBC) tỉnh Nghệ An. Theo kế hoạch, dự án có 5 tiểu hợp phần chính bao gồm: cải thiện quản lý rừng của cộng đồng dân cư/quản lý rừng có sự tham gia của người dân; thúc đẩy phát triển sinh kế bền vững cho các cộng đồng sống phụ thuộc vào rừng; tăng cường thực thi pháp luật đối với các vi phạm trong lĩnh vực lâm nghiệp; cải tiến giải pháp kỹ thuật quản lý rừng sản xuất; huy động các nguồn lực cho quản lý và bảo vệ rừng.

Trồng rừng cần đi đôi với bảo vệ rừng tự nhiên, tỷ lệ che phủ rừng tăng là một trong các chỉ tiêu đánh giá phát triển bền vững ở các quốc gia trong bộ chỉ tiêu về tài nguyên và môi trường và chỉ tiêu phát triển bền vững. Tuy nhiên, đi kèm với tỷ lệ che phủ rừng cần đảm bảo tiêu chí về chất lượng rừng vì trong diện tích che phủ rừng phần lớn là diện tích rừng trồng kinh tế, gồm cây công nghiệp và nguyện liệu giấy, rừng trồng không có thực bì, sau chu kỳ 5 – 10 năm khai thác, rừng vừa được phủ xanh sẽ lại bị mất đi. Cây trồng phủ xanh cần có giá trị kinh tế, không ảnh hưởng tới khả năng sinh trưởng của các cây tầng thấp để có thể nhân rộng các mô hình sản xuất dưới tán rừng như trồng mây, sa nhân, thảo quả, nuôi ong… giúp người dân có thêm thu nhập, yên tâm giữ rừng.

Ánh Dương (t/h)