Theo đó, các cá thể động vật hoang dã được tái thả lần này gồm có 8 cá thể Khỉ vàng (Macaca mulatta) và 3 cá thể khỉ mặt đỏ (Macaca arctoides). Đây là 2 loài khỉ thuộc động vật rừng nguy cấp, quý hiếm thuộc nhóm IIB tại Nghị định số 06/2019/NĐ-CP ngày 22/01/2019 và Nghị định số 84/2021/NĐ-CP ngày 22/9/2021.
Các cá thể động vật hoang dã này được chuyển giao từ các đơn vị chức năng, cá nhân tự nguyện giao nộp về Vườn Quốc Gia Cúc Phương. Sau đó đã được cán bộ của Trung tâm Cứu hộ, Bảo tồn và Phát triển sinh vật – Vườn Quốc gia Cúc Phương cứu hộ chăm sóc. Cán bộ Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Huống cho biết: thời điểm tiếp nhận các cá thể khỉ này có tình trạng sức khỏe bình thường, đủ điều kiện để tái thả về môi trường tự nhiên theo quy định về quản lý động vật hoang dã.
Địa điểm tái thả được BQL Khu BTTN Pù Huống chọn là khu vực đã có sự ghi nhận 2 loài này sinh sống nên có tiềm năng để ghép đàn, sinh sản với các cá thể vừa được tái thả, khu vực tái thả có điều kiện tự nhiên phù hợp với tập tính của loài, đảm bảo tồn tại lâu dài sau tái thả, có nguồn nước, nguồn thức ăn dồi dào, xa dân cư và các vùng canh tác nông nghiệp. Đây là nỗ lực của BQL Khu BTTN Pù Huống sự phối hợp với các cấp chính quyền và các cộng đồng dân cư vùng đệm trong công tác quản lý bảo vệ rừng và bảo tồn đa dạng sinh học.
Sau khi tái thả, BQL Khu BTTN Pù Huống sẽ tiếp tục theo dõi, bảo vệ đảm bảo cho các cá thể Khỉ được trở về môi trường tự nhiên được đảm bảo an toàn và sinh sống ổn định.
Hoạt động tái thả động vật hoang dã về với môi trường tự nhiên là một hoạt động ý nghĩa, vừa bảo tồn đa dang sinh học, vừa bảo tồn các nguồn gen quý hiếm và cũng là hoạt động nhằm giúp nâng cao nhận thức, trách nhiệm về bảo tồn đa dạng sinh học rộng rãi trong cộng đồng nhân dân vùng đệm Khu BTTN Pù Huống.
Ông Võ Minh Sơn, Giám đốc Khu Bảo tồn Thiên nhiên Pù Huống chia sẻ: “Qua hoạt động tái thả lần này, BQL Khu BTTN Pù Huống mong muốn thời gian tới, các tổ chức trong và ngoài nước, các trung tâm cứu hộ động vật triển khai nhiều hơn nữa các hoạt động tái thả động vật rừng cũng như các hoạt động bảo tồn đa dạng sinh học tại khu bảo tồn để “ Pù Huống là ngôi nhà an toàn cho các loài động vật rừng sinh sống và phát triển’’./.