Nghệ An khởi động chuỗi chương trình "Nói không với sử dụng động vật hoang dã có nguồn gốc tự nhiên"

Vừa qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Nghệ An đã phối hợp cùng các đơn vị, địa phương tổ chức sự kiện khởi động chuỗi chương trình “Nói không với sử dụng động vật hoang dã có nguồn gốc tự nhiên".

Nghệ An có diện tích rừng lớn, với hơn 3.000 loài thực vật bậc cao; 942 loài động vật có xương sống, trong đó có 169 loài thú; 376 loài chim; 192 loài lưỡng cư, bò sát... tỉnh Nghệ An có hệ sinh thái rừng đa dạng, nhiều loài động thực vật quý hiếm. Tuy nhiên, nơi đây cũng là địa bàn phức tạp về buôn bán, tiêu thụ trái phép động vật hoang dã, gây ra tác động xấu đến an toàn các hệ sinh thái rừng và đa dạng sinh học. Nhất là việc nuôi nhốt, kinh doanh, buôn bán, giết mổ động vật hoang dã trái phép như hổ, gấu, các loài chim, bò sát… được phát hiện tại nhiều địa điểm ở Diễn Châu, Quỳnh Lưu, Yên Thành. Vì vậy, việc tổ chức chuỗi chương trình là chủ trương mang tính chiến lược, cấp thiết trong việc triển khai thực hiện Chỉ thị 29/CT-TTg ngày 23/7/2020 của Thủ tướng Chính phủ về một số giải pháp cấp bách quản lý động vật hoang dã.

img-4635-1654270267.jpg
Nghệ An lên án mạnh mẽ việc săn bắt, sử dụng động vật hoang dã trong tự nhiên

Tại hội thảo, Đại diện Chi cục Kiểm lâm Nghệ An cho biết: Nghệ An là tỉnh có diện tích rừng tự nhiên lớn nhất cả nước. Rừng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng và bảo vệ môi trường sinh thái. Hệ thống văn bản, quy phạm pháp luật về lĩnh vực bảo vệ đa dạng sinh học, bảo tồn thiên nhiên được Nhà nước ban hành đầy đủ, tuy nhiên việc thực hiện công tác phối hợp giữa các cơ quan đơn vị, địa phương có lúc, có nơi còn hạn chế. Mục đích của chương trình hội thảo lần này là tiếp nhận các ý kiến đóng góp, tư tưởng đột phá thiết thực trong công tác phối hợp liên ngành để làm tốt hơn công tác bảo tồn động vật hoang dã.

Đại diện Vườn Quốc gia Pù Mát thông tin, Trung tâm Bảo tồn Động vật hoang dã tại Việt Nam hợp tác với vườn từ năm 2018, qua đó cứu hộ gần 500 cá thể động vật tịch thu từ buôn bán trái phép, thành lập và vận hành Nhóm Bảo vệ rừng với 16 thành viên nhằm thúc đẩy và tăng cường công tác tuần tra, bảo vệ rừng. Trung tâm cũng áp dụng các chương trình nâng cao nhận thức và giảm cầu tiếp cận tới 100.000 người dân vùng đệm, cùng các hoạt động nghiên cứu xã hội và hoạt động nghiên cứu thực địa cũng đã được triển khai liên tục. Việc phối hợp chặt chẽ của các đơn vị này đã giúp cải thiện rõ rệt công tác tuần tra Bảo vệ rừng và việc thực thi pháp luật ở Vườn Quốc gia Pù Mát. Các hoạt động săn bắt trái phép giảm 80%, thống kê từ bẫy ảnh cũng ghi nhận sự phục hồi tích cực của các quần thể động vật hoang dã, bao gồm nhiều loài quý hiếm.

Tại sự kiện, các đại biểu đã quán triệt tinh thần và nhất trí với 9 nội dung, kế hoạch thực hiện và hưởng ứng chuỗi hoạt động từ chối các sản phẩm từ động vật hoang dã trái phép.

Cũng trong tháng 5/2022 vừa qua, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Nghệ An đã phối hợp với Trung tâm Bảo tồn Động vật hoang dã tại Việt Nam (Save Vietnam’s Wildlife - SVW) đã tổ chức Hội thảo “Tăng cường hợp tác liên ngành trong việc chống săn bắn, buôn bán, tiêu thụ, sử dụng động vật hoang dã trên địa bàn tỉnh Nghệ An”. Đây là chương trình quan trọng, có ý nghĩa thiết thực nhằm tìm ra giải pháp hiệu quả, qua đó đẩy mạnh quá trình phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, ban ngành trên địa bàn nhằm thực hiện tốt hơn công tác bảo tồn động vật hoang dã, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi săn bắn, buôn bán, tiêu thụ, sử dụng động vật hoang dã có nguồn gốc tự nhiên.

Quốc Cường