Nghệ An: Khuyến khích doanh nghiệp phát triển dược liệu sạch

Sau một thời gian trăn trở, làm sao triển khai thực hiện có hiệu quả chủ trương của Chính Phủ; vừa qua Nghệ An đã ban hành quy hoạch phát triển Dược Liệu đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
bna-image-5117465-25102019-1637586219.jpg
Lãnh đạo Sở KH&CN trao đổi với Chủ tịch UBND tỉnh Thái Thanh Quý về phát triển cây dược liệu trên khu vực miền Tây Nghệ An. Ảnh: Đào Tuấn

Điểm nổi bật là phát triển Dược liệu theo hướng sản xuất hàng hóa với quy mô diện tích lớn, tập trung, chuyên canh, chú trọng áp dụng khoa học - công nghệ trong nuôi trồng Dược liệu nhằm hấp dẫn nhà đầu tư và nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm Dược liệu, đặc biệt là sản phẩm Dược liệu sạch. Quy hoạch phát triển Dược liệu của tỉnh Nghệ An đặt ra bảo tồn tại chỗ 38 loài cây thuốc diện bảo tồn và các nguồn gen cây thuốc đặc hiệu, quý hiếm; địa điểm bảo tồn tại vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên và khu dự trữ sinh quyển miền Tây Nghệ An.

Là địa phương có nhiều loài Dược liệu mọc trong tự nhiên, tỉnh quy hoạch 13 vùng khai thác dược liệu tại 13 huyện, thị xã nhằm khai thác bền vững 17 loài, nhóm loài cây Dược liệu mọc trong tự nhiên, có trữ lượng tương đối lớn để tạo nguồn nguyên liệu sạch làm thuốc. Việc khai thác Dược liệu tự nhiên đòi hỏi phải bảo đảm tái sinh tự nhiên và không gây tác động lớn đối với hệ sinh thái.

Ở hai huyện (Kỳ Sơn, Quế Phong) thuộc vùng núi cao, có tiềm năng khai thác 8 loài, nhóm loài Dược liệu: Khúc khắc, Na rừng, Kê huyết đằng, Ngũ gia bì chân chim, Thiên niên kiện, Thảo đậu khấu nam, Cẩu tích, Ba chạc. Vùng trung du và đồng bằng ven biển gồm 6 huyện, thị xã: Quỳnh Lưu, Hoàng Mai, Yên Thành, Diễn Châu, Nghi Lộc, Cửa Lò có tiềm năng khai thác 6 loài Dược liệu: Cỏ gấu biển, Mạn kinh tử, Sài hồ nam, Tơ xanh, Khúc khắc, Hà thủ ô trắng

Bên cạnh đó, tỉnh đầu tư trồng mới 14 loài, nhóm loài cây thuốc tại 11 huyện, thị xã trên diện tích 905 ha, theo địa hình, khí hậu của 3 vùng: vùng núi cao, vùng núi trung bình, vùng thấp và đồng bằng. Theo dự tính, sản lượng Dược liệu quy hoạch của tỉnh Nghệ An đến năm 2025 đạt trên 4.500 tấn sản phẩm; đến năm 2030 đạt trên 4.800 tấn sản phẩm.

Các giải pháp để thực hiện quy hoạch trên

Sở Khoa Học và Công Nghệ tỉnh Nghệ An chú trọng đẩy mạnh khoa học và công nghệ cho Dược liệu là 1 trong các nhiệm vụ trọng tâm trong hoạt động khoa học, công nghệ của địa phương. Nhiệm vụ quan trọng nhất là tập trung nghiên cứu sản xuất giống sạch bệnh, để tăng năng suất, chất lượng cho Dược liệu và có đủ cây giống trồng trên quy mô lớn.

Mặc dù quy hoạch mới ban hành, nhưng thời gian qua, hoạt động nghiên cứu đã đi trước 1 bước trong việc bảo tồn, sản xuất giống các loại Dược liệu quý hiếm như: Đẳng sâm, Cà gai leo, Hà thủ ô. Để việc sản xuất cây giống ứng dụng các công nghệ mới, tỉnh đang xây dựng khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao diện tích 20 ha để làm giống các cây có múi và cây Dược liệu.

- Việc tập trung nguồn lực khoa học, công nghệ cho một số cây Dược liệu quý hiếm đã tạo môi trường thuận lợi và sự yên tâm cho doanh nghiệp đầu tư trồng, chế biến Dược liệu. Hiện nay, Nghệ An có tập đoàn TH đầu tư trồng Đương quy, Hà thủ ô đỏ, Tam thất, Gấc; tập đoàn Tân Hiệp Phát đặt hàng trồng một số cây Dược liệu mà hiện nay doanh nghiệp này vẫn phải nhập khẩu. Một số doanh nghiệp khác đã đầu tư chế biến sản phẩm từ Dược liệu Cà gai leo, Dây thìa canh.

- Xác định phát triển Dược liệu luôn phải gắn liền với doanh nghiệp, Sở Khoa học và Công nghệ tinh thu hút các doanh nghiệp bằng việc: Hợp tác với các nhà khoa học Đức nghiên cứu hoạt chất trong Tảo xoắn được nuôi trồng tại Quỳnh Lưu, phân tích hoạt chất của các cây Dược liệu đặc hữu của địa phương như: Hà thủ ô đỏ, Tam thất hoang, Bảy lá một hoa; nghiên cứu các bài thuốc dân gian dưới góc độ khoa học…Từ đó, doanh nghiệp sẽ yên tâm đầu tư thương mại các kết quả nghiên cứu, tạo ra các sản phẩm hàng hóa có tính cạnh tranh và đặc thù của địa phương./.