Theo thống kê, đến tháng 7/2024, toàn tỉnh đã cấp 49 giấy phép khai thác khoáng sản. Đến nay, tổng số tàu đã cấp phép đang còn hạn là 2.151/2.403 tàu, đạt 89,51%; đã cấp trong tháng 7/2024 là 21 tàu cá. Tổng số tàu cá đã cấp giấy chứng nhận ATTP là 952/1.074 tàu, đạt 88,64%. Số tàu cá đã lắp đặt thiết bị VMS là 1.053/1.074 chiếc, đạt tỷ lệ 98%.
Tỉnh đã rà soát, lập danh sách những tàu cá chưa đăng ký, hết hạn đăng kiểm, giấy phép, an toàn thực phẩm, chưa lắp đặt thiết bị VMS. Danh sách được gửi cho các Đồn, Trạm Kiểm soát Biên phòng tuyến biển để kiểm tra, kiểm soát; kiên quyết không cho tàu cá chưa đủ các điều kiện đi khai thác.
Tổ chức trực ban 24/24 giờ tại Trạm bờ - Chi cục Thủy sản và Kiểm ngư nhằm theo dõi, thông tin cho chủ tàu cá về việc tàu mất kết nối VMS, vượt ranh giới trên biển, yêu cầu thực hiện đúng quy định pháp luật; tổng hợp, lập danh sách và trao đổi thông tin giữa các lực lượng chức năng để phối hợp, xử lý. Trong tháng, có 159 tàu cá mất kết nối quá 6 giờ trên biển; 22 tàu cá mất kết nối quá 10 ngày trên biển.
Các lực lượng chức năng đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 28 đối tượng/27 phương tiện với tổng số tiền phạt 431,45 triệu đồng, tước quyền sử dụng Chứng chỉ thuyền trưởng 04 tháng đối với 01 thuyền trưởng. Lũy kế 7 tháng đầu năm, các lực lượng chức năng đã xử phạt vi phạm hành chính 103 đối tượng với tổng số tiền phạt 1.356,65 triệu đồng, tước quyền sử dụng Chứng chỉ thuyền trưởng đối với 13 thuyền trưởng theo quy định.
Bên cạnh đó, các đơn vị đã hướng dẫn ngư dân thực hiện việc ghi chép, nộp nhật ký, báo cáo khai thác thủy sản; duy trì hoạt động thiết bị giám sát hành trình đối với tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên; cách sử dụng phần mềm truy xuất nguồn gốc điện tử eCDT và tổ chức ký cam kết không khai thác hải sản bất hợp pháp đối với 334 chủ phương tiện...
Tuy nhiên, tình trạng tàu cá vi phạm khai thác IUU trên vùng biển Nghệ An vẫn còn diễn ra như các hành vi không mang theo giấy tờ tùy thân, không có tên trong sổ danh bạ thuyền viên, không có nhật ký khai thác thủy sản... Cơ sở hạ tầng nghề cá chưa đáp ứng được nhu cầu cho tàu cá cập cảng, các cửa lạch bị bồi lắng, tàu thuyền ra vào khó khăn, không đảm bảo an toàn.
Trong thời gian tới, các cơ quan, địa phương triển khai thực hiện có hiệu quả các Kế hoạch về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định và phát triển bền vững ngành thủy sản. Tuyên truyền, phổ biến rộng rãi Nghị quyết số 04/2024/NQ-HĐTP ngày 12/6/2024 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao về hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Hình sự về truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi liên quan đến khai thác, mua bán, vận chuyển trái phép thủy sản; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm liên quan đến khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài.
Tiếp tục tổ chức làm việc, trực tiếp hướng dẫn chủ tàu thủ tục đăng ký, đăng kiểm, cấp giấy phép và cập nhật 100% dữ liệu tàu cá vào Cơ sở dữ liệu nghề cá quốc gia (VNFishbase) theo quy định, hoàn thành trong tháng 8/2024.
Đồng thời, theo dõi, giám sát 100% tàu cá hoạt động trên biển qua Hệ thống giám sát tàu cá tại Trạm bờ thuộc Chi cục Thủy sản và Kiểm ngư; nắm rõ và xử lý nghiêm từng trường hợp vi phạm quy định mất kết nối VMS. Điều tra, xác minh, xử lý triệt để các hành vi khai thác IUU, không có trường hợp ngoại lệ; kiên quyết ngăn chặn, chấm dứt tình trạng tàu cá, ngư dân khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài.
Tổ Công tác Liên ngành thanh tra kiểm soát nghề cá, Ban Quản lý Cảng cá thực hiện việc kiểm tra, giám sát tàu cá cập cảng, rời cảng và sản lượng bốc dỡ thủy sản qua cảng theo đúng quy định. Thu nhận nhật ký khai thác đảm bảo chất lượng, có sự kiểm tra, đối khớp với dữ liệu VMS, xử lý triệt để các trường hợp vi phạm.
Các lực lượng chức năng tiếp tục thực hiện tuần tra, kiểm tra trên biển, thành lập các Đoàn kiểm tra liên ngành, xử lý nghiêm các hành vi khai thác IUU trên vùng biển Nghệ An.../.