Nghệ An: Đẩy nhanh tiến độ sửa chữa, nâng cấp các hồ đập và công trình thuỷ lợi trước mùa mưa bão

Nhằm chủ động phòng chống thiên tai và giảm thiểu tối đa thiệt hại của mưa lũ, Nghệ An đã và đang gấp rút triển khai việc gia cố, duy tu, bảo dưỡng đê, kè và các công trình thuỷ lợi trên địa bàn toàn tỉnh.
bna-van-truong-215333439-159202120221018140740-1691505478.jpg
Sự cố vỡ đập Bàn Vàng ở huyện Yên Thành trong mùa lũ năm 2022.

Năm 2023, tình hình thời tiết cả nước nói chung và Nghệ An nói riêng có nhiều diễn biến bất thường, sau một mùa hè nắng nóng kỷ lục làm khô cạn hầu hết các hồ chứa thì chuẩn bị bước sang mùa mưa bão. 

Mặc dù hàng năm, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, UBND tỉnh và Sở Nông nghiệp và PTNT Nghệ An đã có các dự án duy tu, sửa chữa đê điều thường xuyên, nhưng do nguồn kinh phí hạn chế nên việc sửa chữa chỉ mang tính tạm thời ở những vị trí xung yếu. Chính vì vậy, trên địa bàn tỉnh hiện đang còn một số hồ chứa bị xuống cấp nghiêm trọng, khả năng chống đỡ là rất thấp, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn trong mùa mưa bão sắp tới.

Theo thông tin từ Chi cục Thủy lợi Nghệ An, hiện trên địa bàn có 1.061 hồ chứa nước, trong đó, có 55 hồ, đập lớn; 220 hồ đập vừa và 786 hồ đập nhỏ. Trong thời gian qua, đã có gần 400 hồ được nâng cấp, sửa chữa, còn trên 700 hồ chưa được sửa chữa, nâng cấp. Hồ chứa không chỉ phục vụ sản xuất nông nghiệp, mà còn đóng vai trò quan trọng, mang tính chiến lược lâu dài trong việc đảm bảo tưới, tiêu, cắt lũ vùng hạ du…

Tuy nhiên, hiện nay, hầu hết các công trình hồ chứa do địa phương quản lý đã xây dựng lâu năm nên không đồng bộ từ đầu mối đến hệ thống kênh mương. Kinh phí bố trí bảo trì, sửa chữa thường xuyên cho các công trình này còn nhiều hạn chế, vì thế, việc sửa chữa thiếu đồng bộ, nhiều hạng mục công trình từ đó bị hư hỏng, xuống cấp.

Trong tình hình đó, bằng việc lồng ghép từ các chương trình, dự án, hiện Nghệ An đang tập trung nâng cấp khá nhiều các hồ chứa ách yếu. Như tại huyện Yên Thành đang tiến hành nâng cấp 3 hồ chứa trị giá trên 45 tỷ đồng; hồ chứa Côn Côn ở xã Bảo Thành được đầu tư xây dựng trên 17 tỷ đồng, hiện đã thi công được trên 80% khối lượng, hoàn thành bờ đập với chiều dài trên 300m, hoàn thành lát đá hạ lưu và thượng lưu, thi công xong phần cống, nhà vận hành.

bna-van-truong-2876-1080-1691505463.jpg
Trong đợt mưa lớn nhiều ngày vừa qua, một số hồ đập trên địa bàn Nghệ An đã đầy nước.

Các hồ chứa khác như hồ Khe Cày ở xã Kim Thành, hồ chứa xã Lý Thành đã hoàn thành các công trình vượt lũ, dự kiến đến cuối năm 2023 sẽ đưa vào sử dụng. Huyện Yên Thành có trên 200 hồ chứa lớn, nhỏ, trong đó, có nhiều hồ chứa cũ. Theo kế hoạch thời gian tới, huyện Yên Thành tiếp tục rà soát để lồng ghép các nguồn vốn từ các chương trình, dự án và vốn Nhà nước triển khai nâng cấp các hồ chứa ách yếu khác, gồm đập Bàn Vàng và Nhân Tiến ở xã Tiến Thành trong mùa mưa lũ 2022 từng bị vỡ.

Tương tự, trên địa bàn huyện Nghĩa Đàn đang triển khai nâng cấp các hồ chứa nước ách yếu. Đại diện Công ty TNHH MTV Thủy lợi Phủ Quỳ cho biết: Đơn vị quản lý 19 hồ chứa lớn, nhỏ, trong năm 2023, được tỉnh quan tâm, đơn vị đang triển khai nâng cấp 2 hồ chứa ách yếu, gồm hồ chứa Đồng Diệc ở xã Nghĩa Lộc trị giá 9 tỷ đồng và hồ chứa Lò Than ở xã Nghĩa Long trị giá 3,5 tỷ đồng. Đến nay, các hồ chứa này đạt trên 60% khối lượng, đặc biệt, đã cơ bản hoàn thành các công trình vượt lũ. Theo kế hoạch cuối năm 2023 sẽ hoàn thành đưa vào sử dụng.

Ngoài ra, Ban Quản lý Dự án ngành Nông nghiệp và Chi cục Đê điều Nghệ An cũng đang triển khai một số sự án với mức đầu tư lớn nhằm nâng cấp, cải tạo các tuyến đê dọc sông Lam. Một số huyện như huyện Đô Lương, Nghi Lộc, Quỳnh Lưu, Diễn Châu cũng đang đẩy nhanh tiến độ các dự án nâng cấp các hồ chứa ách yếu trên địa bàn khi mùa mưa lũ đã cận kề.

Quốc Cường