Nghệ An: Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp

Nghệ An hiện đã có 25 doanh nghiệp và 29 hợp tác xã chủ động ứng dụng công nghệ cao vào lĩnh vực nông nghiệp. Đến thời điểm này, toàn tỉnh có hơn 26.500ha ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất.
image-20200423075015-1-1669175434.jpeg
Mô hình trồng cà chua Bỉ trong nhà lưới tại xã Quỳnh Giang - huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An)

Những năm qua, tỉnh Nghệ An đặc biệt quan tâm phát triển nông nghiệp toàn diện theo hướng sinh thái, xem sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là nền tảng trong xu thế mới, mục tiêu tạo ra lượng sản phẩm đủ lớn, chất lượng tốt, năng suất vượt trội. Việc ứng dụng công nghệ cao còn góp phần đa dạng hóa thương hiệu, nâng sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường, cung cấp cho chế biến công nghiệp.

Đến nay, Nghệ An có nhiều chương trình, dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tạo được dấu ấn, có sức lan tỏa lớn, điển hình như Công ty Cổ phần thực phẩm sữa TH, Vinamilk tập trung phát triển mảng chế biến sữa; Công ty Cổ phần Lâm nghiệp Tháng Năm chế biến gỗ; Công ty Cổ phần thực phẩm Nghệ An tại Quế Phong phát triển giống chanh leo; vùng sản xuất rau an toàn theo quy trình VietGAP tại các xã bãi ngang của huyện Quỳnh Lưu, Thị xã Hoàng Mai; sản xuất lúa giống chất lượng cao tại Yên Thành; mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng tại huyện Diễn Châu, Quỳnh Lưu. Hay gần nhất là Khu Lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao vùng Bắc Trung Bộ đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, lấy Nghệ An là đầu tàu chiến lược.

Theo số liệu từ Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nghệ An thì trong năm 2021, toàn tỉnh Nghệ An có trên 26.555ha sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (trồng trọt 26.104ha, nuôi trồng thủy sản hơn 450ha). Sản xuất công nghệ cao cho giá trị vượt trội, đạt bình quân trên 250 triệu đồng/ha/năm, cao gấp 2 - 3 lần so với sản xuất đại trà truyền thống.

Trong lĩnh vực trồng trọt, Nghệ An hiện đã hình thành các hệ thống đầu tư vào sản xuất khép kín, nhà màng, nhà lưới; tỷ lệ cơ giới hóa trong các khâu sản xuất tăng nhanh, chuyển đổi mạnh cơ cấu cây trồng, mùa vụ…Còn trong lĩnh vực chăn nuôi, đã hình thành các cơ sở sản xuất quy mô công nghiệp. Không chỉ chăn nuôi các loại gia súc, gia cầm truyền thống, Nghệ An còn chú trọng du nhập các giống mới để cụ thể hóa mục tiêu cải tạo đàn vật nuôi địa phương.

mohinhnuoitomonghitiennghiloc-e1593824920996-1669175402.jpg
Ứng dụng công nghệ cao vào các mô hình nuôi tôm tại xã Nghi Tiến, huyện Nghi Lộc

Lĩnh vực nuôi trồng thủy sản người nuôi tôm đã đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật triển khai dưới dạng thâm canh, siêu thâm canh thông qua mô hình nuôi trong bể xi măng, nuôi 2 giai đoạn, nuôi quy trình Semi-Biofloc, VietGAP, nuôi trong nhà màng. Song song đó, bước đầu áp dụng thành công các kỹ thuật mới trong nuôi cá lồng công nghệ cao ở các hồ đập lớn trên địa bàn.

Tiến bộ khoa học công nghệ nông nghiệp đã lan tỏa đến cả khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn ở miền Tây xứ Nghệ, tạo chuyển biến tích cực, làm thay đổi diện mạo, nâng tầm chất lượng sống của người dân nơi đây.

Quốc Cường