Ngày Tiếp quản Thủ đô 10/10 qua cảm quan của cố Giáo sư sử học Trần Quốc Vượng

Tháng Tám Giáp Ngọ 1954, tôi từ xứ Thanh về quê xứ Nam, trời mưa tầm tã. Một mình tôi với chiếc ba lô sờn, lội nước từ ngã ba Ràng lên đường quốc lộ 1 cũng ngập nước từng chặng, ra Ninh Bình, Nam Định...
gptd4-1696986873.jpg
Quân Pháp rút quân dưới sự giám sát của ta và các đoàn quốc tế (Ảnh tư liệu)

Tôi dừng ở quê nội ít ngày, cùng mấy ông chú họ vớt tre gỗ ngâm dưới ao lên sửa lại cái nhà thờ họ. Lên núi thăm một chùa Đọi điêu tàn nhưng còn bia cao to thời Lý. Rồi lại ngược quốc lộ 1 ghé Khê Hồi - Ngọc Hồi quê bố mẹ nuôi thời kháng chiến. Gặp nhiều người quen biết cũ, trong đó có dược sĩ Thẩm Hoàng Tín và nhiều trí thức yêu nước thủ đô, sau Hiệp định Genève, lánh ra đây, chờ ngày Giải phóng Thủ đô.

Đây cũng là một trong những nơi tập kết của các đoàn cán bộ vào Thủ đô giải phóng. Chị Bích Thuỷ, cán bộ hậu địch Hà Nội - khu Ba về đây sinh cháu (sau chị là Phó Chủ tịch Hải Phòng). Chị bảo tôi phải vào nội thành Hà Nội ngày 8/10 và bắt liên lạc với mấy người phụ trách học sinh - sinh viên kháng chiến.

Sáng 8/10/1954, trong vai trò thường dân (bỏ lại ba lô ở nhà chị Thuỷ), tôi "lên" Hà Nội, nơi đã gắn bó ba đời với đại gia đình tôi (từ đời ông nội - ngoại). Cái Hà Nội mà bố tôi được Cụ Hồ cử làm "Giám đốc Canh nông Bắc Bộ" ngay sau Cách mạng mùa thu để "chống giặc đói" bên cạnh việc "chống giặc dốt, chống giặc ngoại xâm" theo ý tưởng chiến lược Hồ Chí Minh.

Cái Hà Nội mà vào ngày Toàn quốc kháng chiến 19/12/1946 gia đình tôi bỏ lại mọi thứ, nhà cửa đồ đạc (người giúp việc chỉ mang theo đúng một cái đồng hồ để bàn Jaz trong tay nải áo quần của chị) qua đường Ngã Tư Sở - Hà Đông, xuôi về Nam (Liên khu 3) tham gia kháng chiến... Trời vẫn mưa tầm tã. Đến Đuôi Cá vẫn còn một đại đội lính Tây mặc áo mưa nhựa xanh nằm toài người lăm lăm súng gác ở ngã ba. Tôi đi theo dân (qua đường Trương Định nay) lọt về Hoàng Mai - Chợ Mơ (đấy là đoạn đường thiên lý cổ khi xưa) và vào nội thành Hà Nội. Mẹ tôi đã vào Hà Nội trước, liên lạc với các cô, dì quyết tâm ở lại Hà Nội với Cụ Hồ. Có khoảng một nửa gia đình bên ngoại tôi di cư vào Nam. Dòng người di cư ấy vẫn từ phía nam lên Hà Nội rồi xuống Hải Phòng, nơi "tập kết 300 ngày".

Ngày 9, thầy Giàu và các giáo sư của tôi đã về ở Tông Đản chờ ngày mai tiếp quản đại học. Ở Dự bị Đại học Thanh Hoá, tôi vẫn là uỷ viên Thường vụ Hiệu đoàn phụ trách văn nghệ. Cần có đoàn ca nhạc học sinh, sinh viên để sáng ngày 10/10 ra bờ hồ Gươm đón "đại quân ta tiến vào giải phóng thủ đô". Mẹ tôi đã kịp may cho tôi hai bộ quần áo "thanh niên Hà Nội" khi đó: Quần kaki, áo pôpơlin và đôi dép da để trút bỏ đôi dép lốp quai râu. Suốt ngày 9/10, tôi len lỏi đến thăm các gia đình nội ngoại quen biết, kể cả các gia đình họ hàng của bố mẹ nuôi...

Nhà nào cũng chuẩn bị cờ đỏ sao vàng để ngày mai treo rợp phố phường Hà Nội... Nhưng các tối ngày 8, ngày 9 nhà nào cũng treo soong, nồi nhôm, chậu thau đồng để khua gõ báo động khi có bọn "hôi của" nhân "tranh tối tranh sáng" lúc ta - Pháp bàn giao để đột nhập vào các nhà dân làm bậy. Những tối đó (và trước nữa), cổng nhà nào nhà nấy đều đóng im ỉm. Tôi vào nhà quen, giật chuông chờ ở cổng sắt khá lâu, phải có người ra hé cái cửa nhỏ trong cổng nhận mặt, cật vấn rồi mới cho vào (hoặc không cho vào)...

Tôi đi trên hè đường vắng ngắt lần đến Đại học Đông Dương ở đường Lê Thánh Tông, ra Nhà hát Lớn, đến Bảo tàng Louis Finot (nay là Viện Bảo tàng Lịch sử Việt Nam), ngược lên cầu Long Biên. Chiều muộn, những người lính Pháp cuối cùng rút qua cầu đi về phía Gia Lâm... Đêm 9/10 gần như là một đêm không ngủ. Tôi có "chỗ ẩn" rất tốt ở phố Yết Kiêu, rất gần nhà anh Văn Cao sau này. Bên kia đường Nguyễn Thượng Hiền cũng có nhà quen. Một đêm tâm sự dài dài sau 9 năm xa cách...

Sáng 10/10, chúng tôi dậy rất sớm. Ăn sáng bát phở gánh đầu phố, ngon như chưa từng bao giờ được ăn rồi vội vàng đi bộ lên Bờ Hồ. Những đường phố còn rất ít xe đạp, không có xe máy, vỉa hè thênh thang... Chỗ chúng tôi đang đón "đại quân ta" là ở bên đài phun nước - quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục, phía nhà "hàm cá mập" bây giờ... Đủ các bài ca yêu nước cất lên, song âm hưởng chủ đạo cố nhiên là thuộc về bài "Tiến về Hà Nội" của Văn Cao: "Trùng trùng quân đi như sóng/Lớp lớp đoàn quân tiến về/ Năm cửa ô đón mừng.../Hà Nội bừng Tiến quân ca". Bài này Văn Cao viết năm 1950, phục vụ Tổng phản công. Gần năm năm sau, nó trở thành sự thật gần như Văn Cao tưởng tượng, hình dung.