Đường cao tốc hồi mới làm thì phẳng phiu, nay hơi bị nhấp nhô, lượn sóng. Được cái vẫn cứ nhẵn bóng. Chạy tít thì tốc độ được 100 km/h. Phong cảnh trung du mùa nào cũng hữu tình. Mùa này lúa chín vàng, trải thảm giữa đồi, rừng, rất đẹp. Những vạt cỏ đủ sắc màu trải dài trên những triền đồi mùa thu. Đi qua khu vực sân bay quốc tế Nội Bài (Hà Nội), tha hồ ngắm tàu bay hạ cánh (đường xuống của tàu bay cắt ngang sát phía trên đường cao tốc). Trung bình cứ 5 phút lại thấy một chiếc tàu bay cất hạ cánh.
Quê trung du xưa cũng nghèo như mọi miền quê khác. Đất trung du, nhất là mạn phía đồng rừng, toàn sỏi, đá. Đất bạc màu, chỉ hợp với trồng sắn và bạch đàn, keo. Xưa thì không có keo, bạch đàn, nên về quê chỉ thấy sắn, đỗ xanh, khoai sọ, lạc và... cây xấu hổ (còn gọi là cây trinh nữ).
Phú Thọ tiếng là nơi của "rừng cọ, đồi chè, đồng xanh ngào ngạt" (Tố Hữu). Nhưng, giờ cọ thì cơ bản là hết, vì nó chẳng có giá trị gì ngoài lấy lá lợp nhà (giờ thì cơ bản nhà nghèo cũng đã bê tông, ngói hóa) và lấy quả (nếp) ỏm ăn chơi. Sau thì có người lấy cành chẻ nan tết mành mành che nắng. Nhưng do không đẹp, ít bền, nên chẳng mấy ai mua dùng. Nay đi sâu vào mạn Yên Lập hoặc Hạ Hòa, Thanh Ba, may ra còn ít vạt cọ lẻ.
Xưa miền Trung du, sắn dù (loại sắn cây thấp, đốt thân ngắn, lá nhỏ dài như lá tre) được trồng bạt ngàn. Đất sỏi chỉ mỗi loại lương thực này chịu được. Bà con chỉ cần cuốc sỏi đá đất lên, vùi hom sắn xuống là độ vài tháng sau là có củ để thu hoạch. Dân trồng sắn chủ yếu để chống đói. Mùa giáp hạt, trong nồi nhà nào cũng chỉ có sắn và sắn. Nhà nào sang thì duôi (nạo) sắn củ tươi đem đồ lên ăn. Hoặc lấy củ sắn nấu canh với rau thì là.
Hết vụ sắn tươi (mỗi năm chỉ thu hoạch một vụ, độ tháng 11-12, mới già sắn), chỉ còn sắn khô vạt lát phơi nắng. Vào mùa mưa ngâu, phơi cất không khéo, sắn lát dễ bị mốc lắm, ăn rất độc. Ai từng bị say sắn thì được cảm giác thấy ông bà ông vải, như say trà xanh và say thuốc lào. Giờ nói đến sắn, dân tuổi thời bao cấp vẫn sợ phát khiếp...
Tuy nhiên, sắn bây giờ lại thành thương hiệu của Phú Thọ. Ai sinh ra ở miền Trung du mà chưa một lần ăn canh dưa sắn nấu với tép (cá tép dầu - loài cá nhỏ, vảy trắng, đi ăn nổi theo đàn - giờ cơ bản đã hết do bị kích điện) thì chưa phải là người Trung du Đất Tổ. Ở Phú Thọ, bánh sắn giờ lại thành đặc sản ở các nhà hàng ẩm thực vị quê. Có người ở xứ đồng rừng xuống Hà Thành lập nghiệp, mở nhà hàng, không quên làm món bánh sắn, canh dưa sắn, canh đậu xanh, đậu vàng hoặc canh khoai sọ, củ chuối nấu ốc đậu...
Nếu ai có dịp về Phú Thọ, vùng đất cội nguồn dân tộc với phong cảnh hữu tình, nơi vua Hùng chọn đất đóng đô, nơi đây với những rừng cọ bạt ngàn, những đồi chè san sát như bát úp, được phủ bởi lớp màu xanh của chè, sẽ là một ấn tượng không bao giờ quên được. Nắng gió, đất đai trung du đã giúp cây chè sinh sôi nảy nở và gắn với người dân Phú Thọ đã tự ngàn đời. Vâng chè thì đã hẳn nhưng cọ thì đang dần thành dĩ vãng.
Đến nay, Phú Thọ là một trong những tỉnh có diện tích trồng chè lớn nhất cả nước. Cây chè không chỉ mang lại nguồn lợi kinh tế cho các hộ gia đình, làm giàu thôn, xã mà những đồi chè còn tạo nên vẻ đẹp quyến rũ đến mê hồn cho vùng đất trung du, thu hút khách du lịch về tham quan đồi chè - tuyệt tác thiên nhiên, để được ngắm không gian trải dài một màu xanh mướt.
Người quê Trung du thật thà chất phác và cá tính. "Dân gian hiện thực" có câu "Gái Đất Tổ làm khổ trai tứ phương", và ngược lại "Trai Đất Tổ làm khổ gái tứ phương" hàm ý muốn nói đến cá tinh, giỏi giang và đảm. Có người lại bảo, vì Đất Tổ có tới 18 Vua Hùng nên con cháu dòng dõi vương gia, nên hay kênh kiệu, đanh đá.
Thực ra thì người quê Đất Tổ hiền lành, tự trọng, ghét xu nịnh. Cũng vì thế mà mảnh đất này có nhiều văn nhân, tướng lĩnh. Người làm văn trọng chữ nghĩa, ham học. Người làm tướng, tá sĩ quan thì mạnh mẽ, cương trực. Cũng có nhiều doanh nhân thành đạt... Cũng có nhiều người ở vùng quê khác, dựng vợ, gả chồng, khỏi nghiệp, gắn bó, thành người Đất Tổ.
Người Mường có 4 họ nổi danh, gồm: Đinh - Quách - Bùi - Hà. Những họ này thường là nhà Lang, có vị thế trong xã hội. Người Mường ở Hòa Bình xưa thường chia làm 2 ngả sinh nhai. Một là lên non, khai phá, trồng trọt, chăn nuôi. Một xuống phía dọc dòng Đà giang đánh bắt, trồng lúa nước... Cũng vì thế, họ di cư sang mạn Phú Thọ, Cao - Bắc - Lạng - Thái - Tuyên - Hà, rồi xuôi về mạn đồng bằng Bắc bộ, vào Bắc Trung bộ... tìm kế sinh nhai. Thời chu di tam tộc, nhiều người, dòng họ phải đổi họ để sống sót. Cũng vì thế, họ Hà cũng bị đổi nhiều, thành những họ khác, như: Tạ, An, Ma... Lần nào về đất tổ cũng ngập tràn nỗi nhớ, nhưng mùa thu vẫn là mùa đáng nhớ hơn cả. Mùa thu trung du không gập ghềnh như miền núi, không ào ạt như đồng bằng ven biển mà bình lặng an yên./.