Ngày càng phổ biển xu hướng ghosting trong tuyển dụng

Một cuộc nghiên cứu với gần 1.500 người lao động toàn cầu gần đây chỉ ra rằng 75% người tìm việc từng bị công ty ghost sau khi phỏng vấn. Và các công ty tuyển dụng cũng thừa nhận điều này.

Một cuộc nghiên cứu với gần 1.500 người lao động toàn cầu gần đây chỉ ra rằng 75% người tìm việc từng bị công ty ghost sau khi phỏng vấn. Và các công ty tuyển dụng cũng thừa nhận điều này. Thế nhưng không chỉ có các công ty mới ghost người lao động. Nhân viên cũng đang ghost lại nhà tuyển dụng với số lượng cao hơn bao giờ hết.

Trong cùng một cuộc khảo sát thực tế năm 2021, 28% người tìm việc thừa nhận rằng họ đã ghost các nhà tuyển dụng của mình - tăng 10% so với năm 2019. 46% các nhà tuyển dụng cũng cho rằng việc ghosting trong tuyển dụng đang trở nên phổ biến hơn, khi 77% người tìm việc đã từng bị ghost bởi các nhà tuyển dụng. Trong đó, 10% số người tìm việc nói rằng họ đã bị ghost sau khi đạt được thỏa thuận làm việc bằng miệng.

Hiện tượng ghosting dường như đang xảy ra ở tất cả các giai đoạn của quá trình tuyển dụng. Trong khi một số nhà tuyển dụng báo cáo rằng các ứng viên cắt đứt liên lạc sau cuộc phỏng vấn điện thoại ban đầu, 25% cho biết những người mới tuyển đã không xuất hiện trong ngày đầu tiên đi làm.

Ghosting được coi là hành vi xấu đối với cả công ty và người lao động và không ai thích bị ghost. Tuy nhiên, sự gia tăng của xu hướng này dường như không thể thay đổi được: quy trình tuyển dụng online khiến các công ty có rất nhiều ứng viên, nên việc trả lời cho tất cả mọi người trở nên khó khăn hơn.

Ở phía ngược lại, tình trạng thiếu lao động mang lại cho người tìm việc nhiều lựa chọn hơn khi các nhà tuyển dụng tranh giành nhân tài. Hệ quả tất yếu là một quy trình tuyển dụng ngày càng phức tạp - và liệu hai bên có thể thực hiện các bước để ngăn chặn vòng xoáy ghosting?

recruitment-1-1648198699.jpg
Ảnh minh họa

Tiện dụng hơn nhưng không hiệu quả hơn?

‘Ghosting’ ban đầu chỉ tồn tại trong thế giới hẹn hò, có nghĩa là sự kết thúc đột ngột, bất ngờ trong một mối quan hệ.

Trong tuyển dụng, việc đột ngột ngừng liên lạc thường xảy ra ở bên có nhiều quyền lực hơn. Theo truyền thống, đây là những nhà tuyển dụng. Tuy nhiên, ngay cả trước Co vid-19, ghosting cũng đã trở thành một xu hướng ngày càng tăng giữa các ứng viên - nhờ thị trường việc làm ngày càng thắt chặt.

Trong nhiều trường hợp, quy trình tuyển dụng đã được số hóa. Các thuật toán tìm kiếm việc làm khiến việc ứng tuyển trở nên dễ dàng. Phỏng vấn ảo đã cải thiện khả năng tiếp cận, tăng cơ hội cho nhà tuyển dụng và người lao động tìm được người phù hợp nhất.

Tuy nhiên, sự thuận tiện của số hóa tuyển dụng đi kèm với cái giá phải trả. Việc thiếu sự tương tác trực tiếp có thể là một trong những nguyên nhân gây đến tình trạng ghosting cho cả hai bên.

Cân bằng giữa ghosting và sự chuyên nghiệp

Điều kiện thị trường có thể khiến việc ghosting trở nên phổ biến, nhưng không thể phủ nhận đây là mặt trái với cả nhà tuyển dụng lẫn ứng viên. Nó để lại ấn tượng xấu và có khả năng kết thúc mối quan hệ nghề nghiệp ngay trước cả khi bắt đầu.

Craig Freedberg, giám đốc tại một công ty tuyển dụng cho rằng giống như nguồn gốc ban đầu của "ghosting" trong hẹn hò, "bóng ma" phỏng vấn bắt nguồn từ sự thiếu cam kết: “Tiền thân của ghosting là khi một trong hai bên không cảm thấy bị thu hút hoặc không có sự đầu tư theo cảm tính. Cần phải tập trung nhiều hơn vào việc tiếp cận những người mà bạn thực sự nghĩ là phù hợp với công việc. Và, nếu ai đó dành thời gian trong ngày cho một cuộc phỏng vấn, cả trực tiếp hay gián tiếp, họ xứng đáng nhận được phản hồi."

Yuletta Pringle, quan chức tại Hiệp hội Quản lý Nguồn nhân lực Mỹ cũng tin rằng trách nhiệm giao tiếp vẫn thuộc về phía người sử dụng lao động - và cho biết cách giao tiếp phù hợp có thể hạn chế viễn cảnh ghosting ngay từ đầu. Bà nói: “Nếu nhà tuyển dụng làm rõ ràng và cụ thể các yêu cầu của vị trí tuyển dụng, ngay trước khi bắt đầu quá trình tuyển dụng, thì điều đó có thể giúp giảm bớt tâm lý ghosting từ phía nhân viên."

Freedberg nhấn mạnh, giữ liên lạc với các ứng viên trong quá trình tuyển dụng cũng rất quan trọng. “Phần lớn thời gian, đó chỉ là cách quản lý kỳ vọng. Nếu có sự chậm trễ trong quá trình tuyển dụng ở một trong hai bên, thì việc trả lời email sẽ luôn được coi là phương pháp hay”.

Nhưng người lao động cũng cần có trách nhiệm. Freedberg gợi ý rằng thay vì nộp đơn xin việc trên hệ thống tự động, người lao động hãy lựa chọn một cách cẩn thận những vị trí phù hợp với mình. Nếu không, họ có nguy cơ lãng phí thời gian của nhà tuyển dụng. “Nếu một ứng viên đồng ý gặp nhà tuyển dụng để phỏng vấn, sau đó quyết định ghost, thì đó là điều mà nhà tuyển dụng sẽ không hài lòng. Đó là hành động tồi"./.

Thế Mạc TH