Dự án được UBND tỉnh Nam Định phê duyệt với tổng diện tích 58 ha đất thuộc 2 xã Nghĩa Hải và Nam Điền và có tổng vốn đầu tư lên đến 900 tỷ đồng.
Nhà máy chuyên sản xuất bê tông đúc sẵn và các sản phẩm từ bê tông, công suất thiết kế 350 nghìn tấn/năm, cung cấp các sản phẩm bê tông cho Tập đoàn để xây dựng Tổ hợp nhà máy Thép xanh, cảng biển nước sâu, cảng sông Đáy và các dự án thành phần khác, đồng thời cung cấp sản phẩm cho thị trường trong và ngoài tỉnh.
Đây là 1 trong 3 dự án thuộc Tổ hợp dự án thép xanh Xuân Thiện do Tập đoàn Xuân Thiện đầu tư trên địa bàn tỉnh Nam Định với tổng số vốn đăng ký 98.900 tỷ đồng.
Tập đoàn cho biết, nhà máy đi vào hoạt động góp phần tăng nguồn thu ngân sách, giải quyết việc làm cho khoảng 560 lao động địa phương và tạo ra nhiều cơ hội việc làm từ các ngành dịch vụ đi kèm.
Theo kế hoạch, quý 4/2024, Nhà máy sẽ hoàn thành phần xây dựng, quý 1/2025 bắt đầu đi vào sản xuất.
Tập đoàn Xuân Thiện được biết đến là doanh nghiệp do ông Nguyễn Văn Thiện sinh năm 1970 anh trai của ông Nguyễn Đức Thụy (bầu Thụy), và là con trai cả trong gia đình Xuân Thành – doanh nghiệp nổi tiếng đất Ninh Bình làm Chủ tịch Hội đồng quản trị.
Được thành lập năm 2000 nhưng đến năm 2014, Xuân Thiện bất ngờ nổi lên khi trở thành doanh nghiệp Việt Nam đầu tiên xuất quân đầu tư thủy điện vào Cameroon (Châu Phi).
Theo tìm hiểu, công ty có vốn điều lệ đăng ký lên tới 6.000 tỷ đồng, theo đó 70% thuộc về ông Thiện, 30% còn lại là của bà Nguyễn Thị Hồng Nhung, hai người có cùng địa chỉ đăng ký hộ khẩu. Trước đó, ông Thiện từng có thời gian sở hữu gần 96% công ty này.
Xuân Thiện Group tập trung đầu tư vào các lĩnh vực sản xuất điện và cả xi măng – ngành nghề có tính truyền thống của gia đình ông Nguyễn Văn Thiện.
Vị doanh nhân sinh năm 1970 trực tiếp đứng tên và nắm lượng lớn cổ phần ở nhiều doanh nghiệp thành viên trong ‘hệ sinh thái’ Tập đoàn Xuân Thiện. Nếu cộng dồn, lượng cổ phần mà ông Thiện đứng tên có giá trị trên giấy tờ lên tới 19.339 tỉ đồng.
Ngoài ra, hoạt động khởi công nhà máy của Xuân Thiện diễn ra trong bối cảnh kinh doanh toàn ngành thép đang gặp khó. Quý 3/2022 nhiều doanh nghiệp thép lớn (Hòa Phát, Hoa Sen Group, VNSteel, Pomina...) ghi nhận kết quả kinh doanh sụt giảm mạnh, thậm chí báo lỗ lịch sử và phải tiến hành dừng lò cao, cắt giảm công suất do lượng hàng tồn kho còn nhiều.
Theo báo cáo mới nhất vừa được Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) công bố, tính chung 10 tháng năm 2022 Bán hàng thép thành phẩm đạt 23,159 triệu tấn, giảm 6% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó xuất khẩu đạt 5,316 triệu tấn, giảm 16,6% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong đó, khu vực ASEAN xuất khẩu (41,47%), Khu vực EU xuất khẩu (16,57%), Hoa Kỳ (8%), Hàn Quốc xuất khẩu (6,03%) và Hồng Kông xuất khẩu (Trung Quốc) (5,65%).
Về giá trị xuất khẩu thép, tính chung 9 tháng năm 2022 đạt 6,5 tỷ USD giảm 22,65% so với cùng kỳ năm 2021.
VSA nhận định kinh tế - xã hội Việt Nam trong 10 tháng năm 2022 khá ổn định, các cân đối vĩ mô đưa ra triển vọng, lạm phát trong tầm kiểm soát. Tuy nhiên, tình hình thực tế hoạt động sản xuất kinh doanh các ngành, đặc biệt ngành thép trong nước đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức có khả năng kéo dài đến Quý II năm 2023.