Ngành nông nghiệp Việt Nam: “Bức tranh sáng” giữa khủng hoảng

Chia sẻ tại Diễn đàn Kinh tế 2023: Cùng doanh nghiệp “vượt sóng”, TS.Trần Công Thắng, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thôn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho biết, trong bối cảnh cực kỳ khó khăn, bức tranh ngành nông nghiệp vẫn duy trì tốt, mức dự kiến trên 50 tỷ USD năm 2022.

Năm 2022, ngành nông nghiệp cũng chịu tác động chung của cuộc khủng hoảng Covid-19, xung đột Nga – Ucraina, việc các nước tăng lãi suất và thiên tai, biến đổi khí hậu cũng như sự thay đổi chính sách của các thị trường lớn như Trung Quốc. Những điều này gây ra những tác động như lạm phát cao ở các nước, nguồn cung lương thực giảm. Cùng với đó, giá nông sản, giá lương thực và giá dầu đều tăng. Chính sách hạn chế xuất khẩu của các nước.

ts-thang-1668693960.jpg
TS.Trần Công Thắng, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thôn, Bộ NN&PTNT.

Trong bối cảnh cực kỳ khó khăn, theo TS.Trần Công Thắng nhận định, bức tranh ngành nông nghiệp vẫn duy trì tốt, mức dự kiến trên 50 tỷ USD năm 2022, trong đó có sự đóng góp lớn của các doanh nghiệp. Cùng với đó, các thị trường lớn vẫn được duy trì tăng trưởng tương đối đều.

Đơn cử, thị trường Hoa Kỳ và Trung Quốc vẫn là 2 thị trường xuất khẩu nông lâm thuỷ sản chủ lực của Việt Nam, chiếm lần lượt 26% và 18% tổng giá trị xuất khẩu trong 9 tháng đầu năm 2022. Trong đó cơ cấu của thị trường Hoa Kỳ, Trung Quốc giảm nhẹ so với cùng kỳ năm 2021. ASEAN là thị trường có mức tăng trưởng cao nhất trong 9 tháng đầu năm 2022, giá trị xuất khẩu tăng 30,8% so với cùng kỳ năm 2021. Xuất khẩu sang các thị trường khác như Hoa Kỳ, Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản đều tăng trong 9 tháng đầu năm 2022 so với cùng kỳ năm 2021.

Đồng thời, ông Thắng cho biết có sự tăng trưởng đều giữa các ngành hàng xuất khẩu như gỗ, thuỷ sản, cà phê, cao su,…trừ ngành rau quả có giảm do chính sách “Zero Covid” của Trung Quốc. Yếu tố tạo sự tăng trưởng xuất khẩu nông lâm thuỷ sản năm 2022 gồm nhu cầu thị trường thế giới về lương thực thực phẩm tăng, xuất hiện một số thị trường mới cho thủy sản, gỗ.

Cùng với đó, Việt Nam chủ động mở cửa sớm sau đại dịch Covid-19, mở cửa thị trường cho nhiều sản phẩm nông sản sang các thị trường Trung Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ, EU. Đồng thời, tận dụng các ưu đãi từ các hiệp định FTAs. Tăng cường áp dụng công nghệ sản xuất tăng chất lượng sản phẩm trong khi guồn cung trong nước tốt.

nong-san1-1668693960.jpg
Nông sản Việt Nam hiện có mặt ở trên nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ. Ảnh minh họa.

Bên cạnh bức tranh tươi sáng đó của những tháng đầu năm, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thôn nhận định doanh nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn đặc biệt là các doanh nghiệp nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, phân bón, thuốc trừ sâu…Vì vậy, ngành nông nghiệp vẫn còn nhiều thách thức với thương mại nông sản năm 2023.

Cụ thể, giá nguyên vật liệu đầu vào tăng cao, chi phí logitics, vận tải biển vẫn ở mức cao. Cùng với đó, chính sách nhập khẩu của một số nước có sự thay đổi. Yêu cầu, tiêu chuẩn chất lượng các nước ngày càng tăng và khó dự đoán, điều này với mặt hàng nông sản sẽ bị tác động rất lớn. Đồng thời thách thức về lạm phát ở nhiều quốc gia tăng cao cũng khiến cho người dân có xu hướng thắt chặt chi tiêu.

Đặc biệt, thông báo về các biện pháp an toàn thực phẩm và an toàn dịch bệnh động, thực vật (SPS) của các thị trường như Nhật Bản, Eu…đều gia tăng, đòi hỏi doanh nghiệp nông nghiệp phải có sự thay đổi lớn trong vấn đề sản xuất để đáp ứng các tiêu chuẩn này.

Do đó, để tiếp đà tăng trưởng ông Trần Công Thắng đề xuất, doanh nghiệp cần tiếp tục chuyển đổi thị trường, sản phẩm. Hoàn thiện quy trình sản xuất đáp ứng tiêu chuẩn của các nước nhập khẩu. Tăng cường sản xuất các sản phẩm bền vững, giảm phát thải đáp ứng tốt hơn nhu cầu quốc tế.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần tuân thủ các điều kiện IUU (gỡ thẻ vàng của EU), FSC, GAP, Low carbon, không phá rừng và các yêu cầu xã hội, môi trường thị trường. Mạnh dạn đa dạng hóa thị trường, tiếp cận thị trường mới, kết nối với các thị trường mới. Đồng thời, doanh nghiệp nên mạnh dạn đầu tư, ứng dụng công nghệ, số hóa. Lắng nghe những thay đổi thị trường.

Ngoài ra, ông Thắng cũng lưu ý các doanh nghiệp cần có kế hoạch đề phòng rủi ro, linh hoạt với thị trường bất ổn. Đặc biệt, nên có sự gắn kết, hợp tác cùng nhau phát triển, chiễm lĩnh thị trường, đây là vai trò của các Hiệp hội.

Đông Nghi