Theo dự báo tổng tăng trưởng thị trường giai đoạn 2020-2025, thị trường logistics thương mại điện tử châu Á sẽ chiếm 57%. Những thị trường như Việt Nam, Indonesia và Thái Lan đang dần cho thấy tiềm năng phát triển lớn. Đáng nói, có đánh giá cho rằng Việt Nam đủ tiềm năng trở thành trung tâm logistics của khu vực và thế giới.
Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) đã có hiệu lực từ ngày 1/8/2020, trong đó, dịch vụ logistics có các cam kết theo hướng mở cửa mạnh hơn đáng kể so với Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Thực tế, ngành logistics của Việt Nam đang đạt mức tăng trưởng đáng kể do sự phát triển của nền kinh tế quốc gia, các lĩnh vực sản xuất và thương mại điện tử.
Thông tin từ Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA), hiện nay thị trường logistics Việt Nam đang có sự tham gia của khoảng hơn 5.000 doanh nghiệp. Trong đó, 89% doanh nghiệp Việt Nam có quy mô vừa và nhỏ; 10% là doanh nghiệp liên doanh và 1% doanh nghiệp 100% có vốn nước ngoài cung cấp dịch vụ logistics xuyên quốc gia.
Hiện, Việt Nam đang được xếp hạng thứ 11 trong nhóm 50 thị trường logistics mới nổi toàn cầu (theo bảng xếp hạng 2022 của Agility 2022). Tỉ lệ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) giai đoạn 2022 - 2027 của thị trường logistics Việt Nam được dự báo đạt mức 5,5%.
Các chuyên gia cho rằng, doanh nghiệp logistics Việt Nam đang từng bước chuyển mình khi chú trọng đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng, kho bãi hiện đại, ứng dụng khoa học công nghệ mới, gia tăng thị phần và tham gia chủ động vào chuỗi giá trị toàn cầu. Tuy nhiên, để biến thị trường logistics từ tiềm năng thành hiện thực, vẫn cần một chính sách tổng thể từ thu hút đầu tư tới cải thiện cơ sở hạ tầng, thủ tục hành chính, xây dựng hành lang pháp lý đồng bộ và hiệu quả.
Tại tọa đàm “Giải pháp thúc đẩy ngành logistics tận dụng cơ hội từ EVFTA”, chỉ ra các cơ hội mang lại cho lĩnh vực dịch vụ logistics khi EVFTA được thực thi, ông Ngô Chung Khanh, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương), cho rằng nhu cầu sử dụng các dịch vụ logistics tăng lên khi trao đổi thương mại giữa Việt Nam và EU tăng cao.
Không chỉ thương mại, nhiều doanh nghiệp EU mong muốn đầu tư vào xây dựng những trung tâm logistics tại Việt Nam. Như vậy, sự kết nối giữa các tỉnh thành trong nước sẽ thuận lợi hơn, chi phí logistics sẽ giảm hơn.
Mặt khác, trong cam kết EVFTA về lĩnh vực logistics, chúng ta mở cửa cho đầu tư vào logistics nhưng lại chỉ cho phép liên doanh. Điều này tạo cơ hội hợp tác làm ăn của các doanh nghiệp logistics Việt Nam với doanh nghiệp EU.
Như vậy, các doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội tham gia vào cái chuỗi dịch vụ logistics của họ, như trở thành nhà thầu phụ, thậm chí họ có thể yêu cầu công ty Việt Nam tham gia vào một mắt xích của chuỗi giá trị này. Đồng thời, đây cũng là động lực để các doanh nghiệp logistics Việt Nam liên kết lại với nhau tạo thành sức mạnh.
Chia sẻ tại một sự kiện gần đây, ông Đào Trọng Khoa - Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) cũng nhận định, để phát triển chuỗi cung ứng logistics hiện đại cần có sự tham gia của cộng đồng và sự hỗ trợ và hợp tác của các cơ quan chức năng liên quan trong chuỗi cung ứng.
Hiện các hiệp hội và liên đoàn đang là những đơn vị phù hợp nhất để đứng ra xây dựng các sàn giao dịch nhằm hỗ trợ đặt chỗ và quản lý lô hàng một cách tự động hiệu quả nhất.
Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam, cần đầu tư xây dựng cảng thông minh bởi chúng là "mắt xích" lớn của nhiều chuỗi cung ứng. Nếu cảng được quản lý vận hành thông minh sẽ giải quyết tốt bài toán luân chuyển và kế hoạch vận hành cho nhiều bên bao gồm nhà sản xuất, xuất nhập khẩu, hãng tàu, các bên liên quan khác. Trên thế giới cũng đang phát triển hệ thống nền tảng mở cho các bên kết nối và phối hợp thực hiện các nghiệp vụ nên hoạt động logistics rất thuận lợi và giảm nhiều chi phí phát sinh.
Để hỗ trợ ngành dịch vụ logistics Việt Nam phát triển, Phó Chủ tịch Thường trực VLA cũng đề xuất hàng loạt các chính sách như: Quy hoạch tổng thể phát triển ngành (quy hoạch tích hợp) để có thể tạo nền tảng phát triển dài hạn, nâng cao năng lực nghiên cứu ứng dụng, đào tạo và chuyển giao công nghệ mới, hỗ trợ nguồn vốn cho phát triển công nghệ logistics..., Trong đó việc tiếp cận nguồn vốn và giải ngân không cần theo quy định có tài sản đảm bảo mà dựa trên tính khả thi và hiệu quả kinh doanh.