Quảng cáo #128

Năm 2024, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam phấn đấu đạt trên 16,2 tỷ USD

Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, Hiệp hội Chế biến gỗ tỉnh Bình Dương, Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP. Hồ Chí Minh, Hiệp hội Gỗ và Thủ công Mỹ nghệ Đồng Nai, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định và Forest Trends đã phối hợp tổ chức Tọa đàm "Ngành gỗ Việt Nam trước thay đổi của thị trường xuất khẩu".
xuat-khau-go-dnktx1-1733572282.jpg
Doanh nghiệp gỗ Việt Nam vừa và nhỏ vốn hạn chế về nguồn lực và kinh nghiệm.

Ngành công nghiệp gỗ Việt Nam đã và đang khẳng định vị thế 

Theo Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Viforest), Mỹ là thị trường xuất khẩu quan trọng nhất của ngành gỗ Việt Nam - có thể có những thay đổi rất lớn trong thời gian tới. Những thay đổi này có thể được tạo ra do chính sách thuế mới được Chính phủ Mỹ áp dụng đối với hàng hóa nhập khẩu vào thị trường này trong tương lai, mức thuế dự kiến sẽ đưa ra là 60% đối với tất cả các hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc và 15-20% đối với hàng hóa nhập khẩu từ các quốc gia khác.

Việt Nam nói chung và ngành gỗ nói riêng có thể được hưởng lợi từ mức thuế cao của Mỹ áp dụng đối với các hàng hóa từ Trung Quốc, nhưng cũng có thể chịu các tác động tiêu cực.

Với vị thế là một trong năm quốc gia xuất khẩu gỗ lớn nhất thế giới, ngành gỗ Việt Nam đã đặt mục tiêu đạt kim nghạch xuất khẩu 15,2 tỉ USD trong năm 2024, tăng mạnh so với năm 2023. Đây là một con số đầy tham vọng trong bối cảnh kinh tế toàn cầu còn nhiều khó khăn.

Năm 2024, suy thoái kinh tế toàn cầu và lạm phát kéo dài. Những yếu tố này làm giảm sức mua ở các thị trường lớn như Mỹ và EU. Người tiêu dùng tại các khu vực này có xu hướng cắt giảm chi tiêu đối với các sản phẩm không thiết yếu, bao gồm đồ gỗ. Trong khi đó các quy định như Luật Lacey của Mỹ và Quy định về gỗ của EU (EUTR) buộc các doanh nghiệp Việt Nam phải chứng minh nguồn gốc gỗ hợp pháp, đảm bảo truy xuất nguồn gốc minh bạch. Đây là áp lực lớn, đặc biệt đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ vốn hạn chế về nguồn lực và kinh nghiệm.

Giá nguyên liệu gỗ biến động mạnh do chuỗi cung ứng toàn cầu chưa phục hồi hoàn toàn sau đại dịch. Lãi suất vay vốn cao và giá năng lượng tăng cũng khiến các doanh nghiệp phải đối mặt với gánh nặng tài chính. Cạnh tranh từ các quốc gia trong khu vực như Trung Quốc, Indonesia và Malaysia đang trở thành những đối thủ cạnh tranh đáng gờm. Các nước này không chỉ có chi phí sản xuất thấp mà còn đang đầu tư mạnh vào công nghệ và phát triển thị trường quốc tế.

Tuy nhiên, ngành gỗ đã nỗ lực vượt khó, ghi nhận những thành tựu đáng khích lệ trong năm qua. Theo số liệu thống kê sơ bộ từ Tổng cục Hải quan, trong 10 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt gần 13,22 tỉ USD, tăng 21,2% so với 10 tháng đầu năm 2023. Việt Nam tiếp tục nằm trong top 5 quốc gia xuất khẩu đồ gỗ lớn nhất toàn cầu, khẳng định năng lực cạnh tranh và uy tín trong chuỗi cung ứng quốc tế. Xuất khẩu gỗ sang các thị trường như Canada, Úc và Trung Đông đã có bước tiến đáng kể. Đây là minh chứng cho nỗ lực đa dạng hóa thị trường và giảm sự phụ thuộc vào các thị trường truyền thống.

xuat-khau-go-dnktx2-1733572262.jpg
Ngành gỗ Việt Nam đối mặt với nguy cơ bị áp thuế chống bán phá giá hoặc thuế chống trợ cấp.

Vượt thách thức để bứt phá

Theo ông Đỗ Xuân Lập - Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam - chia sẻ, cùng với việc tìm kiếm khách hàng, doanh nghiệp ngành gỗ đã chủ động chuyển đổi sang những nguyên liệu thân thiện môi trường, các nguyên liệu tái chế vừa tiết kiệm chi phí, vừa đáp ứng yêu cầu mới của khách hàng.

“Không xây dựng được thị trường tốt sẽ ảnh hưởng rất lớn đến doanh số xuất khẩu, đặc biệt là xúc tiến và kết nối thị trường. Tổ chức các sự kiện hội chợ ngành gỗ tạo cơ hội giao thương và để các doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận với các khách hàng của thị trường quốc tế. Nếu 2 tháng cuối năm xuất khẩu đạt 3 tỉ USD thì cả năm nay, xuất khẩu của ngành gỗ sẽ đạt gần 16 tỉ USD" - ông Lập chia sẻ.

Các thị trường xuất khẩu chủ lực như Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu (EU), Nhật Bản và Hàn Quốc tiếp tục là mục tiêu trọng điểm. Những thị trường này không chỉ có nhu cầu cao mà còn đòi hỏi các sản phẩm đạt chuẩn về chất lượng, thiết kế và tính bền vững. Ngoài ra, ngành gỗ Việt Nam đang tích cực mở rộng sang các thị trường mới nổi như Canada, Úc và Trung Đông, nơi nhu cầu đang tăng cao và cạnh tranh chưa quá gay gắt.

Bên cạnh mục tiêu về kim ngạch, ngành gỗ cũng đang chuyển hướng từ mô hình sản xuất gia công sang sản xuất các sản phẩm có giá trị gia tăng cao. Đầu tư vào thiết kế, xây dựng thương hiệu và ứng dụng công nghệ tiên tiến đang là chiến lược ưu tiên nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và đáp ứng yêu cầu khắt khe của thị trường quốc tế.

Tại tọa đàm, thảo luận về tác động tới ngành gỗ Việt Nam do các thay đổi sắp tới tại thị trường Mỹ, TS. Huỳnh Thế Du - Giảng viên, quản lý Chương trình Chính sách công và Môi trường (Đại học Indiana, Hoa Kỳ) nhận định, một số thay đổi trong chính sách thương mại của Mỹ và tác động tới các ngành hàng của Việt Nam trong tương lai.

Cơ hội cho Việt Nam từ chính sách Tổng thống tương lai Donald Trump là gia tăng xuất khẩu sang Mỹ nhờ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung; thu hút đầu tư nước ngoài khi các doanh nghiệp Mỹ dịch chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc; đẩy mạnh cải thiện chất lượng sản phẩm để đáp ứng yêu cầu của Mỹ.

Bên cạnh những cơ hội còn có một số rủi ro cho Việt Nam, trước tiên là áp lực từ các biện pháp phòng vệ thương mại. Cụ thể, ngành gỗ Việt Nam đối mặt với nguy cơ bị áp thuế chống bán phá giá hoặc thuế chống trợ cấp. Mỹ có thể điều tra và áp thuế nếu phát hiện gian lận xuất xứ hoặc chuyển tải từ nước thứ ba. Ví dụ, Trung Quốc chuyển hàng qua Việt Nam để né thuế…

Cùng với đó là sự cạnh tranh gia tăng từ các nhà cung cấp khác. "Những quốc gia như Malaysia, Indonesia, và Thái Lan có thể tận dụng lợi thế để tăng xuất khẩu gỗ sang Mỹ, gây áp lực cạnh tranh lên sản phẩm của Việt Nam. Mỹ cũng tăng cường hỗ trợ ngành gỗ nội địa, giảm phụ thuộc vào nhập khẩu" - ông Huỳnh Thế Du dẫn chứng.

Cũng tại tọa đàm, ông Tô Xuân Phúc - Giám đốc điều hành Chương trình Chính sách, Thương mại và Tài chính Lâm nghiệp của Tổ chức Forest Trends thông tin thêm, các chính sách thuế của Mỹ đối với hàng hóa Trung Quốc có thể dẫn đến sự dịch chuyển chuỗi cung ứng, dòng vốn và nhu cầu thị trường. Việt Nam có thể hưởng lợi từ việc trở thành điểm đến thay thế cho các dòng hàng hóa từ Trung Quốc sang Mỹ. Tuy nhiên, điều này cũng tiềm ẩn những rủi ro mới đối với Việt Nam, cần được nghiên cứu và đánh giá kỹ lưỡng./.

Dự báo năm 2024, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam đạt trên 16,2 tỷ USD, trong đó xuất khẩu sang Mỹ chiếm 56% tổng kim ngạch xuất khẩu, đạt gần 9 tỷ USD và nhập khẩu từ thị trường này đạt trên 230 triệu USD.

Trần Hạnh