Cụ thể, theo Hiệp hội Dừa Việt Nam cho biết, ngành dừa hiện có gần 200 sản phẩm liên quan đến cây dừa. Chỉ trong vòng 5 năm qua, ngành dừa Việt Nam đã vươn lên vị trí thứ 4 của châu Á. Sản phẩm của ngành dừa đã đến được những thị trường khó tính hàng đầu thế giới như Phần Lan ở Bắc Âu, qua đó khẳng định được thương hiệu của dừa Việt Nam trên thị trường thế giới.
Cả nước hiện có 90 doanh nghiệp xuất khẩu sản phẩm từ dừa, trong đó có 42 doanh nghiệp đã xuất khẩu những sản phẩm chế biến sâu "Made in Vietnam". Hiện nay ngành dừa không đơn thuần là những doanh nghiệp chuyên sản xuất về dừa mà còn có nhiều doanh nghiệp khai thác nguyên liệu từ dừa như sản xuất thực phẩm, sản xuất tinh dầu trong lĩnh vực y tế.
Đối với sản phẩm dừa, Việt Nam hiện có trên 175.000 ha dừa, trồng tập trung chủ yếu ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và các tỉnh duyên hải miền Trung. Trong đó, ĐBSCL chiếm gần 80% tổng diện tích cả nước.
Ông Cao Bá Đăng Khoa - Quyền Tổng thư ký Hiệp hội Dừa Việt Nam cho biết, Chính phủ tạo điều kiện xây dựng bộ nhận diện thương hiệu quốc gia cho ngành thực phẩm từ dừa; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đưa cây dừa vào Đề án phát triển cây công nghiệp chủ lực đến năm 2030…
Trong bối cảnh tác động của dịch Covid-19 khiến sức mua thị trường thế giới giảm đối với dừa nguyên liệu từ cuối năm 2022 khiến giá nguyên liệu dừa trong nước cũng giảm theo. Tuy nhiên, ông Khoa cho biết, dừa trái ở các vùng nguyên liệu đạt tiêu chuẩn sản xuất hữu cơ vẫn giữ được giá tốt, thậm chí trong quý I/2023 có xu hướng tăng.
Bước sang năm 2023, dù bối cảnh chung khó khăn, song các doanh nghiệp trong ngành dừa cho thấy lượng đơn hàng tăng rất mạnh và giá trị rất cao. Do đó, ngành dừa tự tin trong năm nay sẽ đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD.
Do vậy, một trong những chương trình trọng tâm của Hiệp hội Dừa Việt Nam năm nay là triển khai xây dựng vùng nguyên liệu bền vững để người nông dân trồng dừa được hưởng giá nguyên liệu minh bạch, nâng cao giá trị của dừa trái và nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp ngành dừa Việt trên thị trường thế giới. Bên cạnh đó, để mở rộng đầu ra cho trái dừa, trong năm 2023, Hiệp hội dừa Việt Nam sẽ đẩy mạnh các hoạt động giao thương kích cung kích cầu cho thị trường.
Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn -NN&PTNT) đánh giá, xuất khẩu dừa của Việt Nam đang có nhiều cơ hội để trở thành ngành hàng tỷ USD trong năm nay sau khi xuất khẩu dừa sang Mỹ đang nhận nhiều tín hiệu tích cực. Theo Cục Bảo vệ thực vật, từ đầu tháng 2/2023, Cơ quan Kiểm dịch Thực Động vật Hoa Kỳ (APHIS) đã hoàn tất dự thảo báo cáo phân tích nguy cơ dịch hại đối với sản phẩm dừa tươi của Việt Nam. Cục đang lấy ý kiến các đơn vị để sớm thống nhất dự thảo, đảm bảo điều kiện xuất khẩu chính ngạch dừa sang Mỹ trong thời gian tới.
Để khai thác giá trị gia tăng của mặt hàng gỗ dừa, Hiệp hội Dừa Việt Nam đang trình các bộ, ngành liên quan sớm ban hành các tiêu tiêu chuẩn, các văn bản quy định về khai thác và kinh doanh nhóm ngành này, cũng như ban hành những tiêu chuẩn quy định để tạo thuận lợi cho xuất khẩu gỗ dừa trong thời gian tới. Bên cạnh đó, cũng sẽ gửi hồ sơ lên Tổng cục Hải quan xây dựng đơn giá tiêu chuẩn cho các doanh nghiệp làm căn cứ xuất khẩu. Triển khai truyền thông đến doanh nghiệp và người tiêu dùng nhận biết các sản phẩm từ gỗ dừa như một loại nguyên liệu gỗ thân thiên với môi trường.
Đồng thời, tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại theo chuyên đề từng thị trường tiềm năng. Trong năm nay, Hiệp hội Dừa Việt Nam sẽ triển khai xây dựng vùng nguyên liệu bền vững để người nông dân trồng dừa được hưởng giá nguyên liệu minh bạch, nâng cao giá trị của dừa trái và nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp ngành dừa Việt trên thị trường thế giới.
Hiệp hội Dừa cũng sẽ gửi hồ sơ lên Tổng cục Hải quan xây dựng đơn giá tiêu chuẩn cho các doanh nghiệp làm căn cứ xuất khẩu. Đồng thời triển khai truyền thông đến doanh nghiệp và người tiêu dùng nhận biết các sản phẩm từ gỗ dừa như một loại nguyên liệu gỗ thân thiên với môi trường.
Định kỳ hằng tháng, Hiệp hội Dừa Việt Nam sẽ tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại theo chuyên đề từng thị trường tiềm năng.
Hiện nay, hai vùng nguyên liệu chính tại Bến Tre và Tiền Giang cơ bản đáp ứng được nhu cầu của thị trường thế giới. Tuy nhiên, mùa xâm nhập mặn hằng năm ở Đồng bằng sông Cửu Long đang làm giảm năng suất và sản lượng, gây thiếu hụt nguyên liệu dừa trái phục vụ chế biến xuất khẩu.
Do vậy, bên cạnh chương trình xây dựng các vùng trồng bền vững, các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu dừa dành nguồn lực nghiên cứu phát triển phôi dừa chống chịu được hạn mặn và chính sách hỗ trợ phân bón cho người nông dân trồng dừa giảm chi phí đầu vào.
Thời gian tới, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) sẽ phối hợp các đơn vị mở rộng xuất khẩu sang các thị trường như: Australia, Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore…; phối hợp với các đơn vị của Bộ NN&PTNT có kiến nghị, hỗ trợ xây dựng vùng nguyên liệu cho dừa và các sản phẩm chế biến từ dừa.