Ngành công nghiệp bán dẫn được ưu tiên thu hút đầu tư tại TP. Hồ Chí Minh

Việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 98 ngày 24 tháng 6 năm 2023 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành Phố Hồ Chí Minh, đề cập lĩnh vực công nghiệp mạch tích hợp bán dẫn trở thành ngành nghề ưu tiên thu hút nhà đầu tư chiến lược vào Thành phố.
1-1727126683.jpg
Ông Đào Minh Chánh - Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP. Hồ Chí Minh (ITPC) phát biểu tại tại Hội nghị.

Trên thế giới, ngành vi mạch bán dẫn đang bùng nổ, đặc biệt tại các quốc gia tiên tiến về công nghệ như Mỹ, Nhật Bản và Singapore. Ngành này đóng vai trò then chốt trong sự phát triển của nhiều lĩnh vực công nghệ và kinh tế toàn cầu. Nhận thức được tiềm năng to lớn, Việt Nam cũng đang đẩy mạnh phát triển ngành vi mạch bán dẫn... Việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 98 ngày 24 tháng 6 năm 2023 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành Phố Hồ Chí Minh, đề cập lĩnh vực công nghiệp mạch tích hợp bán dẫn trở thành ngành nghề ưu tiên thu hút nhà đầu tư chiến lược vào Thành phố.

Trên đây là chia sẻ của ông Đào Minh Chánh - Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP. Hồ Chí Minh (ITPC) tại Hội nghị xúc tiến ngành vi mạch bán dẫn do Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP. Hồ Chí Minh (ITPC) và Hội Công nghệ vi mạch bán dẫn TP. Hồ Chí Minh phối hợp tổ chức chiều 23/9/2024.

TP. Hồ Chí Minh là trung tâm lớn về kinh tế, tài chính, thương mại, văn hoá, khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, giáo dục & đào tạo của Việt Nam. Thành phố định hướng tập trung phát triển kinh tế nhanh và bền vững trên cơ sở đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại kinh tế dựa trên nền tảng kinh tế tri thức, ứng dụng khoa học & công nghệ, đổi mới sáng tạo và năng suất lao động cao. Mục tiêu đến năm 2030, Thành phố Hồ Chí Minh sẽ trở thành đô thị thông minh, là thành phố dịch vụ - công nghiệp hiện đại, đầu tàu về kinh tế số, xã hội số, trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại, văn hoá, giáo dục, khoa học - công nghệ và có vị thế nổi trội trong khu vực Đông Nam Á.

2-1727126726.jpg
Ông Nguyễn Anh Thi - Trưởng Ban quản lý Khu công nghệ cao TP. Hồ Chí Minh (SHTP) phát biểu tại tại Hội nghị.

“Trong đó, ngành vi mạch bán dẫn là một lĩnh vực công nghệ cao tập trung sản xuất và phát triển các loại vi mạch và thiết bị bán dẫn. Ngành vi mạch bán dẫn đã trở thành lĩnh vực cốt lõi của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, là một trong những lĩnh vực quan trọng nhất để phát triển các sản phẩm kỹ thuật số như máy tính, điện thoại di động, thiết bị IOT và nhiều ứng dụng khác, là cơ sở kỹ thuật cho các lĩnh vực khác như truyền thông, y tế và năng lượng, đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng điện tử trong các nước phát triển”, ông Đào Minh Chánh cho biết.

“Với vai trò là cầu nối, đồng hành và hỗ trợ doanh nghiệp, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Thành phố sẽ tiếp tục tạo cơ hội trao đổi, giao lưu, kết nối các doanh nghiệp để đẩy mạnh đầu tư phát triển. Thành phố kỳ vọng rằng, trong tương lai, ngành công nghiệp vi mạch và bán dẫn tại Việt Nam có thể khẳng định mình và nâng cao vị thế của Việt Nam trên bản đồ vi mạch bán dẫn thế giới”, ông Đào Minh Chánh chia sẻ thêm.

Ông Nguyễn Anh Thi - Trưởng Ban quản lý Khu công nghệ cao TP. Hồ Chí Minh (SHTP) cho biết: “Đơn vị có nhiệm vụ thu hút các dự án đầu tư vào để hoàn thiện hệ sinh thái vi mạch bán dẫn tại Việt Nam. Đồng thời, chú trọng đào tạo đội ngũ 50.000 kỹ sư theo mục tiêu đến năm 2030 để đáp ứng cho sự phát triển ngành vi mạch bán dẫn”.

3-1727126788.jpg
Hội nghị xúc tiến ngành vi mạch bán dẫn thu hút sự tham gia của các doanh nghiệp.

“Do đó, TP. Hồ Chí Minh cần tập trung vào củng cố các “hệ sinh thái”, thu hút các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; trong đó, nguồn nhân lực phải đi trước một bước. TP. Hồ Chí Minh đóng vai trò đầu tàu kinh tế của cả nước, nên rất cần nâng cao chuỗi giá trị, sẵn sàng cơ sở hạ tầng, thể chế cạnh tranh với các nước. Trên cơ sở đó, ngành vi mạch bán dẫn của Việt Nam mới từng bước phát triển, đủ sức cạnh tranh với các nước trong khu vực và trên thế giới.

Theo chia sẻ của các chuyên gia tại hội nghị, ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn phát triển sẽ có tác động tích cực đến ngành điện tử, công nghệ thông tin, AI cũng như nhiều ngành công nghiệp và kinh tế khác. Hiện tại, có 8 nhóm ngành tiềm năng liên quan đến vi mạch bán dẫn, trong đó có các ngành phù hợp như: Điện tử, viễn thông, máy tính, tin học, vật lý, tự động hóa./.

Đạm Quang Lê