Ngân hàng nới “room” tín dụng thị trường bất động sản liệu có sôi động trở lại?

Mới đây, Ngân hàng Nhà nước vừa có những điều chỉnh nới room tín dụng cho các ngân hàng thương mại, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân tiếp cận nguồn vốn, phục hồi kinh tế… bao gồm lĩnh vực bất động sản. Mặc dù hạn mức được cấp thêm không quá nhiều nhưng theo các chuyên gia đây là điều kiện cần giúp thị trường bất động sản sôi động trở lại trước bối cảnh các phân khúc đang mất thanh khoản.

Cụ thể, trong thông cáo mới đây của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết đã điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2022 đối với tổ chức tín dụng (TCTD) có đề nghị và gửi thông báo cho các đơn vị này. Việc điều chỉnh hạn mức (room) tín dụng, theo NHNN, dựa vào việc đánh giá tình hình hoạt động của TCTD và còn phải đảm bảo góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định thị trường tiền tệ...

Cũng theo NHNN, việc nới room tín dụng nhằm thuận tiện cho việc triển khai thực hiện gói hỗ trợ lãi suất 2% cũng như đáp ứng nhu cầu vốn để thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và phục hồi sản xuất, kinh doanh. "Trong thời gian tới, NHNN sẽ tiếp tục điều hành với mục tiêu tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận tín dụng ngân hàng, hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế", thông cáo khẳng định.

Ghi nhận từ sàn giao dịch DKRA trong tháng 8, TP.HCM chỉ bán được 117 căn hộ chung cư, giảm 78% so với tháng trước, thậm chí phân khúc nhà phố, biệt thự thanh khoản thấp nhất từ trước đến nay khi chỉ bán được 4 căn. Khó tiếp cận nguồn vốn vay là nguyên nhân chính khiến sức cầu giảm mạnh.

Ông Võ Hồng Thắng - Phó Giám đốc Nghiên cứu và Phát triển DKRA Việt Nam cho hay: "Chúng ta cũng biết rằng là tháng 4 room đã hết, những hồ sơ vay gần như tắc nghẽn. Với việc nới room này những nhà đầu tư đủ điều kiện để vay thì ngành ngân hàng sẽ tiếp tục giải ngân".

thanh-long-bay-1-8361-1663148203.jpg
Nới hạn mức tín dụng giúp thị trường bất động sản phục hồi. Ảnh minh họa.

Được biết, mục tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm là 14%, các ngân hàng còn khoảng 460.000 tỷ đồng có thể giải ngân. Tuy nhiên, với quyết định mới từ Ngân hàng Nhà nước, lượng tín dụng được cấp thêm chưa tới 200.000 tỷ, chưa kể nguồn vốn đang ưu tiên cho một số ngành, lĩnh vực ưu tiên. Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cho rằng, cần thiết nâng mục tiêu tăng trưởng tín dụng để bơm vốn kịp thời cho các doanh nghiệp, cá nhân có nhu cầu mua nhà đến cuối năm.

"Chúng tôi đề nghị Ngân hàng Nhà nước quan tâm, xem xét để nâng trần tín dụng cả năm 2022 từ 14% nâng lên 15% hoặc tốt nhất là 16%. Như vậy, nền kinh tế chúng ta sẽ bổ sung tổng nguồn vốn tín dụng từ nay đến cuối năm khoảng trên dưới 600.000 tỷ đồng, bổ sung nguồn vốn cần thiết cho nền kinh tế, trong đó có lĩnh vực bất động sản", ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM nói.

Nhiều người kỳ vọng rằng, khi room tín dụng được nới sẽ giúp thị trường bất động sản sôi động trở lại. Tuy nhiên, theo anh N.H, nhân viên tín dụng một ngân hàng tại Hà Nội, sau những vụ việc xảy ra với bất động sản trong thời gian qua các ngân hàng có tâm lý e ngại khi cho vay các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro cao, trong đó có bất động sản.

“Trước đó, nhiều hồ sơ xếp chờ được vay nên sẽ rất nhanh lấp đầy room tín dụng. Với hơn 450.000 tỷ đồng được giải ngân nhưng mục đích là triển khai thực hiện gói hỗ trợ lãi suất 2% nhằm đáp ứng nhu cầu về vốn phục hồi sản xuất, kinh doanh và bất động sản không được nêu cụ thể là nhóm ưu tiên”, anh H. cho hay.

a-tb-chung-cu-qt-second-9950-1630368172-1663148257.jpg
Một góc thị trường nhà ở TP. Thủ Đức. Ảnh minh họa

Tiến sĩ Sử Ngọc Khương - Giám đốc Cấp cao Bộ phận Đầu tư Savills Việt Nam nhận định, ngoài nguồn vốn, thị trường đang đối diện với nguồn cung giảm mạnh. Nguyên nhân là các doanh nghiệp đang chuẩn bị đầu tư vẫn còn gặp khó về thủ tục pháp lý. Nguồn vốn mới sẽ phù hợp với những dự án đã và đang trong quá trình xây dựng.

Còn theo ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho hay, việc nới room tín dụng cũng sẽ có những tác động tích cực tới thị trường bất động sản. Tuy nhiên, con số 450.000 tỷ đồng so với nhu cầu của thị trường vẫn là thấp.

“Vấn đề là tiền được bơm vào dự án nào, phân khúc nào hay lĩnh vực nào mới là điều quan trọng. Thị trường bất động sản sẽ có giao dịch trở lại nhưng không nhiều và không thể sốt đất khi nới room tín dụng được”, ông Đính nói.

Các đơn vị nghiên cứu thị trường dự báo, động thái nới room tín dụng sẽ kéo sức cầu bất động sản tăng dần vào những tháng cuối năm nhưng không quá đột biến trong ngắn hạn. Việc kiểm soát tín dụng vào bất động sản của ngân hàng hiện nay sẽ còn ảnh hưởng đến dòng tiền và lợi nhuận doanh nghiệp đến đầu năm sau.

Thi Nguyên (t/h)