Ngân hàng nhà nước Việt Nam quyết định thanh tra hoạt động kinh doanh vàng

Ngày 17/5/2024, Ngân hàng nhà nước Việt Nam (NHNN) đã ban hành Quyết định số 324/QĐ - TTGSNH2 thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật trong hoạt động kinh doanh vàng của các tổ chức tín dụng (TCTD), doanh nghiệp (DN) hoạt động kinh doanh vàng.
thanh-tra-thi-truong-vang-1716003156.jpg
Thanh tra thị trường vàng thời kỳ thanh tra từ ngày 01/01/2020 đến ngày 15/5/2024. Ảnh minh họa.

Theo đó, sẽ thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về hoạt động kinh doanh vàng; thanh tra việc chấp hành các quy định pháp luật về phòng, chống rửa tiền; thanh tra việc chấp hành các quy định pháp luật về chế độ kế toán, lập và sử dụng hóa đơn, chứng từ; về kê khai và thực hiện nghĩa vụ thuế đối với các tổ chức tín dụng (TCTD), doanh nghiệp (DN) hoạt động kinh doanh vàng.

Thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về hoạt động kinh doanh vàng; Thanh tra việc chấp hành các quy định pháp luật về phòng, chống rửa tiền; Thanh tra việc chấp hành các quy định pháp luật về chế độ kế toán, lập và sử dụng hóa đơn, chứng từ; về kê khai và thực hiện nghĩa vụ thuế.

Nội dung của Quyết định nêu rõ, thời kỳ thanh tra từ ngày 01/01/2020 đến ngày 15/5/2024, khi cần thiết có thể thanh tra trước hoặc sau thời kỳ nêu trên.

Đoàn thanh tra có sự tham gia của đại diện Thanh tra Chính phủ, Bộ Công an, Bộ Tài chính, Bộ Công thương. Thời gian thanh tra 45 ngày. Đoàn thanh tra sẽ tiến hành thanh tra theo đúng quy định của Luật thanh tra và các qui định có liên quan.

Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện số 23/CĐ-TTg ngày 20/3/2024 về tăng cường các biện pháp quản lý thị trường vàng; Chỉ thị số 14/CT- TTg ngày 2/5/2024, trong đó Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước thực hiện ngay công tác thanh tra, kiểm tra đối với thị trường vàng, hoạt động của các doanh nghiệp kinh doanh vàng, các cửa hàng, đại lý phân phối và mua bán vàng miếng.

Theo Thông báo số 221/TB-VPCP ngày 15/5/2024 kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái tại cuộc họp với tập thể lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về các giải pháp quản lý thị trường vàng trong thời gian tới, Phó Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan, địa phương có liên quan khẩn trương hoàn thiện ban hành kế hoạch thanh tra, chậm nhất ngày 17 tháng 5 năm 2024 phải công bố quyết định thanh tra theo quy định để thực hiện ngay việc thanh tra, kiểm tra đối với thị trường vàng, các cửa hàng, đại lý phân phối, mua và bán vàng miếng và các chủ thể khác tham gia thị trường, không để chậm trễ hơn nữa; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định pháp luật trong sản xuất, kinh doanh vàng, trường hợp có dấu hiệu vi phạm pháp luật kịp thời chuyển ngay hồ sơ đến Bộ Công an và các cơ quan chức năng để xử lý nghiêm theo quy định; báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thanh tra trong tháng 5 năm 2024.

Tại cuộc họp về chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa nhằm tiếp tục thực hiện mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân chiều tối ngày 16/5, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu kiên quyết thực hiện nghiêm quy định về hóa đơn điện tử trong hoạt động kinh doanh, mua, bán vàng, đến ngày 15/6 tới, đơn vị nào không thực hiện hoá đơn điện tử kết nối với cơ quan thuế trong mua bán vàng thì rút giấy phép; việc này phải được làm cương quyết; tiếp tục rà soát kỹ lưỡng, đánh giá, tổng kết việc thực hiện Nghị định số 24/2012/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng.

Từ đầu năm đến nay, giá vàng trong nước liên tục tăng mạnh, phá vỡ các kỷ lục trước đó. Diễn biến của giá vàng trong nước có mức chênh lệch lớn so với giá vàng trên thế giới mặc dù NHNN đã can thiệp thị trường bằng hoạt động đấu thầu vàng miếng. Từ 19/4/2024 đến nay, NHNN đã tổ chức 07 phiên đấu thầu bán vàng miếng SJC với tổng khối lượng trúng thầu là 27.200 lượng (tương đương khoảng 1,02 tấn).

Trong thời gian tới, NHNN sẽ tiếp tục tổ chức 2 phiên đấu thầu vàng vào các ngày 21/5/2024 và 23/5/2024. Khối lượng vàng đặt thầu tối thiểu ở mức 500 lượng và khối lượng đặt tối đa là 4.000 lượng. Khối lượng vàng đấu thầu vẫn ở mức 16.800 lượng.

Một số chuyên gia nhận định, bên cạnh đấu thầu vàng miếng, có thể xem xét bỏ độc quyền thương hiệu vàng quốc gia của SJC, tạo sự công bằng cho tất cả sản phẩm vàng trên thị trường. Đồng thời, việc điều chỉnh, sửa đổi một số quy định của Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý thị trường vàng cho phù hợp với hoàn cảnh mới là cần thiết./.

PV