Nỗ lực gỡ cảnh báo “thẻ vàng”, kiên quyết ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm khai thác IUU

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Phùng Đức Tiến nhấn mạnh trong thời gian tới, đề nghị các địa phương tăng cường công tác thực thi pháp luật, phát động đợt cao điểm tuần tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm khai thác IUU; đặc biệt kiên quyết ngăn chặn không để tàu cá, ngư dân vi phạm khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài.

Vừa qua, vào ngày 25/3, tại tỉnh Kiên Giang, Bộ Nông nghiệp và Môi trường tổ chức hội nghị triển khai các nhiệm vụ chống khai thác IUU ở khu vực miền Nam gồm các tỉnh từ Bình Thuận đến Cà Mau.

Hội nghị do Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Phùng Đức Tiến và Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Kiên Giang Lâm Minh Thành đồng chủ trì.

go-the-vang-thuy-san-1-1742985593.jpg
Ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường phát biểu tại hội nghị. (Ảnh Lam Hiếu)

Tại hội nghị, đại diện Cục Thủy sản và Kiểm ngư báo cáo kết quả kiểm tra công tác chống khai thác IUU của Bộ Nông nghiệp và Môi trường tại 11 tỉnh ven biển gồm Bến Tre, Hải Phòng, Quảng Ninh, Tiền Giang, Quảng Bình, Bình Thuận, Cà Mau, Ninh Thuận, Phú Yên, Sóc Trăng và Trà Vinh.

Các địa phương đã có nhiều tiến bộ trong thực hiện các khuyến nghị của EC trong việc quản lý tàu cá, giám sát hoạt động khai thác, truy xuất nguồn gốc và thực thi pháp luật.

Các địa phương đã kịp thời ban hành các văn bản chỉ đạo, xây dựng kế hoạch tổ chức triển khai các nhiệm vụ, giải pháp chống khai thác IUU theo chỉ đạo của Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia về IUU; tăng cường công tác phối hợp với các lực lượng chức năng trong và ngoài tỉnh để theo dõi, kiểm soát tàu cá có nguy cơ cao vi phạm khai thác IUU.

Tàu cá tại địa phương đã được rà soát, nắm chắc số lượng và thường xuyên theo dõi, cập nhật; tàu cá tham gia hoạt động khai thác thủy sản đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình VMS đạt 100% theo quy định; thực hiện kiểm soát chặt chẽ tàu cá ra vào cảng, xuất nhập bến, đảm bảo tàu cá xuất bến, rời cảng đi khai thác tuân thủ đầy đủ các thủ tục, giấy tờ theo quy định, ngăn chặn, không cho tàu cá không đủ điều kiện đi khai thác thủy sản; thực hiện việc giám sát sản lượng, truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác tại cảng cá chỉ định được rà soát, tổ chức thực hiện theo quy định; thường xuyên cập nhật báo cáo sản lượng thủy sản bốc dỡ qua cảng để theo dõi, kiểm soát theo quy định.

Công tác thực thi pháp luật, xử lý các hành vi khai thác IUU được thực hiện ngày càng quyết liệt, có sự chuyển biến so với trước, trong đó đã điều tra, khởi tố hình sự các vụ việc liên quan đến hành vi khai thác IUU.

go-the-vang-thuy-san-3-1742985659.jpg
Thời gian qua, các địa phương đã có nhiều tiến bộ trong thực hiện các khuyến nghị của EC trong việc quản lý tàu cá, giám sát hoạt động khai thác, truy xuất nguồn gốc và thực thi pháp luật. (Ảnh minh họa)

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Phùng Đức Tiến nhấn mạnh, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách về quản lý thủy sản. Công tác kiểm tra, thanh tra và xử lý vi phạm lĩnh vực IUU đạt được một số kết quả tích cực. Tuy nhiên, công tác chống khai thác IUU tại các địa phương vẫn còn nhiều hạn chế.

Việc gỡ thẻ vàng của Ủy ban châu Âu đối với xuất khẩu thủy sản của Việt Nam là rất cấp thiết, đòi hỏi sự nỗ lực, phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành có liên quan, sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của các cấp, ngành, các tổ chức chính trị - xã hội từ Trung ương đến địa phương thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về tăng cường giải pháp chống khai thác IUU.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Phùng Đức Tiến nhấn mạnh trong thời gian tới, đề nghị các địa phương tăng cường công tác thực thi pháp luật, phát động đợt cao điểm tuần tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm khai thác IUU; đặc biệt kiên quyết ngăn chặn không để tàu cá, ngư dân vi phạm khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài.

Phát huy vai trò, trách nhiệm của các cấp, ngành, tổ chức chính trị - xã hội từ Trung ương đến địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật của người dân; bố trí nguồn lực, phân công rõ trách nhiệm, sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, lực lượng chức năng tại địa phương; khẩn trương giải quyết dứt điểm các hạn chế trong thực hiện nhiệm vụ chống khai thác IUU trong thời gian qua.

go-the-vang-thuy-san-2-1742985574.jpg
BĐBP tỉnh Kiên Giang tuyên truyền kiến thức pháp luật về chống khai thác hải sản trái phép đến ngư dân.(Ảnh minh họa)

Theo Thứ trưởng, trong nỗ lực gỡ cảnh báo “Thẻ vàng”, các địa phương cần tiếp tục phát động đợt cao điểm tuần tra, kiểm tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Cạnh đó, khẩn trương hoàn thành việc cấp giấy phép khai thác thủy sản, đăng ký đăng kiểm tàu cá, lắp đặt thiết bị VMS…

Ngoài ra, tổ chức giám sát, kiểm soát nghiêm hoạt động tàu cá của các địa phương trên biển qua hệ thống giám sát tàu cá; tàu cá của địa phương và của các tỉnh, TP khác ra vào cảng, xuất nhập bến./.

Trước đó, trong buổi làm việc với Tỉnh ủy Kiên Giang về kết quả thực hiện nhiệm vụ chống khai thác IUU, chuẩn bị đón và làm việc với Đoàn Thanh tra EC lần thứ 5, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến - Phó Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về IUU cho biết, qua 7 năm thực hiện chống khai thác IUU, nhận thức của ngư dân ngày càng nâng lên. Công tác quản lý nhà nước, thực thi pháp luật về chống khai thác IUU ngày càng hiệu quả. Cùng với công tác tuyên truyền, vận động ngư dân tuân thủ pháp luật trên biển, thì việc xử lý hành chính, vi phạm nghiêm trọng xử lý hình sự để tăng tính răn đe.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cũng đánh giá, tình trạng tàu cá vi phạm khai thác IUU đã giảm nhiều nhưng chưa chấm dứt. Là tỉnh có đội tàu lớn, Kiên Giang cần tăng cường quản lý, giám sát đội tàu, nhất là nhóm tàu có nguy cơ cao vi phạm khai thác IUU. Khi phát hiện tàu cá vi phạm phải xử lý nhanh, nghiêm minh và dứt điểm.

Báo cáo tại buổi làm việc, ông Lê Hữu Toàn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Kiên Giang, cho biết, tính đến ngày 15/3, toàn tỉnh có 10.033 tàu cá đã đăng ký, tăng 27 tàu so với thời điểm cuối năm 2024. Số tàu còn hạn giấy phép khai thác thủy sản là 7.973 tàu, chiếm 79,5% tổng số tàu đã đăng ký, có 3.587/3.620 tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên lắp đặt VMS (chiếm 99,1%). Còn lại 33 tàu cá chưa lắp VMS chủ yếu là tàu nằm bờ, tàu chờ bán, đều được địa phương theo dõi, quản lý chặt chẽ.

Đặc biệt, tỉnh Kiên Giang đã xử lý triệt để tàu cá “3 không” trên địa bàn tỉnh, đã đăng ký cho 2.090 tàu cá “3 không”, 100% tàu cá đã đăng ký được đánh dấu theo quy định; cập nhật 100% dữ liệu đăng ký, cấp giấy phép khai thác thủy sản tàu cá vào hệ thống cơ sở dữ liệu nghề cá quốc gia Vnfishbase.

Ngành chức năng tỉnh Kiên Giang đã thực hiện kiểm tra, giám sát 13.230 lượt tàu cá ra vào cảng, giám sát bốc dỡ hàng qua cảng cá, bến cá trong và ngoài tỉnh với tổng sản lượng 319.347 tấn. Cấp 152 giấy xác nhận nguồn gốc thủy sản cho 24 doanh nghiệp, cấp 271 giấy chứng nhận nguồn gốc khai thác vào thị trường châu Âu cho 3 chủ hàng với khối lượng 2.398 tấn sản phẩm thủy sản. Cấp 2.707 tài khoản truy cập hệ thống truy xuất nguồn gốc thủy sản điện tử eCDT.

Bình Nguyên