Cụ thể, ở kỳ hạn 6 tháng, hàng loạt ngân hàng điều chỉnh mức lãi suất trên 9%/năm. Cao nhất trên thị trường hiện nay là SCB với mức lãi suất 9,9%/năm.
Tiếp đó là ngân hàng MSB với lãi suất 9,7%/năm; SaigonBank 9,6%/năm; DongA Bank 9,35%/năm; GPBank 9,3%/năm; KienlongBank và BAOVIET Bank cùng mức lãi suất 9,1%/năm...
Ở kỳ hạn tiết kiệm 12 tháng, mức lãi suất phổ biến hiện nay dao động từ 7,4 - 10%/năm. SaigonBank là ngân hàng chiếm vị trí đầu bảng khi nâng mức lãi suất tới 10%/năm. SCB xếp vị trí thứ 2 với mức lãi suất 9,95%/năm.
Theo khảo sát hiện hàng loạt ngân hàng khác trên thị trường cũng áp dụng mức lãi suất huy động cao ở kỳ hạn 12 tháng. Đơn cử như: MSB (9,8%/năm); DongA Bank (9,75%/năm); KienlongBank, GPBank, BAOVIET Bank (9,5%/năm); VietCapitalBank (9,4%/năm)...
Hiện, có 4 "ông lớn" là Agribank, Vietinbank, BIDV, Vietcombank đều áp dụng mức lãi suất 7,4%/năm, mức này khá thấp trên thị trường.
Mỗi ngân hàng sẽ niêm yết biểu lãi suất với các kỳ hạn và hình thức gửi khác nhau. Tuy nhiên, khách hàng có thể tính tiền lãi suất tiết kiệm theo công thức như sau:
Tiền lãi = tiền gửi x lãi suất %/12 x số tháng gửi.
Ví dụ, tại Ngân hàng A, nếu gửi tiết kiệm 500 triệu đồng kỳ hạn 6 tháng, lãi suất 9,6%/năm thì số tiền lãi sẽ là: 500 triệu x 9,6%/12 x 6 = 29 triệu đồng.
Cũng gửi tiết kiệm tại ngân hàng này, thời hạn 18 tháng, mức lãi suất 9,9%/năm, bạn được hưởng tiền lãi: 500 triệu x 9,9%/12 x 18 = 74,25 triệu đồng.
Gửi tiết kiệm là giải pháp tài chính được rất nhiều người lựa chọn khi muốn đầu tư sinh lời, tích lũy cho tương lai. Theo đó, trước khi quyết định gửi tiết kiệm bạn hãy tham khảo những lưu ý dưới đây để có hiệu quả nhất:
Khách hàng nên cân nhắc khả năng tài chính để lựa chọn hình thức gửi tiền tiết kiệm phù hợp. Khoản tiền mà bạn muốn tiết kiệm là tiền nhàn rỗi hay tiền cố định được trích từ lương hàng tháng? Câu hỏi này giúp bạn lựa chọn được hình thức gửi phù hợp với khả năng tài chính của mình.
Những thông tin cá nhân như số CMND, tên chủ tài khoản hay chữ ký... là rất quan trọng và thường được sử dụng trong quá trình giao dịch giữa bạn với ngân hàng. Vì thế nên kiểm tra kỹ thông tin cá nhân để tránh sai sót và đặc biệt, hãy đảm bảo rằng mình chỉ sử dụng duy nhất một chữ ký trên sổ tiết kiệm. Trong trường hợp bạn thay đổi chữ ký thì phải liên hệ ngay với ngân hàng để được xác minh lại.
Nếu khách hàng ghi sai thông tin trên sổ tiết kiệm có thể có nguy cơ bị mất tiền gửi hoặc không rút được tiền về khi tất toán sổ. Do đó bạn cần kiểm tra kỹ thông tin cẩn thận, khi phát hiện bị sai thông tin cần liên hệ ngay với ngân hàng mở sổ tiết kiệm để thay đổi thông tin cho đúng.
Trong trường hợp bị mất sổ thì phải thông báo ngay và trực tiếp đến ngân hàng để làm việc. Nếu không có thể xảy ra việc kẻ gian giả mạo chữ ký và giấy tờ tùy thân để rút toàn bộ số tiền trong sổ. Điều này cũng đồng nghĩa với việc bạn không nên cho bất kỳ ai mượn sổ tiết kiệm của mình.
Nếu bạn chọn hình thức gửi tiết kiệm trực tuyến thì cần lưu ý đến yếu tố bảo mật khi thực hiện bất kỳ giao dịch trực tuyến nào. Không nên vào các trang website lạ, phải sử dụng các phần mềm quét virus uy tín và luôn cập nhật phiên bản mới. Đồng thời tiếp nhận các thông báo của ngân hàng nơi bạn mở tài khoản gửi tiết kiệm để phòng tránh các rủi ro kịp thời.