Số 1 vẫn là cái Tâm của nhân viên:
1. Họ đối xử với ai cũng chân tình, giúp đỡ hết lòng trong khả năng có thể (chứ không phải chỉ với Sếp hoặc người họ cần).
2. Không nói xấu người khác sau lưng, còn đánh giá về công việc lại là chuyện khác. Nói xấu là đưa chuyện thị phi, đời tư, những chuyện không liên quan gì đến chuyên môn và rất thích sưu tầm, nghe ngóng những chuyện như vậy để dâng lên Sếp lập công.
3. Họ đối xử tốt với người thân trong gia đình.
4. Họ có nhiều bạn bè tử tế.
5. Họ không tìm cách bợ đỡ và ít khi khen nịnh Sếp. Có khi còn thẳng thắn phê bình những thói hư tật xấu của Sếp.
Số 2 là Tài:
1. Chuyên môn giỏi hoặc ít nhất biết hỏi ai, tra cứu ở đâu...
2. Luôn có cách giải quyết vấn đề thông minh, sáng tạo và chủ động (chứ không phải hơi tý ra hỏi sếp làm thế nào).
3. Nói ít nhưng hiểu nhiều, nắm bắt được yêu cầu của Sếp, thậm chí còn làm tốt hơn (bảo đi làm báo cáo nộp kèm luôn theo slide để thuyết trình, trình sếp ký không ở văn phòng thì mang theo cái bút luôn...)
4. Đáng tin cậy, giao việc là hoàn thành dù khó khăn đến đâu. Nếu không kịp vì lý do khách quan báo cáo ngay để giải quyết.
5. Đối nhân xử thế tốt, dù thế nào cũng nhận được sự hỗ trợ của đồng nghiệp cùng hoặc khác bộ phận.
Thứ ba là Tầm:
1. Khả năng bao quát công việc: khi giao cho đọc và tìm hiểu một loại văn bản thì đọc luôn cả các văn bản có liên quan. Khi giao việc xem xét lại mức lương thì có luôn cả đánh giá năng lực nhân sự, so sánh với mặt bằng chung và đưa ra đề xuất hợp lý...
2. Khả năng nhìn được điểm yếu của bản thân mình và điểm mạnh của người khác để tìm cách bù đắp. Một nhân viên khi được bổ nhiệm lên phó phòng thấy chưa đủ kinh nghiệm đã tự tìm cho mình một trưởng phòng để học hỏi.
3. Khả năng nhìn tổng thế hệ thống, so sánh với các đối thủ cạnh tranh và tìm cách đề xuất, giải quyết các khiếm khuyết cho dù không phải chức năng của mình.
4. Luôn đặt lợi ích tập thể lên trên lợi ích cá nhân.
5. Khả năng tập hợp quanh mình một đội ngũ có năng lực và bất cứ khi nào cũng mời được họ làm việc với mình khi được bổ nhiệm.
Tầm thì hơi ít nhưng có tâm và tài thì bổ nhiệm lên quản lý cấp trung, còn Lãnh đạo cấp cao, quản lý cả 100 nhân sự trở lên thì nhất định phải có tầm nhìn, đối với mỗi nhân sự định bổ nhiệm, chúng ta phải phân biệt được đâu là năng lực hiện tại và đâu là tiềm năng trong tương lai./.