Thời gian qua tình trạng quá tải rác gây ô nhiễm môi trường thường xuyên xảy ra ở một số bãi rác lớn trên địa bàn Thủ đô. Bài toán quá tải rác sẽ khó có lời giải nếu mỗi cá nhân, mỗi gia đình chưa tự ý thức, chung tay vào cuộc cùng chính quyền.
Ở huyện Đông Anh cũng không phải ngoại lệ. Để giải bài toán này, huyện đã quyết tâm thí điểm phân loại rác tại nguồn, nhằm giảm lượng rác hữu cơ đi thẳng ra bãi rác. Biến rác hữu cơ thành những sản phẩm hỗ trợ bà con trong trồng trọt chăn nuôi.
Với sự đồng hành của Chi cục Môi trường Hà Nội (Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội), Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Đông Anh, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện và sự hợp tác của các tổ chức, doanh nghiệp, đặc biệt sự vào cuộc nghiêm túc của người dân, năm 2021, huyện Đông Anh bắt đầu triển khai chương trình thu gom, phân loại và xử lý rác. Ban đầu chương trình được triển khai thí điểm tại 3 xã gồm: Liên Hà, Việt Hùng và Dục Tú, trong đó lựa chọn 3 thôn Hà Lỗ, Nghĩa Vũ, Lương Quán làm điểm.
Thực hiện mô hình, mỗi gia đình tự phân loại và đựng rác thải vào 3 thùng riêng biệt. Đối với rác hữu cơ (chủ yếu là rau, củ, quả, thức ăn thừa) ngoài cách xử lý là chôn lấp, các hộ gia đình đã tận dụng làm phân bón cho cây trồng. Các loại rác tái chế gồm chai, lọ nhựa, giấy, kim loại, một vài loại rác điện tử... được bỏ riêng để bán cho các đơn vị tác chế. Đối với rác thải vô cơ được tập kết, chờ xe thu gom rác của huyện đến đưa đi xử lý.
Để người dân hiểu và tích cực hưởng ứng thực hiện, thời gian qua Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Đông Anh đã tổ chức triển khai các cuộc hội thảo, hội nghị, xây dựng các video, clip... hướng dẫn việc phân loại, xử lý rác thải, ủ rác hữu cơ, nuôi trùn quế, kiểm kê rác cho cán bộ, hội viên.
Bên cạnh đó, các xã, thôn cũng thành lập các nhóm Zalo để kịp thời chia sẻ, hướng dẫn các biện pháp kỹ thuật triển khai đến 3 xã làm điểm, sau đó tiếp tục nhân rộng đến 21 xã và thị trấn còn lại.
Thông qua mô hình, nhận thức về việc phân loại rác thải của người dân được nâng cao. Ban đầu các hộ còn ngại khó nhưng nay đã từng bước thay đổi, hình thành ý thức và trách nhiệm trong việc phân loại, xử lý rác thải tại nguồn, hình thành việc ứng dụng, sử dụng phân bón hữu cơ trong trồng trọt.
Ghi nhận tại xã Việt Hùng từ mô hình điểm được bắt đầu triển khai vào tháng 3/2021 tại thôn Lương Quán, đến nay chương trình thu gom, phân loại và xử lý rác đã thu được nhiều kết quả tích cực. Từ 126 hộ tham gia thí điểm, hiện nay toàn xã có hơn 1.000 hộ tham gia chiếm khoảng gần 30% số hộ tham gia phân loại.
Đánh giá về mô hình, bà Quang Thị Ngà - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Việt Hùng, cho biết: “Đây là mô hình tốt góp phần giảm lượng rác thải ra môi trường, phân ủ rác dùng để tưới cây rất hiệu quả, góp phần bảo vệ môi trường. Trong quá trình triển khai chúng tôi phát tờ rơi, hướng dẫn các hộ gia đình thực hiện, phát cho các hộ gói vi sinh để thực hiện phân loại rác thải. Bên cạnh đó Hội phụ nữ xã thành lập các nhóm nòng cốt thực hiện tuyên truyền đến các hộ gia đình, hướng dẫn các hộ thực hiện đúng các bước quy trình về ủ rác thành phân hữu cơ, phục vụ cho việc bón cây trồng cũng như góp phần bảo vệ môi trường trên địa bàn xã”.
Không chỉ riêng xã Việt Hùng, tính đến tháng 11/2021 huyện Đông Anh đã triển khai phân loại thu gom, xử lý rác trên 19 xã, thị trấn. Kết quả kiểm kê rác cho thấy nếu phân loại và xử lý rác, lượng rác thải phải mang đến bãi chôn lấp giảm trên 50%. Trong thời gian tới huyện Đông Anh sẽ tiếp tục duy trì và nhân rộng mô hình trên toàn huyện, mục tiêu phấn đấu năm 2022 đạt 30-35% số hộ tham gia, đến hết năm 2025 đạt 50% số hộ tham gia.
Với những kết quả đạt được tại huyện Đông Anh, có thể thấy mô hình phân loại và xử lý rác thải tại nguồn là mô hình hay, cần tiếp tục được quan tâm, nhân rộng trên địa bàn Thủ đô.