Nâng cao thương hiệu chứng chỉ rừng Việt Nam trên thị trường quốc tế

Chiều 28/10, Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức lễ bàn giao Văn phòng chứng chỉ quản lý rừng bền vững về Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam.
cuc-phuongjpg-1635418117.crdownload
Ảnh minh họa

Phát biểu tại lễ bàn giao, Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp Nguyễn Quốc Trị nhấn mạnh, việc cấp chứng chỉ rừng bền vững là xu hướng tất yếu trên thế giới. Với Việt Nam, đây là một bước tiến lớn của ngành lâm nghiệp Việt Nam, góp phần bảo vệ, phát triển rừng bền vững và nâng cao giá trị sản xuất lâm nghiệp trên một đơn vị diện tích. 
Năng suất rừng trồng của Việt Nam không ngừng tăng lên, nhưng nếu có chứng chỉ thì giá trị mỗi ha rừng trồng có thể tăng lên 30%. Bên cạnh đó, các nước phát triển nhập khẩu phần lớn giá trị đồ gỗ của Việt Nam cũng ngày càng đòi hỏi sản phẩm có chứng chỉ, có nguồn gốc gỗ hợp pháp. 
Thời gian qua, Văn phòng Chứng chỉ quản lý rừng bền vững đã xây dựng, hoàn thiện các bộ tiêu chuẩn, tài liệu của Hệ thống chứng chỉ rừng quốc gia và được Tổ chức Chứng chỉ rừng Quốc tế (PEFC) công nhận là thành viên chính thức thứ 50. Hệ thống chứng chỉ rừng quốc gia (VFCS) đã được Hội đồng chứng chỉ rừng PEFC công nhận là hệ thống đáp ứng yêu cầu thực thi quản lý rừng bền vững. Đến nay, VFCS đã hỗ trợ các chủ rừng, nhóm hộ cấp được trên 55 nghìn ha rừng có chứng chỉ rừng VFCS/PEFC. 
Có thể nói, việc quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ rừng thời gian qua đã đạt được những kết quả tích cực, từng bước nâng cao nhận thức, năng lực về thực thi quản lý rừng bền vững cho đội ngũ cán bộ lâm nghiệp các cấp; các chủ rừng, đặc biệt là hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư; các doanh nghiệp.

Đến nay, cả nước đã có trên 2 triệu ha rừng của chủ rừng là tổ chức được xây dựng, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, tổ chức thực hiện theo phương án quản lý rừng bền vững; trên 300 nghìn ha rừng được cấp chứng chỉ FSC và VFCS/PEFC; trên 3 triệu m3 gỗ rừng trồng có chứng chỉ vào chuỗi cung phục vụ chế biến, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ. 
Ông Nguyễn Quốc Trị đề nghị, Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam sớm xây dựng kế hoạch chi tiết vận hành Hệ thống chứng chỉ rừng quốc gia giai đoạn 2021-2025. Đồng thời, rà soát, cập nhập các bộ tiêu chuẩn, tài liệu liên quan của VFCS để sớm ban hành, công bố theo quy định của pháp luật. 
Viện đề xuất kế hoạch thực hiện quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng nhằm đạt mục tiêu Chiến lược phát triển Lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, đến năm 2025 có 0,5 triệu ha rừng có chứng chỉ và đến năm 2030 có 1 triệu ha rừng có chứng chỉ. 
Đồng thời, ứng dụng khoa học, công nghệ, đổi mới việc đánh giá cấp chứng chỉ rừng, hạ giá thành cấp chứng chỉ rừng trên đơn vị diện tích rừng; nâng cao vị thế, thương hiệu, uy tín của Hệ thống chứng chỉ rừng Việt Nam, để ngày càng có nhiều thị trường, doanh nghiệp, chủ rừng lựa chọn, tin dùng thương hiệu chứng chỉ rừng VFCS/PEFC. 
Là đơn vị tiếp nhận, ông Võ Đại Hải, Giám đốc Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam thông tin, ngay từ khi có chủ trương xây dựng VFCS vào năm 2015, Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam đã hợp tác chặt chẽ với Tổng cục Lâm nghiệp và Tổ chức Chứng nhận Quốc tế PEFC để xây dựng: Đề án Quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng; tiêu chuẩn quản lý rừng bền vững; tiêu chuẩn về chuỗi hành trình sản phẩm lâm sản và các hướng dẫn tổ chức thực hiện chứng chỉ rừng. 
Ngay sau khi Văn phòng chứng chỉ Quản lý rừng bền vững được thành lập và đi vào hoạt động (năm 2019), Viện tiếp tục hỗ trợ cán bộ và có các đóng góp quan trọng trong vận hành Văn phòng Chứng chỉ rừng quản lý rừng bền vững. 
Trong thời gian tới, sẽ có những khó khăn nhất định trong vận hành Văn phòng Chứng chỉ rừng, tuy nhiên với sự hỗ trợ hiệu quả của Tổng cục Lâm nghiệp; các địa phương, các hội, hiệp hội, doanh nghiệp... Văn phòng Chứng chỉ quản lý rừng bền vững sẽ tiếp tục phát huy những kết quả đạt được trong thời gian qua và thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao.

Đặc biệt là thực hiện tốt các mục tiêu quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng đề ra trong Chiến lược phát triển Lâm nghiệp giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và nâng cao thương hiệu chứng chỉ rừng Việt Nam trên thị trường khu vực và quốc tế, ông Võ Đại Hải cho hay. 
Đến nay, có nhiều mô hình liên kết quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ rừng đạt hiệu quả cao được nhân rộng trên phạm vi cả nước, nhằm tổ chức tốt các hoạt động sản xuất, kinh doanh rừng theo chuỗi, nâng cao giá trị gia tăng trong sản xuất lâm nghiệp gắn với quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ rừng.

Cùng với đó, VFCS đã hỗ trợ một số đơn vị thuộc Tập đoàn công nghiệp cao su Việt Nam xây dựng mô hình quản lý rừng bền vững cho trên 300 nghìn ha rừng cây cao su.