Quảng Ninh nâng cao diện tích rừng phòng hộ, rừng đặc dụng

Quảng Ninh là tỉnh có địa hình bị chia cắt, đất đồi núi có độ dốc lớn, bờ biển kéo dài, thường xuyên chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu. Vài năm trở lại đây, hoạt động du lịch phát triển và sản xuất công nghiệp gia tăng cũng đã tác động không nhỏ tới ô nhiễm môi trường. Do đó, việc duy trì và nâng cao diện tích rừng phòng hộ, rừng đặc dụng đóng vai trò hết sức quan trọng.

Theo kết quả theo dõi diễn biến rừng và đất quy hoạch phát triển rừng tỉnh Quảng Ninh năm 2021 thì tổng diện tích rừng và đất rừng được quy hoạch để phát triển rừng phòng hộ, đặc dụng toàn tỉnh là trên 163.000ha (chiếm 37,5% tổng diện tích rừng và đất lâm nghiệp toàn tỉnh).

Trong đó, diện tích đất trống núi đất, đất trống ngập mặn quy hoạch phát triển rừng đặc dụng, rừng phòng hộ trên địa bàn tỉnh còn rất lớn, lên tới gần 18.000ha (chiếm khoảng 10,9% tổng diện tích đất quy hoạch) để phát triển rừng phòng hộ, đặc dụng toàn tỉnh.

rung-1669114896.jpg
Việc duy trì và nâng cao diện tích rừng phòng hộ, rừng đặc dụng đóng vai trò rất quan trọng trong công tác phòng hộ môi trường, bảo tồn các nguồn gen quý và đa dạng sinh học. (Ảnh: halongtourism)

Được biết, phần lớn diện tích đất trống này hiện thuộc quản lý của chủ rừng là các Ban Quản lý (BQL) rừng phòng hộ, BQL rừng đặc dụng và các công ty lâm nghiệp. Ngoài ra, cũng còn một phần diện tích do UBND các xã đồng quản lý nhưng chiếm tỷ lệ không đáng kể.

Theo kết quả điều tra, khảo sát cho thấy, tổng diện tích đất trống núi đất, đất trống ngập mặn sau rà soát có khả năng trồng rừng dự kiến có thể triển khai trong giai đoạn 2023-2025 là gần 1.860ha, trong đó bao gồm trên 934ha đất trống đã có dự án đầu tư nhưng không thành rừng và gần 921ha đất trống chưa có dự án đầu tư. Loại cây trồng phù hợp là thông mã vĩ, thông caribe, sồi phảng, giổi xanh và lim xanh.

Sau khi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Quảng Ninh trao đổi, làm việc, các chủ rừng đều thống nhất năm 2023 sẽ tiến hành trồng toàn bộ trên 934ha đất trống đã có dự án đầu tư nhưng không thành rừng; năm 2024 sẽ tiến hành trồng khoảng 567ha đất trống đã có dự án đầu tư nhưng không thành rừng; năm 2025 sẽ tiến hành trồng khoảng 367ha còn lại của diện tích đất trống đã có dự án đầu tư nhưng không thành rừng. Tổng nhu cầu kinh phí thực hiện trồng, chăm sóc, bảo vệ diện tích rừng nói trên dự kiến khoảng 258 tỷ đồng.

ThS.Lê Văn Quang, Trung tâm Nghiên cứu và Chuyển giao kỹ thuật lâm sinh cho rằng, để triển khai có hiệu quả đề án trồng rừng trên những diện tích đất trống, nhất là với trên 934ha đất trống đã có dự án đầu tư nhưng không thành rừng thì Sở NN&PTNT và các cơ quan chức năng cần sớm có những giải pháp tháo gỡ để chủ rừng nhanh chóng hoàn thiện hồ sơ thanh lý. Bởi theo quy định thì diện tích này cần hoàn tất các thủ tục về hồ sơ pháp lý trình cơ quan có thẩm quyền xin thanh lý sau đó mới có thể trồng lại rừng.

Theo ông Quang, đây là một vấn đề rất khó khăn nếu để các chủ rừng tự triển khai, phần diện tích đất trống đưa vào kế hoạch trồng rừng chủ yếu phân bố ở vị trí xa, manh mún, điều kiện lập địa khó khăn, một số diện tích gần khu vực chăn thả gia súc của người dân nên công tác bảo vệ rừng cần được đặc biệt chú trọng.

Hoàng Hà (t/h)