Năm 2022, Bạc Liêu thực hiện 5 trụ cột phát triển kinh tế - xã hội

Năm 2022, Bạc Liêu phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế từ 9 – 10%; GRDP bình quân đầu người đạt 65,72 triệu đồng/người/năm; tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 34.940 tỷ đồng; tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn (thu nội địa): 3.263 tỷ đồng; kim ngạch xuất khẩu hàng hóa trên địa bàn đạt 920 triệu USD...

Để đạt được điều này, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều cho biết, địa phương tiếp tục đẩy mạnh thực hiện 5 trụ cột phát triển kinh tế - xã hội và 3 đột phá theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh; đồng thời, cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo trọng tâm là phát triển chuỗi giá trị ngành tôm; tiếp tục thực hiện có hiệu quả đề án “Xây dựng Bạc Liêu trở thành trung tâm ngành công nghiệp tôm cả nước".

Cụ thể, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn; đẩy mạnh sản xuất gắn với chế biến, bảo quản và tiêu thụ nông sản; tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị với các sản phẩm chủ lực, nâng cao khả năng cạnh tranh; tạo điều kiện thuận lợi để thu hút các công ty, doanh nghiệp triển khai dự án đầu tư vào Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu; nhân rộng mô hình tổ chức sản xuất và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị khép kín của Công ty TNHH Việt Úc – Bạc Liêu; xây dựng và thực hiện chuỗi sản xuất tôm đạt chuẩn an toàn dịch bệnh, để xuất khẩu nguyên con sang thị trường Australia và các thị trường khác.

tom-the-chan-trang-1641881255.jpeg
Ảnh minh hoạ

 

Đồng thời, tỉnh tiếp tục thực hiện phát triển kinh tế biển, nhằm hiện thực hóa “trụ cột thứ 5” về phát triển kinh tế biển; đẩy mạnh thực hiện chính sách phát triển thủy sản; triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình khai thác hải sản trong Chiến lược phát triển kinh tế biển; các giải pháp chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định.

Cùng đó, tỉnh đẩy mạnh phát triển công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp, từng bước xây dựng tỉnh Bạc Liêu trở thành một trong những trung tâm năng lượng sạch của Quốc gia; đồng thời, duy trì hoạt động ổn định 8 nhà máy điện gió với tổng công suất 469,2 MW; tạo điều kiện cho nhà đầu tư tiếp tục thực hiện và hoàn thành 2 dự án Điện gió Bạc Liêu giai đoạn III, Đông Hải 2 với tổng công suất 192 MW.

Tỉnh tiếp tục phối hợp với nhà đầu tư và ngành điện đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các công trình đường dây và trạm biến áp 110 Kv, 220 kV theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh, phục vụ giải tỏa công suất các nhà máy điện gió; tích cực phối hợp hỗ trợ hoàn thiện thủ tục đầu tư dự án Nhà máy điện khí LNG Bạc Liêu 3.200 MW, phấn đấu khởi công vào năm 2022.

Bạc Liêu chủ động hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng các phương án duy trì sản xuất, kinh doanh, nhất là doanh nghệp chế biến xuất khẩu; thực hiện tốt quy định về giảm giá điện, giảm tiền diện cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19; quan tâm hỗ trợ phát triển sản xuất, để tạo ra nguồn hàng ổn định, đảm bảo chất lượng, đáp ứng đủ nguồn nguyên liệu cho chế biến xuất khẩu; tạo điều kiện thuận lợi giúp Công ty Cổ phần Việt – Úc sớm hoàn thành và đưa vào hoạt động dự án nhà máy chế biến thủy sản vào tháng 6/2022.

Cùng với việc tăng cường xúc tiến thương mại, tỉnh cung cấp thông tin kịp thời tình hình xuất khẩu hàng hóa nông, thủy sản; tổ chức tập huấn phổ biến kiến thức về Hội nhập kinh tế quốc tế, đặc biệt là Hiệp định thương mại tự do (EVFTA). Đồng thời, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư chế biến xuất khẩu tìm kiếm mở rộng thị trường, đa dạng hóa đối tác, nguồn hàng, hạn chế sự phụ thuộc vào một số thị trường và đổi mới trang thiết bị nâng cao năng suất; xây dựng chính sách hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu nông, lâm, thủy sản trong việc xác lập, bảo hộ quyền sở hữu trí tuê của doanh nghiệp tại các thị trường xuất khẩu; hướng dẫn doanh nghiệp xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu sản phẩm, đặc biệt là xây dựng thương hiệu “Tôm Bạc Liêu”.

Bên cạnh đó, tỉnh tiếp tục có ý kiến với Tổng Công ty Lương thực Miền Nam và Tập Đoàn Lộc trời tạo điều kiện cho Công ty Cổ phần Lương thực Bạc Liêu và Công ty TNHH MTV Lương thực Vĩnh Lộc được xuất khẩu gạo trực tiếp nhằm mang lại giá trị kim ngạch.

Đặc biệt, tỉnh tiếp tục giảm lãi suất cho vay, giảm phí theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nhằm tiếp sức cho nền kinh tế; đơn giản hóa quy trình thủ tục, tạo điều kiện cho khách hàng vay mới nhưng không hạ chuẩn cho vay, đảm bảo chất lượng, an toàn tín dụng, duy trì hoạt động lành mạnh của hệ thống ngân hàng. Đồng thời, kịp thời xử lý khó khăn, vướng mắc liên quan đến cơ chế, chính sách nhằm hỗ trợ đối tượng chịu tác động của dịch COVID-19 và tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng phục vụ sản xuất, kinh doanh.

Cũng theo Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, tỉnh tiếp tục tập trung tháo gỡ các vướng mắc trong đầu tư, nhất là giải phóng mặt bằng; khẩn trương, quyết liệt, hiệu quả trong chuẩn đầu tư, phân bổ và đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư.

Tỉnh yêu cầu các chủ đầu tư phải theo dõi sát tình hình triển khai thực hiện dự án, phản ánh kịp thời những khó khăn, vướng mắc để xử lý, tháo gỡ nhằm đẩy nhanh tiến độ công trình trọng điểm như: Dự án đầu tư tuyến đường liên kết vùng đồng bằng sông Cửu Long tuyến đường ĐT 980 Gành Hào – Giá Rai – Phó Sinh – Cạnh Đền nối với đường Hồ Chí Minh đoạn Phó sinh – Cạnh Đền; Dự án đầu tư xây dựng, nâng cấp tuyến đường Ninh Quới – Ngan Dừa huyện Hồng Dân; Dự án xây dựng tuyến đường từ thị trấn Phước Long, huyện Phước Long đến Ba Đình, huyện Hồng Dân; Dự án đầu tư xây dựng kè chống ngập dọc theo Quốc lộ 1A qua địa bàn tỉnh Bạc Liêu (qua huyện Hòa Bình và thị xã Giá Rai); xây dựng triển khai đề án đô thị thông minh...

Năm 2021, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 và các biện pháp giãn cách xã hội đã tác động tiêu cực đến kinh tế địa phương những tốc độ tăng trưởng kinh tế của Bạc Liệu vẫn đạt mức 5,05%. Con số này đứng thứ nhất vùng đồng bằng sông Cửu Long và xếp thứ 30/63 cả nước, cao hơn nhiều so với mức tăng trưởng chung cả nước là 2,58%.

Tổng sản phẩm GRDP bình quân của tỉnh đạt 58,67 triệu đồng/người/năm. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội 31.866,82 tỷ đồng, tăng 15,7% so năm trước; thu ngân sách nhà nước (thu nội địa) đạt 3.450 tỷ đồng.../.