* Tăng trưởng kinh tế cao
Trong điều kiện bị kiểm soát nghiêm ngặt các hoạt động đi lại của nhiều tỉnh, thành nhưng xuất khẩu hàng hóa 9 tháng vẫn tăng so với cùng kỳ; trong đó, thủy sản xuất khẩu tăng 3,65%, đưa tổng kim ngạch xuất khẩu 9 tháng ước đạt hơn 540 triệu USD, đạt hơn 60% kế hoạch năm. Chỉ số phát triển công nghiệp tăng gần 10%; sản lượng thủy sản tăng 5,64%; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng 9,45%; thu ngân sách tăng hơn 5,5%; tổng vốn đầu tư toàn xã hơn tăng gần 30%. Các chính sách an sinh xã hội cho gia đình chính sách, hộ nghèo, hộ cận nghèo được thực hiện kịp thời, nhất là các đối tượng gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, để không một ai bị bỏ lại phía sau.
Ở những thời điểm dịch diễn biến phức tạp nhất, các dự án động lực của tỉnh, nhất là các dự án điện gió vẫn đảm bảo được hoạt động. Đó là yếu tố quan trọng góp phần cho kinh tế của tỉnh tiếp tục phát triển như: dự án nhà máy điện gió Đông Hải I; dự án nhà máy điện gió Hòa Bình I đều đã hoàn thành và đi vào hoạt động.
Các dự án điện gió Kosy Bạc Liêu, dự án điện gió Hòa Bình 5 vẫn đảm bảo tiến độ và cam kết đóng điện trước 30/11 tới. Đây là những dự án có vốn đầu tư lên đến cả chục nghìn tỷ đồng, góp phần rất lớn vào tổng nguồn vốn đầu tư toàn xã xã hội của tỉnh.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bạc Liêu Lưu Hoàng Ly cho biết, trong đợt dịch vừa qua, lĩnh vực nông nghiệp chịu tác động không nhỏ, khi chi phí các mặc hàng đầu vào đều tăng trong khi sản phẩm làm ra rớt giá do khó khăn trong việc tiêu thụ, như: tôm càng xanh, nhãn, các loại rau màu, lúa... nhưng nhiều giải pháp khắc phục đã được đưa ra thực hiện, cùng với sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành những khó khăn trong việc tiêu thụ hàng hóa nông sản dần được tháo gỡ. Nông nghiệp vẫn là trụ đỡ quan trọng của nền kinh tế tỉnh.
Theo ông Nguyễn Văn Thới, Chủ tịch UBND huyện Hồng Dân, mặc dù, có những thời điểm, địa phương dồn toàn lực cho công tác phòng, chống dịch nhưng vẫn chủ động để kinh tế phát triển trong điều kiện cho phép. Nhờ vậy, phần lớn các chỉ tiêu lớn của các huyện, thị xã, thành phố đều đạt từ 70% trở lên. Một số chỉ tiêu của năm đến thời điểm này đã đạt 100%. Các chỉ tiêu đạt thấp cũng đã có kế hoạch, giải pháp thực hiện.
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều cho rằng, bên cạnh những kết quả đạt được thì cũng còn không ít khó khăn, vướng mắc, những yếu kém tồn tại, cần sớm có giải pháp tháo gỡ kịp thời: giải ngân vốn đầu tư công mới đạt hơn 30%; ngành du lịch Bạc Liêu đang gặp nhiều khó khăn, nhiều doanh nghiệp lâm vào tình trạng hoạt động cầm chừng.
Việc vận chuyển, tiêu thụ hàng nông sản vẫn còn khó khăn; tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế toàn dân giảm; công tác quản lý nhà nước về đất đai, nhất là đất công còn nhiều hạn chế; nhiều dự án vướng giải phóng mặt bằng làm chậm tiến độ...
* Thúc đẩy giải ngân đầu tư công
Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều khẳng định, để hoàn thành mục tiêu kép, tỉnh triển khai nhiều giải pháp, trong đó tỉnh giải ngân nguồn vốn ngân sách đạt được 90%. Đồng thời, rà soát tiến độ giải ngân đối với từng dự án, kiên quyết điều chuyển kế hoạch vốn từ các dự án chậm giải ngân, không hiệu quả sang cho các dự án có khả năng giải ngân cao. Bên cạnh đó, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện, sớm hoàn thành các công trình, nhất là các công trình trọng điểm của tỉnh; kiểm soát chặt chẽ giá, chất lượng nguyên vật liệu xây dựng, phục vụ cho các dự án đầu tư công.
Tỉnh quản lý chặt chẽ việc chi ngân sách; triệt để tiết kiệm chi thường xuyên, ưu tiên bố trí nguồn chi ngân sách cho phòng, chống dịch và các nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, đột xuất khác
Cùng với đó, Bạc Liêu tiếp tục triển khai các giải pháp về phát triển doanh nghiệp, hợp tác xã, đặc biệt là thực hiện kịp thời các cơ chế, chính sách hỗ trợ; đồng thời, tích cực đối thoại với doanh nghiệp, người dân, đề xuất cấp có thẩm quyền tháo gỡ ngay các vướng mắc về thể chế, cơ chế, chính sách theo tinh thần Nghị quyết số 45/NQ-CP năm 2021 của Chính phủ; xây dựng kế hoạch, chương trình thúc đẩy phát triển, phục hồi sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp để chủ động triển khai ngay sau khi dịch COVID-19 cơ bản được kiểm soát.
UBND tỉnh Bạc Liêu đã chủ động xây dựng các phương án trong sản xuất - kinh doanh, tránh tình trạng ứ đọng hàng hóa cục bộ, bảo đảm tiêu thụ, xuất khẩu nông sản - thủy sản thông suốt trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp.
Ông Phạm Văn Thiều nhấn mạnh, tỉnh khuyến khích và tạo điều kiện phát triển mạng lưới lưu thông phân phối và bán lẻ hàng hóa trên địa bàn tỉnh; đồng thời, lực lượng Quản lý thị trường tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các đơn vị có liên quan thực hiện tốt thanh tra, kiểm tra chuyên ngành, đấu tranh, ngăn chặn các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất - kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng hóa vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm.
Ngoài ra, tỉnh đã yêu cầu Cục Thuế tỉnh triển khai Nghị định về gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất cho đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19; miễn, giảm thuế, phí, lệ phí để tháo gỡ khó khăn cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch. Ngoài ra, đẩy mạnh việc giải quyết hoàn thuế theo quy định nhằm tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp; hỗ trợ doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng bởi dịch về cơ cấu nợ, miễn giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ, cho vay mới, xử lý nợ xấu theo chỉ đạo của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước…
Với tinh thần tuyệt đối không lơ là, chủ quan, mất cảnh giác, Bạc Liêu đã thực hiện tốt việc phòng chống dịch COVID-19. Tỉnh nhất quán quan điểm, vừa sẵn sàng chống dịch, giữ vững địa bàn an toàn, bảo vệ sức khỏe nhân dân, vừa tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh phát triển. Đây là thành quả và nền tảng quan trọng để tỉnh vượt qua khó khăn, từng bước “bình thường mới” cuộc sống và phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu về kinh tế-xã hội trong năm 2021.