Mỹ "thua" châu Âu trong sản xuất thực phẩm hữu cơ

Không giống như Mỹ, châu Âu đang đặt ra các mục tiêu đầy tham vọng để sản xuất nhiều thực phẩm hữu cơ hơn.

Các cuộc khảo sát gần đây cho thấy đa số người Mỹ lo ngại về tác động của biến đổi khí hậu cũng như các thực phẩm có chứa thuốc trừ sâu và sẵn sàng thay đổi lối sống để giải quyết vấn đề. 

Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng kêu gọi toàn bộ chính phủ ứng phó với biến đổi khí hậu bằng những giải pháp trong mọi lĩnh vực của kinh tế Mỹ, trong đó bao gồm cả nông nghiệp, vốn phát thải tương đương hơn 600 triệu tấn CO2 mỗi năm - nhiều hơn tổng lượng khí thải của Anh, Australia (Ôx-trây-li-a), Pháp hay Italy (I-ta-li-a) cộng lại.
Một giải pháp để giải quyết tất cả những vấn đề trên là mở rộng sản xuất nông nghiệp hữu cơ, vốn tạo ra lượng khí thải ít hơn so với hoạt động canh tác thông thường và không sử dụng thuốc trừ sâu. Tuy nhiên, Mỹ hiện không xây dựng các tiêu chuẩn cao cho kế hoạch phát triển sản xuất thực phẩm hữu cơ. Trong khi đó, phía bên kia Đại Tây Dương, châu Âu có một chiến lược tập trung và quyết liệt hơn nhiều.

anh-chup-man-hinh-2021-11-03-luc-223547-1635953756.png
Các quốc gia tại châu Âu đẩy mạnh sản xuất thực phẩm hữu cơ

Được thông qua vào năm 2020, chiến lược Farm to Fork của Liên minh châu Âu (EU), thường được coi là “trái tim” của Thỏa thuận Xanh châu Âu, đặt ra các mục tiêu đầy tham vọng: đến năm 2030 cắt giảm 50% lượng khí thải nhà kính của lĩnh vực nông nghiệp, 50% lượng sử dụng thuốc trừ sâu và 20% lượng sử dụng phân bón.
Với đánh giá sản xuất nông nghiệp hữu cơ có thể đóng góp quan trọng cho những mục tiêu trên, Farm to Fork kêu gọi tăng tỷ lệ đất nông nghiệp canh tác hữu cơ tại EU từ 8,1% lên 25% vào năm 2030. Nghị viện châu Âu cũng đã thông qua một kế hoạch chi tiết để đạt được mục tiêu này.
Mặc dù hiện nay Mỹ là thị trường nông nghiệp hữu cơ lớn nhất thế giới, với doanh thu 51 tỷ USD vào năm 2019, song EU cũng không kém xa, với doanh thu 46 tỷ USD và nếu đạt được các mục tiêu từ Farm to Fork, liên minh này có khả năng trở thành “nhà lãnh đạo” toàn cầu về nông nghiệp hữu cơ.
Tham vọng của EU được thể hiện trong các chính sách lương thực của từng quốc gia. Ví dụ, ở Copenhagen (Đan Mạch), 88% thành phần trong bữa ăn được phục vụ tại 1.000 trường công lập của thành phố là sản phẩm hữu cơ. Tương tự, tại Italy (I-ta-li-a), bữa ăn của học sinh tại hơn 13.000 trường học trên toàn quốc có chứa các thành phần hữu cơ.
Ngược lại với EU, Mỹ không có kế hoạch ở cấp quốc gia về việc mở rộng sản xuất hữu cơ, hay thậm chí có kế hoạch lập kế hoạch. Tại Mỹ, chưa đầy 1% diện tích đất nông nghiệp, tương đương khoảng 2,3 triệu ha được canh tác theo tiêu chuẩn hữu cơ quốc gia, thấp hơn nhiều so với diện tích 14,6 triệu ha tại EU. Do đó, phần lớn thực phẩm hữu cơ tiêu thụ tại Hoa Kỳ được nhập khẩu từ gần 45.000 cơ sở kinh doanh nước ngoài. 
Tổng thống Biden đã kêu gọi chiến lược “Mua hàng Mỹ” để thúc đẩy nền kinh tế nội địa, nhưng ngày nay người tiêu dùng đang chi tiền cho hàng nhập khẩu hữu cơ mà không thu được lợi ích kinh tế hay môi trường. Các chuyên gia nhận mạnh nếu Mỹ mở rộng diện tích đất canh tác hữu cơ, chất lượng đất và nước sẽ được cải thiện, đồng thời giúp tạo thêm việc làm ở các vùng nông thôn./.