Mỹ tăng nhập khẩu chip từ Việt Nam và các quốc gia châu Á mới nổi

Theo số liệu của Tổng cục thống kê Mỹ, lượng nhập khẩu chip của Mỹ đã tăng 17% trong tháng 2 so với cùng kỳ năm ngoái lên 4,86 ​​tỷ USD và lượng nhập khẩu chip từ châu Á chiếm 83% trong tổng số đó. Việc đa dạng hóa thị trường cung ứng chip để tránh sự phụ thuộc vào Trung Quốc.

Cụ thể, số lượng chip Ấn Độ giao cho Mỹ trong tháng 2 đã tăng gấp 34 lần cùng kỳ, lên mức 151,8 triệu USD; trong khi đó Campuchia cũng ghi nhận mức tăng khủng tới 697,9%, đạt 166,3 triệu USD (chỉ kém Nhật Bản một chút). Đây là kỷ lục chưa từng có trong những năm gần đây.

Được biết, Việt Nam và Thái Lan là cả hai nước đều có thị trường sản xuất chip lớn đã tăng giao dịch thương mại với Mỹ trong lĩnh vực này, lần lượt có mức tăng trưởng đạt 75% và 62%. Trong đó, Việt Nam cung cấp 11,6% lượng chip nhập khẩu vào Mỹ trong tháng 2. Việt Nam cũng là nước chiếm hơn 10% lượng chip nhập khẩu của Mỹ trong 7 tháng liên tiếp. Còn Malaysia, vốn có truyền thống về sản xuất chip, vẫn là nước châu Á xuất khẩu chip vào Mỹ nhiều nhất, nhưng thị phần của nước này đã giảm xuống 20% trong tháng 2.

Theo các chuyên gia, nguyên nhân của sự chuyển dịch này là do chính quyền Mỹ đang ngày càng lo ngại việc phải phụ thuộc quá nhiều vào một số nhà cung cấp truyền thống như Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc để sản xuất những con chip hiện đại nhất.

“Sự phụ thuộc của chúng ta vào chip các nước khác là không an toàn vì chúng ta không thể kiểm soát được. Chip là một linh kiện quan trọng có trong mọi thứ, từ máy tính, smartphone đến thiết bị gia dụng và Mỹ lại đang quá phụ thuộc vào nguồn cung từ Trung Quốc. Những căng thẳng gần đây trong mối quan hệ giữa 2 nước đã buộc mỗi quốc gia phải suy nghĩ lại về chiến lược cung cấp của mình về vấn đề chip", Bộ trưởng Thương mại Mỹ thông tin.

europe-chip-manufacturing-featured-image-1200x0-c-default-832-1680836737.jpeg

Ảnh minh hoạ.

Những số liệu mới công bố đang cho thấy, Mỹ đã đẩy nhanh quá trình đa dạng hóa chuỗi cung ứng thiết bị điện tử, thông qua việc dịch chuyển các nhà máy sản xuất từ các thị trường truyền thống sang các thị trường mới nổi. Đây cũng là giải pháp để xử lý vấn đề khan hiếm chip tại Mỹ, vốn là một trong những nguyên nhân khiến giá cả một số mặt hàng liên quan tăng cao hiện nay.

Số liệu tháng 2 cho thấy Mỹ đang nỗ lực đa dạng hóa chuỗi cung ứng điện tử của mình, điển hình như việc Apple chuyển dần sản xuất iPhone ra khỏi Trung Quốc và rời sang Ấn Độ. Số lượng iPhone sản xuất tại Ấn Độ đã tăng 65% so với cùng kỳ năm 2021 và giá trị cũng tăng đến 162%. Trong năm 2022, Apple chiếm 25% giá trị trong tổng số lô hàng smartphone được giao của Ấn Độ, tăng lên gấp đôi so với năm 2021 (12%).

Trung Quốc sản xuất tới 85% iPhone trên toàn cầu, nhưng có nguy cơ mất vị thế thống trị khi Apple thực hiện các bước để chuyển dịch chuỗi sản xuất ra bên ngoài đất nước này.

Trong gần 6 tháng qua, Chính phủ Mỹ đã vận động các đồng minh của mình, bao gồm cả Nhật Bản để đưa ra các chính sách nhằm hạn chế việc chuyển giao các công nghệ tiên tiến liên quan đến việc sản xuất chip bán dẫn sang Trung Quốc.

Trước các nỗ lực của Mỹ, mới đây Bộ trưởng Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản Yasutoshi Nishimura đã đưa ra tuyên bố rằng, chính quyền Tokyo sẽ mở rộng các hạn chế đối với việc xuất khẩu 23 loại công nghệ sản xuất chip hàng đầu sang Trung Quốc./.

Hiện nay, Nhật Bản và Hà Lan là nơi đặt trụ sở chính của một số nhà sản xuất thiết bị chip bán dẫn lớn nhất thế giới. Mỹ đã cố gắng tập hợp các đồng minh cùng nhau áp dụng các biện pháp cấm xuất khẩu bởi vì các chuyên gia cho rằng các biện pháp kiểm soát xuất khẩu do Mỹ thúc đẩy chỉ có thể phát huy hiệu một cách hiệu quả nếu các quốc gia khác trong chuỗi cung ứng cũng làm như vậy.

Thi Nguyên (t/h)