Mức xử phạt nồng độ cồn đối với người vi phạm thế nào?

Vi phạm nồng độ cồn khi tham gia giao thông bị xử lý như thế nào? Mức phạt ra sao đang là vấn đề nóng được nhiều người quan tâm.
xu-ly-vi-pham-nong-do-con-1697381412.jpg
Mức xử lý vi phạm nồng độ cồn đối với lái xe đang là vấn đề được dư luận quan tâm - Ảnh minh họa.

Theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP, sửa đổi tại Nghị định 123/2021/NĐ-CP, vi phạm nồng độ cồn, lái xe có thể bị phạt đến 40 triệu đồng và tước giấy phép lái xe 24 tháng nếu điều khiển xe mà nồng độ cồn vượt 0,4 miligam/1 lít khí thở.

Tính đến hết tháng 9/2023, lực lượng Cảnh sát giao thông cả nước đã xử lý hơn 500.000 trường hợp người điều khiển phương tiện tham gia giao thông vi phạm nồng độ cồn. Tính từ ngày 30/8 đến 5/10, các tổ công tác thuộc Cục Cảnh sát giao thông tại 45 tỉnh, thành phố đã phát hiện hàng nghìn trường hợp người điều khiển phương tiện giao thông vi phạm nồng độ cồn.

Các tổ công tác đã trực tiếp kiểm soát 150.763 phương tiện, phát hiện và bàn giao công an địa phương xử lý 5.284 trường hợp vi phạm. Trong đó liên quan đến nồng độ cồn có 5.053 trường hợp, 44 tài xế không chấp hành yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn.

Vậy mức xử phạt vi phạm nồng độ cồn đối với người điều khiển ô tô, xe máy được quy định như thế nào?

Mức phạt vi phạm nồng độ cồn được quy định tại Nghị định số 100/2019/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt (sửa đổi tại Nghị định số 123/2021/NĐ-CP). Theo đó, mức xử phạt nồng độ cồn đối với xe máy và xe ô tô sẽ tùy thuộc vào nồng độ cồn được đo trên 100 mili lít máu hoặc 1 lít khí thở.

Đối với người điều khiển xe đạp, xe đạp điện, xe máy điện

Đối với người điều khiển xe đạp, xe đạp điện, xe máy điện khi vi phạm nồng độ cồn, bị phạt tiền từ 400.000 - 600.000 đồng khi trong máu, trong hơi thở có chứa nồng độ cồn vượt quá mức 80mg/100ml máu hay vượt quá 0,4mg/lít khí thở

Đối với người điều khiển xe máy

Tại Điều 6 Nghị định số 100/2019/NĐ-CP (sửa đổi tại Nghị định 123/2021/NĐ-CP) đã quy định rõ 3 mức phạt đối với người điều khiển xe máy vi phạm nồng độ cồn như sau:

- Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối nếu trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn nhưng chưa vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở.

Hình phạt bổ sung: Tước giấy phép lái xe từ 10 tháng đến 12 tháng.

- Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng nếu trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở.

Hình phạt bổ sung: Tước giấy phép lái xe từ 16 tháng đến 18 tháng.

- Phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối nếu trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở

Hình phạt bổ sung: Tước giấy phép lái xe từ 22 tháng đến 24 tháng.

Đối với người điều khiển xe ô tô

Tại Điều 5 Nghị định số 100/2019/NĐ-CP (sửa đổi tại Nghị định 123/2021/NĐ-CP) đã quy định rõ 3 mức phạt đối với người điều khiển xe ô tô vi phạm nồng độ cồn như sau:

- Phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với nếu trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn nhưng chưa vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở.

Hình phạt bổ sung: Tước giấy phép lái xe từ 10 tháng đến 12 tháng.

- Phạt tiền từ 16.000.000 đồng đến 18.000.000 đồng nếu trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở.

Hình phạt bổ sung: Tước giấy phép lái xe từ 16 tháng đến 18 tháng.

- Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng nếu trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở.

Hình phạt bổ sung: Tước giấy phép lái xe từ 22 tháng đến 24 tháng.

Hà Khải