Không uống rượu bia nhưng khi bị kiểm tra có nồng độ cồn thì có bị xử phạt không?

Thời gian gần đây, giới tài xế đang rất quan tâm vấn đề kiểm tra nồng độ cồn. Đặc biệt gần đây, lực lượng CSGT toàn quốc quyết liệt xử lý nồng độ cồn, khiến các tài xế đã uống rượu bia là không dám cầm lái, bởi ai cũng lo bị xử phạt mức cao, tước bằng lái, giữ xe... Bài viết dưới đây sẽ giúp độc giả biết nồng độ cồn trong hơi thở bao nhiêu khiến lái xe bị xử phạt.

Quy định về định lượng cồn trong máu của tài xế:

Tại Quyết định số 320/QĐ-BYT ngày 23/1/2014 của Bộ trưởng Bộ Y tế có quy định về định lượng Ethanol (định lượng nồng độ cồn) trong máu. Tại điểm IV "nhận định kết quả" có ghi: Trị số bình thường: < 10,9 mmol/l (tương đương 50 mg/100 ml); Ethanol từ 10,9 - 21,7 mmol/l: Biểu hiện đỏ mặt, nôn mửa, phản xạ chậm chạp, giảm nhạy bén; từ 21,7 mmol/l: Biểu hiện ức chế thần kinh trung ương; từ 86,8 mmol/l: Có thể gây nguy hại cho tính mạng.

Mức <10,9 mmol/l là biểu thị kết quả có nồng độ cồn trong máu nhưng ở mức nhỏ hơn 10,9 mmol/l (tương đương 50 ml/100 ml máu), không đồng nghĩa với cách hiểu "cho phép trong máu có cồn dưới 0.5023 mg/ml máu" hay "coi đó là cồn tự nhiên trong cơ thể".

ndc-1676962449.jpg
Trường hợp lái xe có trị số nồng độ cồn trong máu <10,9 mmol/l là có nồng độ cồn trong máu và bị áp dụng xử phạt theo quy định.

Do đó, theo đại diện Vụ Pháp chế (Bộ Y tế), trường hợp lái xe có trị số nồng độ cồn trong máu <10,9 mmol/l là có nồng độ cồn trong máu và áp dụng theo quy định tại Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia năm 2019 và Nghị định 100/2019/NĐ-CP để xem xét, giải quyết.

Theo Quy định tại Điều 6 của Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định rõ 3 mức xử phạt như sau:

Mức 1: Phạt tiền từ 2-3 triệu đồng đối với người điều khiển mô tô, xe máy trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn nhưng chưa vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở. Đồng thời, tước GPLX từ 10-12 tháng.

Mức 2: Phạt tiền từ 4-5 triệu đồng đối với người điều khiển mô tô, xe máy trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở. Đồng thời, tước GPLX từ 16-18 tháng.

Mức 3: Phạt tiền từ 6-8 triệu đồng đối với người điều khiển mô tô, xe máy trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở. Đồng thời, tước GPLX từ 22-24 tháng.

Ngoài ra, nếu người điều khiển phương tiện không chấp hành yêu cầu kiểm tra về nồng độ cồn của người thi hành công vụ thì bị phạt tiền ở mức “kịch khung”, tức là phạt tiền đến 8 triệu, tước GPLX đến 24 tháng.

Khánh Ngân