Mưa kéo dài, giá các loại rau xanh tăng mạnh tại Vĩnh Phúc

Từ giữa tháng 10/2021 đến nay, giá các loại rau (gồm rau ăn lá và ăn quả) ở nhiều chợ lớn, nhỏ trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc tăng cao gấp 2-3 lần, khiến người tiêu dùng than phiền vì chi phí sinh hoạt, mua sắm phục vụ nhu cầu thiết yếu của gia đình tăng lên quá cao.

Chị Trần Thị T. ở phường Khai Quang, thành phố Vĩnh Yên, cho hay, mua rau cho gia đình ăn hàng ngày, nhất là gia đình đông người giờ đây cũng  phải tính để tiết kiệm, chi phí hợp lý. Các loại cải ngồng, cải ngọt, cải chíp tháng 9 và đầu tháng 10/2021 được bán lẻ ở tại một số điểm chợ thành phố Vĩnh Yên phổ biến 12.000 đồng/kg thì hiện tại được bán lẻ giá gần 30.000 đồng/kg, rau bán giá này ngang bằng so với mỗi kg lợn hơi lúc rẻ nhất vào giữa tháng 10.

Dưa leo ở nhiều hàng rau trên địa bàn thành phố hiện nay cũng ở mức  20.000 đến 25,000 đồng/kg, tăng hơn 2 lần so với cách đây khoảng 2 tuần. Tương tự, rau mùng tơi ở chợ Vĩnh Yên từ 2.000 đồng/mớ tăng lên 8.000-10.000 đồng/mớ; rau muống từ 2.000 đồng/mớ tăng lên 6.000 đồng/mớ; bắp cải từ 7.000-10.000 đồng /kg tăng lên 14.000- 18.000 đồng/kg…

Tuy giá rau xanh tăng cao nhưng các loại củ, quả mang tính gia vị của bữa ăn như hành, tỏi, gừng, ớt… tương đối ổn định về giá cả, mức tăng nhẹ từ 2.000 - 3.000 đồng/kg. Đây là những mặt hàng để được lâu, dể bảo quản, dễ  vận chuyển.

Ông Lê Văn Dũng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, những năm qua, diện tích và sản lượng các loại rau xanh ở Vĩnh Phúc khá ổn định bởi nông dân luôn coi rau xanh là loại cây trồng dễ dàng, có lời, nhanh thu hồi vốn tiêu thụ dễ dàng nhờ Vĩnh Phúc là địa bàn gần Hà Nội và các tỉnh lân cận có mật độ dân số cao, công nghiệp-dịch vụ phát triển nên nhu cầu tiêu thụ rau củ quả rất lớn… 

Hiện, mỗi năm diện tích trồng các loại rau ở Vĩnh Phúc đạt khoảng 10.000 ha, cho sản lượng đạt trên 200 nghìn tấn/năm. Rau xanh được trồng tại tất cả các huyện trong tỉnh, nhưng tập trung nhiều ở các huyện Yên Lạc, Tam Dương, Vĩnh Tường và Tam Đảo (chiếm hơn 60% diện tích trồng rau). Năng suất bình quân tại một số huyện trọng điểm trồng rau là 24-26 tấn/ha. 

Theo ông Lê Văn Dũng giá các loại rau ở nhiều chợ lớn, nhỏ trên địa bàn tỉnh tăng cao, có nhiều loại tăng vài lần so với các tháng trước là do ảnh hưởng của các cơn bão gần đây, nhiều địa phương có mưa triền miền nên các loại rau xanh như muống, mồng tơi, cải… bị dập hư hại hoặc cây không phát triển. 

rauxanh-1635434864.jpeg
Giá rau xanh tăng tại Vĩnh Phúc vì mưa lũ

Bên cạnh đó, thời điểm hiện tại do có sự chuyển mùa rõ nét hơn, nền nhiệt độ giảm sâu và các loại cây rau ưa trồng về mùa hè hoặc thu đã không còn thích nghi cao với đặc điểm tình hình thời tiết hiện nay. Từ nay trở đi đến tháng Giêng, tháng Hai năm sau là mùa các của các loại rau, quả ưa lạnh như: cải, su hào, cà chua, hành, khoai tây, bí… nhưng hiện nay người dân chưa triển khai trồng tập trung, mở rộng diện tích bới hiện nay đang là đầu vụ. 

Mặt khác, ruộng đất ở các địa phương trên địa bàn tỉnh vẫn đang ẩm ướt, bà con không thể làm đất, tiến hành gieo trồng trên diện rộng khi ruộng đồng chưa khô, cạn.

Để đáp ứng nhu cầu về rau xanh nói chung cho người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh, Vĩnh Phúc đang chỉ đạo ngành chức năng thực hiện Đề án tái cơ cấu sản xuất ngành nông nghiệp, triển khai kịp thời các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn…. ngành nông nghiệp tỉnh tiếp tục rà soát quy hoạch, dồn ghép, tích tụ ruộng đất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với lợi thế từng vùng, từng địa phương và nhu cầu thị trường tiêu thụ. 

Từ năm 2016 - 2020, toàn tỉnh đã chuyển đổi được trên 7.500 ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng các loại rau, củ, quả cho hiệu quả kinh tế cao; xây dựng nhiều cơ sở chế biến nông sản thực phẩm quy mô lớn và sản xuất nhỏ lẻ; hình thành một số vùng sản xuất rau, quả an toàn thực phẩm theo quy trình VietGAP và đưa một số sản phẩm có thương hiệu xuất khẩu. Vĩnh Phúc tiếp tục chỉ đạo các ngành và địa phương trong tỉnh tiếp tục dồn ghép ruộng đất, đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp để nâng cao năng suất lao động…/.