Điều là cây công nghiệp lâu năm, chủ yếu được trồng ở các vùng Tây Nguyên, Đông Nam Bộ, vì vậy đối với người dân nơi đây loài cây này không còn xa lạ. Tuy nhiên, đối với người dân miền Bắc đây là một loại cây khá lạ lẫm. Cây điều hay còn gọi là Đào lộn hột, gọi vậy vì quả của cây này có hình dáng độc đáo, hột lộn ra ngoài, gắn vào dưới đáy quả. Cây điều thuộc loại rễ cọc và nhiều rễ chùm, bộ rễ ngang, ăn sâu dưới lòng đất, phát triển mạnh để tìm kiếm chất dinh dưỡng để nuôi cây. Khi trồng nơi đất tơi xốp thì chỉ cần sau 2 đến 3 tháng rễ cây điều đã có thể cắm sâu xuống 80 cm, sau khi trồng được 5 đến 6 tháng rễ đã có thể ăn sâu vào đất tới 2m. Là cây công nghiệp dài ngày, có khả năng chịu hạn tốt, không đòi hỏi kỹ thuật cao, tốn ít công chăm sóc, năng suất lại cao, nhu cầu tiêu thụ lớn nên giá cả khá tương đối. Nên phù hợp với trình độ canh tác của người dân tộc thiểu số.
Hiện nay, hạt điều rất có giá trị kinh tế cao, hạt điều được sản xuất và nhập khẩu sang các nước trên thế giới. Chắc hẳn ai cũng đã từng một lần ăn hạt điều, đó chính là phần hạt lộn ra ngoài, được thu hoạch, chế biến và được bày bán ở nhiều nơi. Còn phần quả, dù không được bán rộng rãi nhưng vẫn có thể ăn được. Thịt quả điều có vị chua, hơi chát, khi chín có mùi thơm. Gia Lai là một trong những tỉnh thành có diện tích điều khá lớn, các địa phương như Ia Grai, Đức Cơ, Krông Pa, Kông Chro… là những vùng trồng điều tập trung. Theo thống kê, đến cuối tháng 8-2021, toàn tỉnh Gia Lai có trên 21.400 ha điều, tăng gấp đôi so với 10 năm trước và tăng hơn 7.400 ha so với năm 2015. Hàng năm, cây điều mang lại nguồn thu lớn cho tỉnh và góp phần bảo đảm được đời sống nông dân. So sánh chi phí đầu tư với các loại cây trồng khác như cà phê, hồ tiêu đầu tư cho cây điều sẽ mang lại hiệu quả cao hơn do đầu tư ít hơn.
Vào thời điểm này, tại huyện Đức Cơ (tỉnh Gia Lai) những cánh đồng điều đang thay lá, bông nhỏ li ti đỏ pha chút trắng cùng với ánh nắng vàng sáng rực cả vùng trời nhìn rất bắt mắt. Nhiều người dân đi qua không cưỡng được vẻ đẹp mà dừng lại nhìn ngắm nhìn, chụp những bức hình lưu giữ lại khung cảnh này. Từ lâu cây điều đã có mặt trên đất Gia Lai, khẳng định được vị thế của mình trong các loại cây công nghiệp dài ngày cùng với cao su và cà phê. Tuy nhiên, để cây điều phát triển bền vững, các địa phương cần có chính sách đầu tư để nâng cao năng suất và chất lượng vườn cây cũng như liên kết tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm. Để nâng cao năng suất và giữ ổn định diện tích trên địa bàn, UBND tỉnh cũng đang chỉ đạo các địa phương tổ chức đánh giá lại thực trạng cây điều, để có giải pháp cải tạo giống, khuyến khích tạo điều kiện để các nhà máy, cơ sở ký hợp đồng mua sản phẩm điều cho nông dân. Sở NN&PTNT tỉnh cũng đề ra nhiều giải pháp cụ thể, thiết thực, như quy hoạch diện tích cây điều trên địa bàn toàn tỉnh, chỉ đạo Phòng NN&PTNT các huyện thị tham mưu cho UBND cùng cấp xây dựng phương án hỗ trợ nông dân chuyển đổi diện tích điều già cỗi hoặc các vùng trồng không phù hợp, kém hiệu quả sang trồng các loại cây khác,