Tham dự Hội thảo có Đại sứ Lãnh sự quán Nhật Bản tại Việt Nam, ngài Yamada Takio; Tiến sĩ Tô Hoài Nam - Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam (VINASME); ông Nguyễn Hải Nam - Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế, Quốc Hội; GS. TS. Nguyễn Hoàng Hải - Phó Giám đốc, Đại học Quốc gia Hà Nội và các lãnh đạo từ các Ngân hàng, cộng đồng Doanh nghiệp; các chuyên gia JICA tại VJU và tại Việt Nam; các lãnh đạo, các nhà hoạch định chính sách, chuyên gia, nhà nghiên cứu, giảng viên và sinh viên đến từ ĐHQGHN và gần 20 trường Đại học trong lĩnh vực kinh tế và quản trị kinh doanh ở Việt nam cùng sự góp mặt của các phóng viên, các đơn vị truyền thông.
Với mục tiêu lan tỏa và chuyển giao phương pháp sản xuất theo phong cách nhật bản tới các doanh nghiệp Việt Nam và khẳng định vai trò kết nối của Trường Đại học Việt Nhật trong việc kết nối các doanh nghiệp Nhật Bản và các doanh nghiệp Việt Nam, giữa nhà hoạch định chính sách với các chuyên gia nghiên cứu hàng đầu, buổi hội thảo MONOZUKURI- SẢN XUẤT THEO PHONG CÁCH NHẬT BẢN TRONG THẾ KỶ XXI” được tổ chức trực tuyến đã thu hút nhiều người quan tâm.
Bài phát biểu khai mạc đến từ GS. Motoo Furuta - Hiệu trưởng trường Đại học Việt Nhật (VJU) đã khẳng định vai trò của các doanh nghiệp Nhật bản tại VN trong chiến lược phát triển của trường Đại học Việt Nhật. Bên cạnh đó Hội thảo cũng nhận được các thông điệp đến từ các công ty Nhật Bản tham gia hỗ trợ tổ chức như Ông MITANI Mitsuru - Chủ tịch Công ty TNHH MITANI SANGYO và Ông KAMOSHITA Yusuke - Chủ tịch Công ty TNHH KOGANEI SEIKI cùng với thông điệp từ các doanh nghiệp hỗ trợ chương trình TORAY, HONDA, DENSO, SEIKO EPSON, Hiệp hội các nhà Khoa học và Kỹ thuật Nhật Bản.
Diễn giả chính của buổi hội thảo GS. FUJIMOTO Takahiro - GS. Đại học Waseda, Nhật Bản đồng thời ông cũng từng là Giáo sư của Đại học Tokyo trong lĩnh vực Công nghệ và Quản lý Hoạt động, Kinh tế học Sáng tạo. Trong bài giảng của mình, GSFUJIMOTO đã đem đến cho các thành viên tham dự cái nhìn khái quát về hoạt động sản xuất và kinh tế của Nhật Bản, khám phá sự phát triển của ngành công nghiệp ô tô và chiến lược của các công ty sản xuất hàng đầu của nó từ cuối thế kỷ XIX đến đầu thế kỷ XXI.
GS. Fujumoto đã nhấn mạnh thiết kế và dòng chảy thông tin khi mô tả các địa điểm sản xuất và sản phẩm của ngành công nghiệp ô tô với ví dụ điển hình là Toyota qua năng lực tổ chức trong sản xuất, mô hình sản xuất tinh gọn bền vững và phương thức truyền tải thông tin thiết kế dày đặc, nhưng vẫn trôi trảy và chính xác cùng với sự kết hợp của các phương tiện công nghệ hiện đại.
Qua đó, GS. Fujumoto đã cho thấy tầm quan trọng trong việc xây dựng năng lực cạnh tranh giữa các nhà sản xuất thương hiệu và các nhà cung cấp có năng lực. Thông qua bài giảng, các nhà nghiên cứu, các doanh nghiệp và sinh viên Việt Nam có cơ hội tiếp cận và hiểu sâu hơn về Phương pháp sản xuất tinh gọn Monozukuri và bí quyết dẫn tới sự thành công trong công nghiệp sản xuất Nhật Bản, từ đó vận dụng linh hoạt nhằm nâng cao năng lực sản xuất, tạo ra phương pháp sản xuất và kinh doanh hiệu quả tại Việt Nam.
Trong khuôn khổ hội thảo, các khách mời bình luận: PGS.TS Phan Chí Anh, PGS.TS Nguyễn Đăng Minh từ trường ĐH Kinh tế, ĐHQGHN, bà Nguyễn Thị Thúy, Chuyên gia công nghiệp phu trợ của Bộ Công thương và các đại diện cho các công ty và chuyên gia, nhà nghiên cứu tham dự đã đặt rất nhiều câu hỏi cho diễn giả và đại diện phía hai công ty đối tác MITANI và KOGANEI cũng như chia sẻ những khó khăn, thách thức và cơ hội đối với các doanh nghiệp Việt Nam trong việc áp dụng sản xuất theo phong cách Nhật Bản Monozukuri; các đề xuất có thể đưa ra để triển khai trong giai đoạn dịch bệnh covid 19 đang diễn ra rất phức tạp tại Việt Nam và trên thế giới. Bên cạnh đó, các hỗ trợ và chính sách từ chính phủ được thảo luận rất sôi nổi trong cuối buổi hội thảo.
Trả lời một trong số các câu hỏi tại buổi hội thảo, GS. FUJIMOTO nhấn mạnh “Việt Nam là một thị trường rất tiềm năng và thu hút các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư và mở rộng mô hình sản xuất, tuy nhiên vẫn còn gặp nhiều thách thức trong quá trình đổi mới và hoàn thiện, việc không ngừng nỗ lực học hỏi phương thức làm việc của các nước phát triển là cần thiết” .
Sự hợp tác sâu rộng với các đối tác là các trường đại học lớn, các doanh nghiệp tại Nhật Bản của Trường Đại học Việt Nhật, trong thời gian tới, Trường đã đang và sẽ tiếp tục là cầu nối mang lại cho người học, các doanh nghiệp, các nhà nghiên cứu diễn đàn để trao đổi chia sẻ học hỏi kinh nghiệm thú vị./.