Tình yêu Tổ quốc và cuộc đời cách mạng son sắt thủy chung của má Sáu Ngẫu

Bà má miền Nam, “Bà má tham mưu” là cách gọi đầy tôn kính của cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 27, Sư đoàn 320B, Quân đoàn 1 dành cho má Huỳnh Thị Sáu (thường gọi là má Sáu Ngẫu).
tuong-ma-sau-ngau-1651455877.jpg
 Tượng đài má Sáu Ngẫu (Ảnh: nguoiduatin.vn)

Cuối tháng 4/1975, trên đường tiến quân vào nội đô Sài Gòn, chỉ huy Trung đoàn 27 đã được má Sáu Ngẫu (Huỳnh Thị Sáu) cung cấp tấm bản đồ đô thành Sài Gòn quý giá, đồng thời tổ chức lực lượng dẫn đường cho đơn vị tiến vào nội đô hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Đằng sau tấm bản đồ quý giá và khả năng làm công tác tham mưu tuyệt vời của bà má Nam Bộ vùng đất Lái Thiêu là một trái tim nồng nàn tình yêu Tổ quốc và lòng thủy chung son sắt với người chồng, người đồng chí đã hy sinh.

Ký ức về bà má Nam Bộ ở vùng đất Lái Thiêu (Bình Dương) trong lòng các cán bộ chiến sĩ Trung đoàn 27 và những cán bộ từng có thời gian hoạt động với má Sáu Ngẫu ở địa phương, được gia đình má nuôi giấu, giúp đỡ trong những năm tháng nước sôi lửa bỏng của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vẫn như mới hôm qua…

Má Sáu Ngẫu sinh năm 1930, tại quận lỵ Lái Thiêu, tỉnh Thủ Dầu Một (nay là tỉnh Bình Dương). Thân sinh của má là cụ Huỳnh Văn Thà, người có công lớn với cách mạng từ kháng chiến chống Pháp, là cơ sở của Việt Minh, nuôi giấu nhiều cán bộ lãnh đạo chủ chốt của Đảng. Kế thừa truyền thống của gia đình, ngay từ nhỏ, Sáu Ngẫu đã tham gia công tác giao liên ở địa phương, làm nhiệm vụ tuyên truyền, rải truyền đơn, dẫn đường cho cán bộ từ chiến khu về cơ sở hoạt động bí mật. Năm 18 tuổi, Sáu Ngẫu thoát ly đi làm cách mạng tại Chiến khu Đ.

1277-1278-trang-1-4-1651416246.jpg

Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu nguyên thứ trưởng Bộ Quốc khi về viếng mộ má Sáu Ngẫu đã trồng câu Bồ đề.

Ông Lê Quốc Duy, nguyên Bí thư Huyện ủy Lái Thiêu, nguyên Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Bình Dương kể: “Trên cương vị cán bộ hội phụ nữ tỉnh, chị Sáu Ngẫu đã tham gia tổ chức cho chị em các địa phương xuống đường biểu tình đòi quyền sống, quyền tự do, vận động quyên góp lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh tiếp tế cho bộ đội ở Chiến khu Đ. Bước vào kháng chiến chống Mỹ, chị Sáu Ngẫu chuyển sang hoạt động bí mật, xây dựng cơ sở cách mạng, mở rộng mạng lưới hoạt động từ vùng Thủ Dầu Một vào nội đô Sài Gòn”.

Những năm tháng hoạt động trong lòng địch, Sáu Ngẫu được gặp gỡ, hoạt động chung với người cán bộ quê ở Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh, tên là Đinh Quang Ky. Sau khi hành quân cùng đoàn quân Nam tiến từ miền Trung vào Nam Bộ năm 1943, Đinh Quang Ky được giao nhiệm vụ Chánh văn phòng Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy Thủ Dầu Một, với bí danh Tư Ca. Là đồng chí hoạt động cùng lĩnh vực tuyên truyền, vận động quần chúng xây dựng cơ sở cách mạng, Sáu Ngẫu coi Tư Ca như một người anh, người thầy.

Ngược lại, Tư Ca được Sáu Ngẫu giúp đỡ, hỗ trợ rất nhiều trong công tác địa bàn, xây dựng các cơ sở nòng cốt. Từ tình đồng chí, tình anh em, họ bén duyên nhau và trở thành vợ chồng. Để đến được với tình yêu của mình, Sáu Ngẫu đã khéo léo khước từ nhiều lời tỏ tình của thanh niên địa phương, trong đó có cả sự gạ gẫm, mua chuộc của những sĩ quan, binh lính ngụy quyền. Sáu Ngẫu lần lượt sinh hai người con, một trai, một gái.

Ông Nguyễn Xuân Quang, nguyên cán bộ Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy Thủ Dầu Một kể: “Hai con của chị Sáu là Huỳnh Thị Kim Ngân (tự Phước), sinh năm 1958 và Huỳnh Văn Đức, sinh năm 1962. Do điều kiện chiến tranh ác liệt, vợ chồng chị Sáu lại hoạt động bí mật nên không thể công khai chuyện hôn nhân. Vì vậy, hai con của anh chị đều phải mang họ mẹ”.

Không chồng mà có con, má Sáu Ngẫu bị ngay cả những người thân thích coi là “gái chửa hoang”. Má cắn răng chịu đựng, chấp nhận mang tiếng xấu để bảo toàn bí mật cho chồng và các cơ sở cách mạng.

Trong những năm tháng cùng nhau hoạt động bí mật trong lòng địch, vợ chồng má Sáu Ngẫu đã phối hợp lập nhiều thành tích xuất sắc, góp phần củng cố, mở rộng mạng lưới cơ sở cách mạng. Đặc biệt, từ hiệu quả công tác địch vận, vào năm 1961, đồng chí Tư Ca đã có được tấm bản đồ vô cùng quý giá. Tấm bản đồ thể hiện chi tiết đặc điểm địa lý, địa hình Sài Gòn và sơ đồ bố trí lực lượng các đơn vị của địch ở khu vực Lái Thiêu và vùng ven Sài Gòn. Tài liệu vô giá này được đồng chí Tư Ca giao cho vợ cất giữ, bảo quản cẩn thận.

Năm 1967, Sáu Ngẫu nhận nhiệm vụ lọt vào nội thành Sài Gòn móc nối với lực lượng biệt động hoạt động nội thành, xây dựng cơ sở ém quân, cất giấu vũ khí, đạn dược chuẩn bị cho Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968. Nhờ tấm bản đồ này, Sáu Ngẫu đã xác định những khu vực quan trọng để bố trí móc nối lực lượng, xây dựng được một số cơ sở mật ở ngay cạnh tổng nha cảnh sát Sài Gòn (nay là đường Trần Hưng Đạo, quận 1, TP Hồ Chí Minh). Trong thời gian bám trụ nội đô Sài Gòn, Sáu Ngẫu đã khôn khéo cải trang qua mặt các trạm lính gác, thâm nhập các khu vực địch bố trí lực lượng để bổ sung cho các phương án tấn công của lực lượng quân giải phóng.

Khí thế cách mạng đang lên rất cao thì tin buồn ập đến. Năm 1968, trong một chuyến công tác thâm nhập cơ sở hỗ trợ chiến dịch tấn công địch từ hướng Lái Thiêu đến Sài Gòn, đồng chí Tư Ca bị sa vào ổ phục kích của địch và anh dũng hy sinh. Sự ra đi đột ngột của chồng khiến má Sáu Ngẫu vô cùng đau đớn, nhưng má đã cắn răng vượt qua để toàn tâm toàn ý cho nhiệm vụ cách mạng.

Kỷ vật vô giá của chồng sau đó đã được má Sáu Ngẫu sử dụng làm công tác tham mưu, tổ chức lực lượng dẫn đường cho Trung đoàn 27 tiến vào nội đô Sài Gòn trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Sự kiện này đã được Thượng tướng, Viện sĩ Nguyễn Huy Hiệu, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, nguyên Trung đoàn trưởng Trung đoàn 27 kể lại trong các tài liệu đã công bố.

Theo đó, tối ngày 29/4/1975, khi Trung đoàn 27 hành quân đến Lái Thiêu, lực lượng trinh sát của ta đã tìm gặp má Sáu Ngẫu, nhờ má giúp sức chỉ đường và tổ chức lực lượng dẫn đường tiến quân vô nội thành Sài Gòn. Má Sáu Ngẫu đã sử dụng tấm bản đồ, là báu vật của chồng má để lại, đã được má bổ sung, đánh dấu chi tiết những vị trí, khu vực địch bố trí lực lượng, trận địa từ khu vực Lái Thiêu vô nội đô Sài Gòn.

Các cán bộ chỉ huy Trung đoàn 27 mừng như bắt được vàng khi được má tư vấn, tham mưu cụ thể đường, hướng tấn công, các mục tiêu cần đánh chiếm và phương pháp tấn công các mục tiêu của địch. Sự rành rẽ đến từng chi tiết trên tấm bản đồ và những lời chỉ dẫn của má Sáu Ngẫu chính là kết quả sau nhiều lần bí mật lọt vô nội thành Sài Gòn làm công tác trinh sát của má.

Sự tham mưu chính xác và sáng suốt của má Sáu Ngẫu đã giúp Trung đoàn 27 triển khai đội hình hành quân thuận lợi, đánh chiếm các mục tiêu dọc đường tiến quân, bắt sống gần 2.000 tên lính và sĩ quan chỉ huy các cấp của các đơn vị quân đội Việt Nam cộng hòa, trong đó có nhiều sĩ quan cấp tá. Điều quan trọng nhất là phương án tiến quân do má Sáu Ngẫu tham mưu đã giúp đơn vị bảo toàn được lực lượng, tránh xảy ra thương vong cho cán bộ, chiến sĩ ta.

Sau ngày chồng hy sinh, má Sáu Ngẫu một lòng một dạ thờ chồng, nuôi con, phục vụ cách mạng. Tên gọi “Bà má tham mưu” được bộ đội Trung đoàn 27 yêu quý gọi đã trở thành bí danh đặc biệt của Sáu Ngẫu từ ngày đó. Sau ngày đất nước thống nhất, má Sáu Ngẫu trở lại với công việc một nắng hai sương nơi miệt vườn Lái Thiêu quanh năm rợp mùa hoa trái. Má lâm bệnh nặng và qua đời năm 1989.

Tùng Sơn