Đường vào Sài Gòn, chuyện bây giờ mới kể

Nhớ lại những ngày đầu hành quân vào chiến trường, có lẽ anh em đồng đội chúng tôi, mặc dù là người trong cuộc, nhưng không ai lại nghĩ, sau vài năm mình lại có dịp đặt chân nhanh như thế lên mảnh đất được gọi là “Hòn ngọc Viễn Đông - TP. Sài Gòn hoa lệ bậc nhất Đông Nam Á”.
chien-dich-tay-nguyen-00009-15877891068941103566508-1650155484.jpg
Trận Buôn Ma Thuột mở mà chiến dịch 4/1975

Ấy thế mà, đêm 30/4/1975, những cán bộ, chiến sỹ đầu tiên của Lữ đoàn công binh công trình chiến dịch của Quân Đoàn 3 chúng tôi được giao nhiệm vụ bảo vệ sân bay Tân Sơn Nhất không cho địch phá hoại, đã có mặt ngay sào huyệt mà một hai ngày trước đây còn quyền kiểm soát của Quân lực Việt Nam Cộng hòa.

Bài viết này, tác giả xin không kể và phân tích tại sao chúng ta chiến thắng như thế, vì đã qua gần 50 năm đã có biết bao tổng kết, biết bao bài báo, biết bao phân tích lịch sử của cả thế giới ca ngợi sự vĩ đại trong cuộc chiến tranh chống Mỹ của nhân dân Việt Nam… mà chỉ xin ghi lại những câu chuyện (bây giờ mới kể), những câu chuyện mà giờ nghĩ lại như những câu chuyện hài hước hết sức lạc hậu, hết sức thật thà đến ngỡ ngàng… nhưng cái quan trọng là những câu chuyện chúng tôi kể ra hôm nay tự nó đã làm nên một phần chiến thắng lịch sử năm 1975 ngày ấy.

Khi chúng tôi vào bộ đội những năm chống Mỹ cứu nước, sự hãnh diện của lịch sử, truyền thống cha anh trong cuộc kháng chiến chống Pháp, trong các cuộc chiến tranh của đất nước trải dài suốt mấy ngàn năm… đã trở thành sức mạnh không gì bằng, khi Đảng, Nhà nước kêu gọi tổng động viên cho công cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước giành thắng lợi.

Chính vì vậy, không ít các chiến sỹ vào bộ đội khi chưa biết chữ, rất nhiều các anh chưa một lần đặt chân đi đâu khỏi lũy tre làng, thậm chí, nhiều chiến sỹ tình nguyện đi khi chưa đủ 18 tuổi khám sức khỏe kết luận B2, ấy nhưng B2 thể lực (tức là cân nặng dưới 40Kg) vẫn xin đi vì lý do “em đang lớn mà”, hay “Bác sỹ ơi, ở nhà em ăn chưa đủ no, vào bộ đội nghe nói được ăn no mặc ấm hơn em lớn nhanh ý mà”, rồi vân vân lý do… chỉ được đi đợt này.

Thế là các cán bộ tuyển quân phần vì xuề xòa nể nang lại áp lực phong trào “thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người” thống nhất đồng ý cho đi, mà không cho đi cũng không đành vì ngay quê tôi có cậu Đạt, tuy là con độc nhất diện được miễn lại ngọng líu lô, nhưng cứ ở lỳ Huyện đội với lý do không cho đi trả thù cho Bố (hy sinh ở Điện Biên Phủ) thì cứ ở đây chờ không về (sau này cậu ta cũng hy sinh ở mặt trận miền Đông Nam Bộ)…

Thế đấy bảo sao chúng tôi không thật thà, không lạc hậu, không chất phác… rất nhiều chiến sỹ chưa một lần ra Phố chơi, chưa nhìn thấy ánh sáng đèn điện bao giờ, thậm chí chưa biết yêu là gì.

Sau chiến thắng Tây Nguyên - Buôn Ma Thuột, vào căn cứ 45 của địch thấy một chiếc tủ sắt khá nặng với mấy vòng xoay (mãi sau mới biết đó là chiếc két) mà không biết trong đó có gì, anh em bàn nhau vác búa tạ ra đập, lại sợ nhỡ có mìn bảo vệ thì sao? Sáng kiến, anh em gọi mấy cậu công binh thiện chiến lên cũng lắc đầu… bèn bảo nhau khiêng nhẹ nhàng ra bìa rừng, rồi nằm từ xa bắn mấy phát AK vào ổ xoay, trúng mà không nổ, không tan, thở phào không có mìn yên tâm vác búa tạ đập, cửa tung ra…

Thấy ồn ào “Cụ” Nghĩa  - Tham mưu trưởng chạy ra định phê bình anh em vi phạm chính sách chiến lợi phẩm, nhưng khi chúng tôi đưa tập tài liệu quý giá lấy trong đó là sơ đồ vị trí bố phòng và chỉ huy tác chiến cùng phương án chống cộng trên dọc đường 14 (tức là hướng tiến công của Quân đoàn và Lữ đoàn chúng tôi) mắt ông sáng lên: Các cậu được lắm, chà chà… thưởng cho bao thuốc (Lúc giờ, thuốc là một trong những thứ quý đối với chiến sỹ chúng tôi), vi phạm nhưng được việc. Ông mỉm cười và không quên bắt tay từng chiến sỹ…

Hành quân thần tốc và đi đến đâu, các đơn vị đều giành chiến thắng như chúng ta đều biết. Ngày giải phóng Thị xã Gia Nghĩa (nay là TP. Gia Nghĩa thuộc tỉnh Đắc Nông) tôi được Lữ đoàn trao nhiệm vụ chuẩn bị chỗ ở cho Sở Chỉ huy, điều Trung đội trinh sát hỗn hợp thiện chiến đi cùng, chúng tôi quyết định chọn một ngôi nhà 3 tầng thuận lợi, có thể nói là khá đẹp và hiện đại, kiểm tra thấy nhiều phòng khóa cửa nhưng không ít phòng vẫn mở, điện vẫn sáng trưng (Mãi sau dân mới cho biết đó là nhà của Tỉnh trưởng, cả gia đình vừa di tản).

Phổ biến xong các quy định, chúng tôi tản ra kiểm tra và mỗi người một việc. Người canh gác, người chuẩn bị, kiểm tra phòng ở cho Sở Chỉ huy, một bộ phận nấu ăn. Lại nói về ăn, đi chiến đấu thần tốc thức ăn của anh em chủ yếu là đồ hộp nên thứ thèm nhất là rau. Khui đồ hộp ra ăn cùng rau sống, khoái khẩu trong những ngày chiến tranh năm 75...

Tôi đang đi vòng quanh khu nhà cùng anh em trinh sát thì tiếng cậu Thư, nuôi quân gọi vọng theo: Thủ trưởng ơi vào em nhờ cái này, là người Hà Nội chắc Thủ trưởng biết. Tôi và mọi người vào một phòng chừng gần chục m2, khá đẹp và sạch sẽ, gạch lát sáng trưng, bật vòi nước phun như ô doa ở quê mình vẫn tưới rau chỉ thấy nước phun mạnh quá…, có điều không biết sao để giữ nước rửa rau, cứ xả nó lại trôi mất (mãi sau, chúng tôi mới biết đấy là nhà vệ sinh...).

Thêm chuyện, tối 30/4/1975, tôi cùng mấy anh em được Lữ đoàn đặc cách cho vào Dinh Độc lập, mới sau hơn nửa ngày giành chiến thắng, cái gì cũng bỡ ngỡ, cũng lạ lẫm, đường phố còn đầy tàn tích chiến tranh. Ra cổng sân bay, chiếc xe đò thấy chúng tôi ăn mặc quân giải phóng mới tinh, súng ngắn đeo hông, súng dài đeo vai… thì từ từ dừng lại, lái xe sợ sệt, khúm núm cúi rạp người hỏi: Các ông giải phóng đi đâu?

Tôi đánh mắt sang anh Lượt trợ lý tham mưu tác chiến, hiểu ý anh, tôi trả lời chúng tôi đang cần vào nhanh Dinh Độc Lập, đường ngắn nhất Anh đưa chúng tôi đi… lạy giời có biết đường đâu mà chẳng bảo thế… Thực hiện xong nhiệm vụ ở Dinh Độc lập, cậu Hậu - quê Nghệ An trinh sát - người nhỏ bé nhưng cừ khôi nhất lữ đoàn bảo tôi: - Thủ trưởng cho anh em thử món ăn Sài Gòn được không?

Tôi đồng ý cùng anh em vào đại một quán ăn vẫn sáng đèn, chủ quán cúi người chạy ra, tay cầm cuốn sổ ghi các món ăn. Tôi lướt qua, toàn món lạ: Hủ tiếu, mỳ vằn thắn, bún bò giò heo, hột vịt lộn, đậu phộng chiên… Tôi bảo chủ quán: Món nào ngon thì mang cho chúng tôi… Trên đường về mấy anh em vui mừng bảo nhau, chúng ta là một trong những chiến sỹ vinh dự được nếm những món ăn đầu tiên ở đất Sài Gòn…

Hôm nay, ngồi viết bài này từ ngôi nhà nhỏ ở ngoại thành Hà Nội, ký ức 45 năm trước hiện lên trong tâm trí, tôi nhớ các đồng đội: Anh Lượt từ đất Cao Bằng bắn súng như thiện xạ cừ khôi, chính xác đến từng xăng ty mét; nhớ thủ trưởng Nghĩa - Tham mưu trưởng, nóng tính nhưng tác chiến giỏi phi thường; nhớ anh Kha quê Thái Bình thật thà, sâu sắc; nhớ anh Cần quê ở Hà Tĩnh bao đêm nằm hầm tránh bom trực chốt ngoài ngầm Xêcamans thuở binh trạm 44; nhớ ngày cậu Điều bị bom ném trúng, chúng ta cùng nhau ứa nước mắt đi tìm từng phần thi thể… có nhớ không Thủ trưởng Chẩy và cậu Thư, cậu Thảo…?

Bài viết của tôi như một lời tri ân đến anh em đồng đội đã hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc. Đây cũng là những dòng tự truyện để chúng ta nhớ về cuộc chiến đấu oanh liệt của quân dân Việt Nam hơn 40 năm về trước. Lúc chúng ta chưa biết nếm trái sầu riêng miền Nam, chưa biết quả Roi miền Bắc, hay ca đậu phộng nóng hổi, thơm lựng mà Má Hai ở Xã Phú Hòa Đông Củ Chi mang cho ăn hôm anh em Lữ đoàn chuẩn bị đi diễu binh, dự lễ mừng chiến thắng ngày 7/5/1975 tại Sài Gòn./.