Mở rộng danh sách miễn thị thực nâng cao cơ hội hút khách du lịch quốc tế tới Việt Nam

Việc nới lỏng visa không những hỗ trợ tích cực giúp tăng lượng du khách mà đối tượng khách đến Việt Nam xúc tiến đầu tư, tìm kiếm cơ hội kinh doanh cũng sẽ thuận lợi hơn rất nhiều trong năm 2024.
vinh-bai-tu-long-1708856932.jpg
Vẻ đẹp thiên nhiên hoang sơ của Vịnh Bái Tử Long khiến du khách quốc tế vô cùng thích thú. Ảnh minh họa

Theo Tổng cục Thống kê, tính chung cả năm 2023, du lịch Việt Nam đón được 12,6 triệu lượt khách quốc tế. Con số này gấp 3,4 lần năm 2022, vượt xa mục tiêu 8 triệu khách. Đặc biệt trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Thìn, ngành du lịch tiếp tục ghi nhận mức tăng lượng lớn du khách quốc tế đến Việt Nam.

Trong đó, Đà Nẵng đón gần 177.000 lượt, Hà Nội 103.000 lượt, tăng gấp 2,2 lần so với cùng kỳ năm 2023, Ninh Bình đón gần 100.000 lượt; Quảng Nam 97.000 lượt, tăng 42%; Quảng Ninh ước đón 89.767 lượt, TP Hồ Chí Minh đón 75.000 lượt, tăng 15,4% so với cùng kỳ năm 2023… Qua đó, tổng thu từ khách du lịch trong dịp Tết Nguyên đán tăng cao. Cụ thể TP Hồ Chí Minh đạt 6.550 tỷ đồng, tăng 4% so với cùng kỳ năm 2023; Hà Nội thu được 2.350 tỷ đồng, tăng 35,1%; Ninh Bình thu được 1.580 tỷ đồng; Quảng Nam 1.580 tỷ đồng; Kiên Giang ước đạt 928 tỷ đồng...

Bên cạnh đó, trong tổng số 12,6 triệu lượt khách quốc tế, khách đến bằng đường hàng không đạt gần 11 triệu lượt người, chiếm 86,9% số lượng khách quốc tế đến Việt Nam. Khách đi đường bộ đạt 1,5 triệu lượt người, chiếm 12,1% và gấp 4 lần. Riêng khách đến bằng đường biển tăng mạnh nhất đạt 126.100 lượt người, chiếm 1% và gấp 40,2 lần.

Tiếp nối những kết quả đạt được trong năm 2023, ngành du lịch đặt mục tiêu năm 2024 phấn đấu đón 17 - 18 triệu lượt khách quốc tế; phục vụ 110 triệu lượt khách du lịch nội địa; tổng thu từ khách du lịch đạt khoảng 840 nghìn tỷ đồng.

Tuy nhiên, để đạt mục tiêu này, vẫn còn rất nhiều việc phải làm, tuy nhiên theo nhiều chuyên gia ngành du lịch, việc tiếp tục tạo thuận lợi cho khách du lịch quốc tế trong quản lý xuất nhập cảnh, thị thực điện tử, thời hạn của thị thực miễn đơn phương... là một trong những giải pháp cần quan tâm. Theo đó, việc mở rộng chính sách miễn thị thực sẽ tạo thuận lợi cho du khách, góp phần thu hút nhiều hơn khách du lịch quốc tế đến Việt Nam, tăng sức cạnh tranh của du lịch nước nhà với các thị trường khác trong khu vực và trên thế giới.

khach-quoc-te-1-1708856932.jpg
Ngành du lịch đặt mục tiêu năm 2024 phấn đấu đón 17 - 18 triệu lượt khách quốc tế. Ảnh minh họa

Chính vì vậy, trong Chỉ thị 08 về phát triển du lịch toàn diện, nhanh và bền vững thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ đặc biệt nhấn mạnh việc thí điểm cấp visa dài hạn để tăng cơ hội hút khách quốc tế.

Theo đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ Công an đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng khoa học công nghệ và triển khai áp dụng các giải pháp về tự động hóa trong giải quyết thủ tục cho người nước ngoài nhập cảnh, cư trú và du lịch an toàn tại Việt Nam; chủ trì nghiên cứu đề xuất và áp dụng thủ tục xuất cảnh, nhập cảnh trực tuyến thông qua nhận diện khuôn mặt (FaceID) và hộ chiếu điện tử (E-Passport) để tạo sự thuận lợi, nhanh chóng cho khách du lịch.

Xem xét thí điểm việc cấp thị thực cửa khẩu trên cơ sở xét duyệt nhân sự tại chỗ cho khách du lịch quốc tế; báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong quý 2/2024.

Chủ trì, phối hợp với Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, Bộ Ngoại giao và các cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất các chính sách ưu đãi: về xuất cảnh, nhập cảnh có điều kiện đối với một số thị trường quốc tế truyền thống, tiềm năng, có trình độ phát triển cao, chi tiêu du lịch lớn và thời gian lưu trú dài ngày vào các địa bàn du lịch trọng điểm của Việt Nam và những địa phương có hệ thống hạ tầng giao thông đồng bộ, thuận lợi; mở rộng danh sách miễn thị thực đơn phương; thí điểm miễn thị thực trong thời gian ngắn hạn (từ 6 tháng đến 12 tháng) cho khách du lịch từ một số thị trường có quy mô lớn, chi tiêu cao; thí điểm cấp thị thực dài hạn, nhập cảnh nhiều lần (12 tháng đến 36 tháng) để thu hút các phân khúc thị trường khách du lịch cao cấp, khách nghỉ hưu có khả năng chi tiêu cao đến từ một số thị trường mục tiêu như Châu Âu, Đông Bắc Á, Bắc Mỹ, Ấn Độ và một số nước khu vực Trung Đông.

Thủ tướng yêu cầu Hiệp hội Du lịch Việt Nam, Hiệp hội du lịch các địa phương hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp du lịch trong việc chuyển đổi các hoạt động phù hợp với du lịch trong tình hình mới, đẩy mạnh hoạt động để phục hồi và phát triển nhanh du lịch Việt Nam...

Đánh về chính sách thị thực, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình cho biết, chính sách visa là điều kiện cần và đủ của hoạt động kinh doanh du lịch. Do vậy, nếu mở rộng các nước được cấp thị thực điện tử và kéo dài thời gian lưu trú cho du khách sẽ là cơ hội cho DN đẩy mạnh phát triển du lịch một cách bền vững. Đây không chỉ là mong muốn của doanh nghiệp mà cả của ngành du lịch Việt Nam để đáp ứng được nhu cầu của khách du lịch quốc tế đến với chúng ta./.

Đông Nghi