Theo số liệu Tổng cục Thống kê công bố ngày 29/1, trong tháng 1/2024, du lịch Việt Nam đã đón hơn 1,5 triệu lượt khách quốc tế, tăng 10,3% so với tháng trước và tăng 73,6% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, Hàn Quốc vẫn là thị trường gửi khách lớn nhất với trên 400.000 lượt người, tăng 112,2% so với tháng trước và tăng 161,3% so với cùng kỳ năm trước. Trung Quốc xếp thứ 2 với 242.181 lượt khách, tăng hơn 1.500% so với cùng kỳ năm trước.
Đứng thứ hai là Đài Loan (Trung Quốc) với 84.213 lượt khách. Thị trường Mỹ đứng thứ 4 khi có 75.651 lượt khách tới Việt Nam... Đứng cuối cùng trong top 5 thị trường gửi khách lớn đến Việt Nam trong tháng 1 là Úc, với mức tăng vọt 1,5 lần so với trước, đạt 62.100 lượt khách.
Trong tổng số hơn 1,5 triệu lượt khách quốc tế đến Việt Nam tháng 1/2024, khách đến bằng đường hàng không đạt gần 1,3 triệu lượt, chiếm 85,1% tổng lượng khách quốc tế và tăng 60,9% so với cùng kỳ năm trước.
Mặc dù, lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong tháng 1/2024 đạt mức cao nhất kể từ khi du lịch Việt Nam mở cửa đón khách trở lại sau dịch COVID-19. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, năm 2024, ngành du lịch toàn cầu vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt trong bối cảnh tình hình thế giới tiếp tục diễn biến khó lường; tăng trưởng kinh tế chậm lại, lạm phát tiếp tục gia tăng; xung đột ở các khu vực chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, biến đổi khí hậu ngày càng rõ nét hơn…
Ở trong nước, tình hình kinh tế - xã hội ổn định, nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng, lạm phát được kiềm chế nhưng đi cùng với đó là nguy cơ dịch bệnh vẫn còn hiện hữu, thiên tai, bão lũ, tác động từ biến đổi khí hậu… tiếp tục diễn biến bất thường, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống người dân.
Theo dự báo của Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) và Hội đồng Du lịch và Lữ hành thế giới (WTTC), hoạt động du lịch quốc tế có thể phục hồi hoàn toàn vào cuối năm 2024, ngang bằng với mức đã đạt được của năm 2019. Tuy nhiên, mức độ phục hồi không đồng đều ở các khu vực. Nhu cầu của khách du lịch quốc tế liên tục thay đổi, đòi hỏi ngày càng cao về chất lượng sản phẩm, sự trải nghiệm, tính đa dạng, độc đáo. Xu hướng ứng dụng công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo và chuyển đổi số sẽ thúc đẩy hình thành các cách thức du lịch mới; quá trình khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trong hoạt động du lịch sẽ ngày một rõ nét.
Với những phân tích, dự báo đó, năm 2024 ngành du lịch đặt mục tiêu phấn đấu đón 17-18 triệu lượt khách quốc tế; phục vụ 110 triệu lượt khách du lịch nội địa; tổng thu từ khách du lịch đạt khoảng 840 nghìn tỷ đồng.
Để thực hiện mục tiêu này, các chuyên gia du lịch cho rằng toàn ngành cần nỗ lực thực hiện đồng bộ các giải pháp thúc đẩy công tác hoạch định chính sách, quản lý nhà nước trong các lĩnh vực chuyên môn, tăng cường hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch.../.