Trong 2 tháng đầu năm 2024, tỉnh Thanh Hóa đón hơn 700.000 lượt khách du lịch. Đặc biệt là trong dịp lễ nghỉ Tết Dương lịch và Tết Nguyên Đán. Đây là tiền đề quan trọng để du lịch xứ Thanh hoàn thành mục tiêu năm 2024.
Thanh Hóa là địa phương có tài nguyên di sản văn hóa phong phú, đa dạng và độc đáo với nhiều phong tục, tập quán, nghệ thuật kiến trúc, lễ hội văn hóa dân gian đặc sắc... của các dân tộc anh em cùng sinh sống.
Theo thống kê, tỉnh Thanh Hóa có hơn 1535 di tích, di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh đã được xếp hạng và kiểm kê bảo vệ. Trong đó, có 1 di sản thế giới, 5 di tích quốc gia đặc biệt, hàng trăm ngôi chùa và điểm danh thắng nổi tiếng.
Bên cạnh đó, Thanh Hóa cũng có hàng trăm lễ hội, lễ tục, trò diễn dân gian ở khắp các vùng miền được lưu giữ, trong đó 15 di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào danh mục quốc gia. Đây là thế mạnh để địa phương khai thác và phát triển du lịch tâm linh trong mỗi độ tết đến xuân về.
Theo số liệu thống kê của Thể thao và Du lịch tỉnh Thanh Hóa, trong dịp nghỉ tết Dương lịch năm 2024, tổng lượt khách du lịch đến Thanh Hóa đạt khoảng 105.000 lượt khách, tăng 38,6% so với cùng kỳ dịp tết dương lịch năm 2023; Tổng thu du lịch đạt khoảng 142 tỷ đồng, tăng 43,7% so với cùng kỳ năm 2023.
Trong đó Thành phố Thanh Hóa đón được 45.700 lượt khách, khu du lịch Pù Luông đón 14.600 lượt khách; thị xã Nghi Sơn đón được 6.800 lượt khách, riêng khu du lịch Anh phát đón được 5.700 lượt khách; Khu du lịch Lam Kinh đón 3.500 lượt khách; khu du lịch Sầm Sơn đón 3.000 lượt khách, riêng FLC đón gần 2.000 lượt khách; Thành Nhà Hồ đón 2.700 lượt khách; khu du lịch Yên Trung đón 2.500 lượt khách; khu du lịch Bản Mạ đón 2.350 lượt khách; Suối cá Cẩm Lương đón khoảng 1.500 lượt khách....
Đặc biệt, trong dịp Tết Nguyên đán, chỉ trong 7 ngày (từ 29 tháng Chạp đến mùng 5 tháng Giêng) tỉnh đón 635 nghìn lượt khách (tăng 48,7%), tổng thu du lịch đạt khoảng 588 tỷ đồng.
Điển hình, một số địa phương thu hút lượng khách lớn như: TP Thanh Hóa đón khoảng 100 nghìn lượt khách; Khu Di tích lịch sử Lam Kinh (Thọ Xuân) khoảng 40 nghìn lượt khách; Khu Di tích lịch sử thắng cảnh Cửa Đạt (Thường Xuân) khoảng 90 nghìn lượt khách; Di tích lịch sử và thắng cảnh Phủ Na (Như Thanh) khoảng 91 nghìn lượt khách; TP Sầm Sơn khoảng 65 nghìn lượt khách; Đền Sòng (thị xã Bỉm Sơn) khoảng 40 nghìn lượt khách; Khu Du lịch sinh thái cộng đồng Pù Luông (Bá Thước) khoảng 4 nghìn lượt khách; Di sản văn hóa Thành Nhà Hồ (Vĩnh Lộc) khoảng 4,5 nghìn lượt khách...
Ghi nhận tại Khu di tích quốc gia đặc biệt Lam Kinh, nơi mà anh hùng dân tộc Lê Lợi đã dựng cờ khởi nghĩa chống lại quân Minh xâm lược, đây cũng là nơi để thờ cúng các vị vua và hoàng hậu của triều đại Lê. Trong những ngày đầu năm, nơi đây thu hút đông đảo du khách thập phương đến đây dâng hương, vãn cảnh.
Dịp nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Thìn, không chỉ các điểm du lịch văn hoá tâm linh thu hút khách mà các khu nghỉ dưỡng biển như: FLC Sầm Sơn (TP Sầm Sơn), Anh Phát Hotels & Resorts (thị xã Nghi Sơn) và các khu nghỉ dưỡng tại Khu Du lịch sinh thái cộng đồng Pù Luông (Bá Thước) cũng đón được lượng lớn khách quốc tế đến tham quan, nghỉ dưỡng./.