Mô hình "nuôi cá sông trong ao" lần đầu xuất hiện tại Gia Hòa

"Nuôi cá sông trong ao" là phương thức nuôi trồng thủy sản được áp dụng vài năm trở lại đây, song với xã Gia Hòa thì đây là lần đầu tiên có nông dân mạnh dạn áp dụng mô hình này.

Hiện nay, ở xã Gia Hòa, Gia Viễn, ông Bùi Thanh Nghị nối tiêng với mô hình "nuôi cá sông trong quê". 

Trước đây, ông dành nhiều thời gian sinh sống và làm việc ở nơi xứ người. Tới năm 2021, ông quyết định trở về Việt Nam. Trở vê quê nhà, nhận thấy nơi đây, đặc biệt là thôn Hồng Quyển có nhiều ruộng trũng và nuôi trồng thủy sản đang là nguồn thu nhập chính của nhiều hộ dân, ông quyết tâm đầu tư phát triển mô hình này.

Tuy nhiên, với suy nghĩ không đi theo lối truyền thống và tạo sự khác biệt, ông tìm hiểu triên sách báo, mạng internet và biết đến mô hình "nuôi cá sông trong ao". Đây là mô hình được áp dụng khá phổ biến ở Hà Nội, Hưng Yên và Hà Nam.

lam-song-trong-ao-nuoi-ca-day-dac-nong-dan-thu-loi-lon-ca-1556066720-1556470478-width1000height675-1646909907.jpg
Mô hình "nuôi cá sông trong ao" (Ảnh minh họa)

Mô hình này có nhiều ưu điểm vượt trội so với mô hình truyền thống, đơn cử như: giúp người chăn nuôi quản lý tốt sản lượng cá, với hệ thống camera quan sát người nuôi không mất nhiều công sức trông nom; hệ thống cho ăn, thu hoạch, xử lý phân hoàn toàn khép kín, không mất nhiều thời gian xử lý. 

Nguyên lý hoạt động của mô hình này là sử dụng máy móc với thiết kế khoa học, tạo ra dòng chảy liên tục trong ao, khiến cá được bơi ngược dòng như ở sông, vì vậy cá luôn vận động, săn chắc. Điều quan trọng là với hệ thống xử lý môi trường bảo đảm sẽ tạo ra nguồn cá thương phẩm sạch, thơm, ngon, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng.

Nắm bắt được những ưu điểm này, vợ chồng ông Nghị thực hiện triển khai mô hình ngay giữa năm 2021. Với phương châm làm tới đâu chắc tới đó, ông tập trung đầu tư đồng bộ, từ việc hạ cốt nền, gia cố bờ ao đến đầu tư hệ thống máy móc, nhằm đảm bảo đúng kỹ thuật chăn nuôi, giúp đàn cá sinh trưởng và phát triển tốt. 

Ông Nghị đào ao và xây hai bể lớn (150m2/bể) ở vị trí trung tâm ao để nuôi cá, phần đáy bể được đổ bê tông và lát gạch men. Ao được trang bị thêm máy tạo sóng, máy sục khí, máy quạt nước, máy hút chất thải đáy. Các thiết bị hoạt động liên tục tạo thành dòng sông trong ao.

Những chiếc máy bơm tạo dòng chảy tuần hoàn giúp cá trong bể hình thành thói quen vận động và bơi ngược dòng liên tục. Toàn bộ chất thải của cá được thu gom, đọng lại ở bể tĩnh phía sau, định kỳ được xử lý bởi hệ thống xử lý chất thải. Vì vậy môi trường nước ao nuôi luôn đảm bảo vệ sinh. 

Ngay trong vụ đầu tiên, ông Nghị tiến hành thả 7.000 con giống, dự kiến thu gần 30 tấn cá thịt. Giá bán dự kiến sẽ cao hơn so với giá cá nuôi truyền thống do chất lượng cá ngon hơn. Hiện tại đã có một số khách hàng ở Hà Nội biết và tìm đến đặt mua cá của gia đình ông. 

"Ưu điểm vượt trội của mô hình là bảo đảm được vệ sinh môi trường, thiết kế ao nuôi khoa học với mực nước bảo đảm nên cá không bị ảnh hưởng bởi tác nhân gây hại như dịch bệnh hay thời tiết. Bằng chứng là trong đợt rét đậm rét hại hồi cuối tháng 2 vừa qua nhiều nhà chăn nuôi cá truyền thống bị ảnh hưởng, cá chết hàng loạt. Nhưng với mô hình "sông trong ao", cá vẫn được sinh trưởng phát triển tốt"- ông Nghị cho biết. 

Với những tín hiệu tốt lành từ mô hình, ông Nghị có thêm niềm tin vào sự lựa chọn của mình và tiếp tục tập trung đầu tư vốn, công sức và khoa học kỹ thuật để phát triển ổn định mô hình. Ông Nghị tin rằng, chỉ khoảng 3 năm sau, gia đình sẽ thu hồi số vốn đã đầu tư (khoảng 2 tỷ đồng). Điều mà ông mong muốn là trong thời gian tới, sẽ có nhiều hộ chăn nuôi ở địa phương quan tâm đầu tư áp dụng để nhân rộng mô hình, hướng tới chăn nuôi sạch, tạo ra những vùng liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.

Chủ tịch UBND xã Gia Hòa, Gia Viễn, ông Vũ Đình Hai đã chia sẻ một cách đầy phấn khởi về mô hình "nuôi cá sống trong ao" của ông Bùi Thanh Nghị: "Qua theo dõi, chúng tôi nhận thấy đây là mô hình có nhiều ưu điểm vượt trội so với phương thức nuôi cá truyền thống. Trong tương lai, mô hình này sẽ mở ra hướng đi mới cho phát triển nuôi trồng thủy sản ở địa phương. Điều quan trọng là với một tư duy nhạy bén cùng tin thần dám nghĩ, dám làm của ông chủ, mô hình sẽ thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp cho những nông dân yêu thích, đam mê và mong muốn làm giàu từ nghề nuôi trồng thủy sản..."

Ông cũng cho biết: Bước đầu đánh giá mô hình "nuôi cá sông trong ao" của gia đình ông Nghị đạt hiệu quả cao hơn so với phương thức nuôi truyền thống. Mô hình này không chỉ tiết kiệm chi phí về công chăm sóc, thu hoạch mà còn giúp bảo vệ môi trường, tạo nguồn cá thương phẩm chất lượng, góp phần nâng cao thu nhập trên đơn vị diện tích mặt nước. Vì lẽ đó, trong thời gian tới xã sẽ tiến hành đánh giá, rút kinh nghiệm để nhân rộng mô hình "nuôi cá sông trong ao", góp phần nâng cao thu nhập cho người nông dân và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương./.

Thế Mạc TH