Để chủ động ứng phó với rét đậm, rét hại với vật nuôi, các ngành chức năng, các địa phương trong tỉnh Vĩnh Phúc đã chủ động thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống rét cho vật nuôi theo hướng dẫn của ngành nông nghiệp tỉnh. Cùng đó, tăng cường các biện pháp bảo vệ vật nuôi, không chăn thả, bắt gia súc làm việc ngoài trời khi nhiệt độ quá giá lạnh; theo dõi chặt diễn biến dịch bệnh vật nuôi...
Ngành nông nghiệp một số huyện trong tỉnh đã tăng cường cán bộ về cơ sở kiểm tra, giám sát tình hình dịch bệnh gia súc, gia cầm; hỗ trợ các xã biện pháp phòng chống rét cho vật nuôi; hướng dẫn các hộ chăn nuôi gia cố, tu sửa, đảm bảo chuồng trại đủ ấm, không bị gió lùa, mưa hắt làm ẩm ướt nền chuồng; dự trữ củi, trấu để đốt sưởi; chế biến thức ăn ủ chua, các phụ phẩm nông nghiệp làm thức ăn cho gia súc.
Đồng thời, yêu cầu các hộ dân của huyện Tam Đảo nhất là các xã đồi núi chủ động đưa trâu, bò thả rông trong rừng, núi về nuôi nhốt, có che chắn đảm bảo đủ ấm; không cho trâu, bò làm việc, chăn thả tự do khi nhiệt độ ngoài trời giá lạnh kèm theo mưa...
Huyện Tam Đảo là địa bàn chăn nuôi đang trên đà phát triển. Hết năm 2021, Tam Đảo có đàn trâu có gần 2.600 con, đàn bò trên 8.000 con, đàn lợn trên 66.000 con, đàn gia cầm khoảng 1,5 triệu con. Nhiều hộ chăn nuôi đã mạnh dạn đầu tư xây dựng chuồng khép kín, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, hộ chăn nuôi nhỏ lẻ giảm dần, đặc biệt công tác phòng, chống dịch bệnh, rét cho đàn vật nuôi luôn được các hộ chăn nuôi chủ động, thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp theo khuyến cáo của cơ quan chuyên môn, chính quyền địa phương. Do đó, các đợt rét đậm, rét hại kéo dài từ đầu mùa đông đến nay, Tam Đảo cơ bản chưa ghi nhận các trường hợp vật nuôi bị chết.
Huyện Tam Dương có truyền thống và thế mạnh về chăn nuôi gia cầm, Toàn huyện Tam Dương có tới 1.900 gia trại và nhiều trang trại quy mô lớn. Không ít trang trại chăn nuôi ở Tam Dương thu lời hàng tỷ năm từ nuôi lợn thịt, lợn sinh sản, gà thịt, gà đẻ trứng...Hầu hết các gia trại, trang trại chăn nuôi ở Tam Dương có đầu tư toàn diện. Đặc biệt các chuồng trại luôn xây dựng theo hướng đảm bảo độ ấm, không bị gió lùa, mưa hắt làm ẩm ướt nền chuồng. Những ngày giá lạnh, nền nhiệt độ xuống thấp, chủ các trang trại lớn đều lấy ý kiến tư vấn từ các bác sỹ thú y, cán bộ chuyên môn, học hỏi kinh nghiệp từ các cơ sở chăn nuôi lớn có uy tín để có đầy đủ kiến thức khoa học về phòng, chống rét cho vật nuôi hiệu quả.
Xã Vĩnh Thịnh, huyện Vĩnh Tường- một địa phương đang nuôi tới 10.000 con bò và hầu hết là bò sữa, số bò lớn hơn cả dân số của một xã đồng bằng. Đàn bò sữa xã Vĩnh Thịnh phát triển đã mang lại đời sống ấm no, nhiều hộ đã trở thành giàu có. Để bảo vệ đàn bò, hầu hết các hộ dân chăn nuôi ở Vĩnh Thịnh đã đầu tư chuồng trại bài bản theo hướng giữ ấm cho vật nuôi về mùa Đông và thoáng mát về mùa hè, thường xuyên vệ sinh khu chăn nuôi.
Bà con tận dụng triệt để diện tích ruộng đồng, đất bãi ven sông để trồng cỏ, trồng ngô và tổ chức thu mua các loại thức ăn từ cây cỏ ở nơi khác đưa về làm thức ăn cho đàn bò. Những tháng mùa Đông rét đậm, rét hại hầu hết các hộ đều có thức ăn dự trữ, tăng cường đầu tư cám, các khoáng chất cần thiết để đàn bò phát triển bình thường..../.