Màu xanh mơn mởn bốn mùa trên cao nguyên Si Pa Phìn mở hướng làm giàu cho người dân vùng cao

Từ vùng đất khô cằn, Cao nguyên Si Pa Phìn đã đổi thay với các khu nhà kính, nhà màng hiện đại được quy hoạch theo từng thửa để trồng rau, củ, quả theo từng mùa. Rau, quả của Si Pa Phìn giúp cuộc sống bà con nhân dân có từng bước thay đổi phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu.
rau-qua-si-pa-phin-1-1721005470.jpg
Màu xanh trên cao nguyên Si Pa Phìn.

Quyết tâm phủ màu xanh trên cao nguyên khô cằn

Cao nguyên Si Pa Phìn, xã Si Pa Phìn, huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên là điểm tái định cư mẫu trong cuộc đại di dân xây dựng Nhà máy Thuỷ điện Sơn La. Từ mảnh đất khô cằn, cuộc sống khó khăn, người dân chạy ăn từng bữa, đến nay, nhờ sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị và người dân địa phương, cao nguyên Si Pa Phìn đã chuyển mình trở thành vựa rau xanh, kỳ vọng đưa kinh tế, đời sống của người dân phát triển một cách bền vững.

Nhìn từ trên cao, 18 bãi bằng gối nhau như bát úp có diện tích hơn 30ha của cao nguyên Si Pa Phìn được phủ màu xanh ngắt. Mỗi khu vực được quy hoạch theo từng thửa để trồng rau, củ, quả theo từng mùa với các khu nhà kính, nhà màng hiện đại.

Ông Vàng A Kỷ, Bí thư Đảng ủy xã Si Pa Phìn cho biết: toàn bộ khu vực này trước là đất sản xuất được chia cho người dân chuyển về tái định cư. Trong đợt tái định cư ban đầu giữa năm 1992, người dân được hỗ trợ thí điểm trồng mía, trồng rừng nhưng không hiệu quả do mía trồng ra không có nhà máy chế biến, không có người thu mua; dự án trồng rừng tỷ lệ cây sống rất ít do khô hạn.

Cuộc sống của đồng bào dân tộc Thái tại các bản tái định cư như: Tân Lập, Tân Hưng, Chiềng Nưa, Tân Phong… vì thế cũng gặp nhiều khó khăn khi chỉ dựa vào ít diện tích ruộng nước và làm thuê làm mướn theo mùa. Cái đói, cái nghèo khiến nhiều gia đình trẻ bỏ quê hương về phố thị mưu sinh làm thuê, con thơ gửi cha mẹ già, nhà đóng cửa im ỉm, bản nghèo vốn ít người lại càng thưa vắng hơn.

rau-qua-si-pa-phin-2-1721005533.jpg
Không chỉ đáp ứng bữa ăn hàng ngày của hơn 15.000 học sinh trong huyện, vựa rau này còn cung cấp cho thành phố Điện Biên Phủ và một số xã lân cận.

Vậy mà nay, cao nguyên Si Pa Phìn đã đổi thay với những vựa rau xanh mướt theo từng mùa. Người dân đã biết cách trồng rau, trồng cây ăn quả chất lượng cao trong nhà màng, nhà kính. Rau, quả của Si Pa Phìn không chỉ đưa ra thị trường thành phố Điện Biên Phủ mà còn cung cấp đủ cho bữa ăn hàng ngày của gần 15.000 học sinh nội trú, bán trú của huyện Nậm Pồ và một phần cho học sinh các xã của huyện Mường Chà.

Ông Vàng A Kỷ, Bí thư Đảng ủy xã Si Pa Phìn cho biết: "Từng bước bà con nhân dân đã biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất và tiến tới sẽ chuyển giao công nghệ cho nhân dân ở các vùng đủ điều kiện về đất và nước để tiếp tục mở rộng thêm diện tích. Từ đó giúp cuộc sống bà con nhân dân có từng bước thay đổi phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu".

Đánh thức tiềm năng nông nghiệp của cao nguyên Si Pa Phìn

Ông Ngô Xuân Chiến, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Nậm Pồ, người đã khởi tạo ý tưởng về vườn rau trên cao nguyên Si Pa Phìn chia sẻ, khi Huyện ủy Nậm Pồ ban hành Nghị quyết 56 về phát triển vùng sản xuất rau, củ, quả an toàn, giai đoạn 2023-2025, điều đầu tiên được nghĩ đến là đánh thức tiềm năng nông nghiệp của cao nguyên Si Pa Phìn và đảm bảo bữa ăn đầy đủ cho học trò nghèo vùng biên. Ý tưởng này đã ngay lập tức được nhân dân, các lãnh đạo xã đương nhiệm, nguyên lãnh đạo xã cùng các trưởng bản ở Si Pa Phìn đồng lòng nhất trí cao.

Nhờ có sự ủng hộ của người dân, sự tận tâm, trách nhiệm của đội ngũ lãnh đạo xã Si Pa Phìn, quỹ đất liền thửa với diện tích hơn 30ha trên cao nguyên này đã hình thành. Để có nước tưới cho toàn bộ vườn rau trong mùa khô, người dân, chính quyền địa phương đã đào nhiều ao chứa, đưa nước từ nguồn dẫn từ khe suối Nậm Chim về tích tụ.

Vượt qua mọi khó khăn, từ tháng 01/2024, vườn đã cung cấp đủ sản lượng rau đáp ứng bữa ăn hàng ngày của hơn 15.000 học sinh của huyện và xuất bán ra thị trường thành phố Điện Biên Phủ.

rau-qua-si-pa-phin-3-1721005435.jpg
Lãnh đạo xã Si Pa Phìn kiểm tra khu vực trồng rau trong nhà màng.

Theo ông Chiến: "Phòng giáo dục cũng được huyện giao nhiệm vụ là cơ quan đầu mối để giám sát toàn bộ quy trình sản xuất cũng như các kỹ thuật sản xuất để đảm bảo làm sao tất cả rau sản xuất trên địa bàn khi đưa vào bếp ăn tập thể đều đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cho các em học sinh".

Từ vườn rau Si Pa Phìn, nhiều hộ gia đình đã học được thêm kiến thức trồng cây, trồng rau chất lượng cao theo quy trình sản xuất thuận tự nhiên, an toàn. Quan trọng nhất là dần thay đổi cách nghĩ, cách làm.

Chị Lò Thị Phương, người dân bản Tân Lập cho biết, mỗi tháng chị được nhận lương gần 7 triệu đồng, đảm bảo trang trải cuộc sống và nuôi các con ăn học. Không chỉ chị Phương mà nhiều người đã bỏ suy nghĩ đi xa làm thuê quay về phát triển kinh tế trên chính mảnh đất quê hương mình. Hiện trung bình mỗi ngày có gần 20 lao động là người dân tộc thiểu số làm việc tại vườn, cao điểm mùa thu hoạch lên tới 50 người làm việc.

"Nhờ có các cán bộ xã tạo vườn rau, công việc ổn định cho người dân mà chúng tôi có cuộc sống tốt, con cái đi học không còn phải lo nhiều về tài chính. Vườn rau rất sạch nên ở nhà cũng không trồng mà lấy rau luôn ở vườn về ăn" - chị Phương bày tỏ.

rau-qua-si-pa-phin-4-1721005454.jpg
Từ vườn rau này, nhiều gia đình đã có thu nhập ổn định.

Cao nguyên Si Pa Phìn giờ khoác trên mình tấm áo mới với màu xanh mơn mởn bốn mùa. Từ vườn rau này, khát vọng thoát nghèo của người dân trong xã cũng vươn lên với dự định cải tạo đất ruộng, đất rừng, mở rộng diện tích trồng rau, trồng khoai để góp sức cùng chính quyền phấn đấu hoàn thành mục tiêu đến cuối năm 2024 giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn xã xuống còn 32%, thay cho con số hơn 40% đã án ngữ nhiều năm qua trên vùng đất khó khăn này./.

Vũ Lợi